Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bình Thuận: Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn

28/09/2021 | 14:14

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh lĩnh vực du lịch tại Bình Thuận. Ngành "công nghiệp không khói" của tỉnh đã phải tạm dừng đón khách trong một thời gian khá dài và gánh chịu nhiều thiệt hại do tác động tiêu cực của dịch bệnh. Để khôi phục hoạt động, Sở VHTTDL Bình Thuận đã đưa ra một số giải pháp cụ thể nhằm giúp doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh khắc phục khó khăn, chuẩn bị các điều kiện để bắt tay phục hồi trong trang thái bình thường mới.

Bình Thuận: Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn - Ảnh 1.

Tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 1 cho gần 3.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch. (Nguồn: lmhtx.binhthuan.gov.vn)

Thực hiện các quy định về phòng chống dịch và tâm lý e ngại dịch bệnh khiến lượng khách du lịch đến Bình Thuận giảm mạnh. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động kinh doanh, tạm thời bố trí cho nhân viên nghỉ việc, dừng việc.

Theo thống kê từ doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, trong năm 2020, do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, có tới 80 – 90% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc phải tạm ngừng kinh doanh; một số doanh nghiệp phá sản, giải thể. Để ứng phó với tác động của dịch Covid-19, đa số các doanh nghiệp đã phải áp dụng nhiều giải pháp tạm thời, như: Cho lao động nghỉ không lương (từ 22 – 50%), giảm lương nhân công (từ 9,4 – dưới 100%), cho lao động nghỉ luân phiên/giãn giờ làm (từ 30 – dưới 100%), cắt giảm lao động (từ 20 – 75,86%). Kết quả, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2020, Bình Thuận đón khoảng 3,3 triệu lượt khách, giảm 48,5% so với năm 2019; trong đó, khách quốc tế khoảng 170 nghìn lượt, giảm gần 78% so với năm trước. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt hơn 9.400 tỷ đồng (giảm 38% so với năm 2019).

Đặc biệt, đợt bùng phát lần thứ 4 của đại dịch Covid-19 diễn ra đúng vào thời điểm ngành Du lịch chuẩn bị đón mùa cao điểm (tháng 4) đã khiến cho ngành công nghiệp không khói của Bình Thuận một lần nữa lao đao khi các chỉ số tăng trưởng chạm đáy.  

Cụ thể, toàn tỉnh có khoảng 80 - 90% cơ sở lưu trú tạm ngưng hoạt động. Một số ít cơ sở cố gắng sửa chữa cải tạo cảnh quan, đầu tư nâng cấp trang thiết bị, duy trì hoạt động để phục vụ khách hiện có và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Tuy vậy, những cơ sở lưu trú còn hoạt động hầu như không đón khách, chỉ hoạt động cầm chừng để duy trì hình ảnh về điểm đến và phục vụ khách đang lưu trú lâu dài…

Cùng với đó, hoạt động kinh doanh lữ hành trên địa bàn tỉnh hầu như ngưng hoạt động từ tháng 2/2020, hiện nay một số doanh nghiệp lữ hành xin rút giấy phép hoạt động, rút tiền ký quỹ từ ngân hàng để ổn định cuộc sống tạm thời... Các điểm tham quan du lịch cũng thực hiện việc đóng cửa ngay khi dịch bùng phát.

Theo số liệu của Cục Thống kê Bình Thuận, trong tháng 8, ngành dịch vụ và du lịch tiếp tục giảm mạnh về doanh thu lẫn lượt khách. Các đơn vị lữ hành gặp nhiều khó khăn, các tour du lịch tạm dừng hoạt động. Lượng khách du lịch trong tháng ước đạt 12,2 ngàn lượt khách, giảm 43,59% so tháng trước và giảm 93,37% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 8 tháng lượt khách du lịch ước đạt 1.751,2 ngàn lượt khách, giảm 5,72% so với cùng kỳ năm 2020.

Toàn tỉnh hiện có 588 cơ sở lưu trú du lịch, với tổng số 16.636 phòng. Do tình hình dịch Covid-19 tại tỉnh diễn biến phức tạp, tất cả các cơ sở lưu trú du lịch đã đóng cửa hoàn toàn để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chỉ trừ các cơ sở phục vụ làm cơ sở cách ly có trả phí.

Để từng bước khôi phục hoạt động phù hợp điều kiện địa phương, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bình Thuận tham mưu UBND tỉnh tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 1 cho hơn 3.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch. Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương cũng như hiệp hội du lịch đề xuất giảm thuế, giảm 80% tiền ký quỹ đối với doanh nghiệp lữ hành; giảm tiền điện, tiền thuế đất đối với doanh nghiệp lưu trú, nghỉ dưỡng; giãn, hoãn nộp các khoản phí thường niên theo quy định hiện hành của Nhà nước như: bảo hiểm xã hội, y tế, công đoàn... hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch, sẵn sàng phương án thí điểm đón khách du lịch trở lại.

Đặc biệt, để chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng mở cửa đón khách trong trạng thái bình thường mới, đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ kép "vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch", tỉnh Bình Thuận đã xây dựng kế hoạch đón khách du lịch nội địa và người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam kể từ ngày 20/10 -  25/12/2021.

Với chủ đề "Bình Thuận, điểm đến an toàn mùa Covid", tỉnh sẽ từng bước phục hồi thị trường khách du lịch nội địa đến Bình Thuận, khôi phục lại các hoạt động du lịch và các ngành kinh tế, dịch vụ liên quan gắn với đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch, góp phần quảng bá hình ảnh điểm đến an toàn và hấp dẫn, khẳng định thương hiệu điểm đến của du lịch Bình Thuận.

Từ những dự báo lạc quan cùng hàng loạt giải pháp vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế… du lịch Bình Thuận bước vào chặng đường sắp tới với sự tự tin và năng lượng tích cực./.

PV (t/h)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×