Bình Thuận đẩy mạnh liên kết để phát triển du lịch bền vững
27/10/2023 | 16:52Những năm gần đây, liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương, vùng, miền đã được chú trọng và được coi là đòn bẩy quan trọng để phát triển du lịch bền vững. Sự quan hệ hợp tác, liên kết về du lịch chặt chẽ, có hiệu quả giữa các vùng, các địa phương trong cả nước, giữa các doanh nghiệp du lịch là yếu tố quan trọng để khai thác hợp lý nguồn tài nguyên du lịch, phát huy lợi thế của từng vùng, từng địa phương và nâng cao năng lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp du lịch trong vùng.
Đẩy mạnh liên kết để phát triển
Du lịch Bình Thuận sau thời gian bị ảnh hưởng dịch Covid-19, trong 02 năm qua đã dần khôi phục và trong 9 tháng đầu năm 2023 đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trên nhiều mặt, các chỉ tiêu du lịch đã có sự tăng trường ổn định, đạt được kế hoạch đề ra, nhất là sau khi tỉnh được đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023, “Bình Thuận - Hội tụ xanh” và thông tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết - Vĩnh Hảo giúp rút ngắn thời gian di chuyển của du khách đến Bình Thuận.
Mặc dù có tiềm năng rất lớn, song phát triển của du lịch Bình Thuận còn khiêm tốn, chưa ngang tầm với vị thế và tiềm năng, đặc biệt, sau thời gian dài ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản phẩm du lịch tuy đã có bước cải thiện nhưng chưa tạo bước đột phá, chưa có có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với khách du lịch. Chính bởi vậy, trong thời gian qua, Bình Thuận luôn chú trọng và đã có nhiều Chương trình hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh như: Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Vũng Tàu, Tuyên Quang, Bình Phước. Việc liên kết được xem là giải pháp thiết thực, phát huy tiềm năng, khai thác lợi thế phát triển du lịch của các địa phương, phù hợp với tính đặc trưng liên vùng của du lịch.
Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận, qua ký kết, đến nay nhìn chung các nội dung hợp tác giữa các địa phương tích cực triển khai phối hợp thực hiện và đã đạt được những kết quả nhất định. Các nội dung Chương trình hợp tác phát triển du lịch đã thực hiện được góp phần tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, thu hút đầu tư, khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch của các địa phương; gắn kết mối quan hệ giữa nhà nước và doanh nghiệp các địa phương; khai thác thị trường, thúc đẩy tăng trưởng về lượng khách du lịch qua lại giữa các địa phương....
Ngày 24/10, Bình Thuận tiếp tục ký kết Chương trình hợp tác phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch với tỉnh Ninh Thuận, nhằm thúc đẩy phát triển đa dạng hóa sản phẩm du lịch, kết nối điểm đến, tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù, hình thành chương trình du lịch đặc sắc mang thương hiệu “Hai địa phương - Một điểm đến”. Theo đó, hai tỉnh sẽ phối hợp tổ chức chương trình khảo sát quảng bá, xúc tiến phát triển sản phẩm du lịch, chương trình du lịch mới của địa phương, trên cơ sở đó định hướng cho doanh nghiệp du lịch liên kết phối hợp để xây dựng chương trình du lịch kết nối các tuyến, điểm du lịch của Bình Thuận và Ninh Thuận.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận cho biết, mỗi địa phương đều có mỗi điểm đến, mỗi sản phẩm riêng, tuy nhiên, khi thực hiện liên kết vùng, liên kết sản phẩm, liên kết dịch vụ… sẽ tạo ra được những sản phẩm đặc thù riêng và cung cấp được nhiều dịch vụ, nhiều tiện ích và mang lại sự hài lòng cho du khách khi có nhu cầu, có thời gian trải nghiệm chuỗi sản phẩm này. Chính vì vậy, trong hoạt động du lịch, du lịch Bình Thuận luôn tìm kiếm sự liên kết nhằm gia tăng sản phẩm cũng như điểm đến để cùng nhau phát triển.
Ninh Thuận và Bình Thuận là hai địa phương có tài nguyên thiên nhiên, văn hóa khá đa dạng, khác biệt so với các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước. Do vậy, khi liên kết tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn, cạnh tranh cao so với các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước.
Theo ông Bùi Thế Nhân - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, với những tài nguyên phong phú và đa dạng, hệ thống hạ tầng giao thông giữa Bình Thuận và Ninh Thuận, trong đó tuyến đường cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo đã đi vào hoạt động góp phần rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai địa phương, tạo ra cơ hội đầu tư thông thoáng, sự phối hợp, liên kết hợp tác hỗ trợ, chia sẻ thế mạnh lẫn nhau. Cùng với những sản phẩm du lịch đặc trưng giữa Bình Thuận - Ninh Thuận sẽ tạo thuận lợi để 02 địa phương tiếp tục triển khai thực hiện tốt, ngày càng hiệu quả hơn, tạo bước tiến mới trong thực hiện Chương trình hợp tác phát triển du lịch.
Thêm sản phẩm du lịch mạo hiểm Tà Năng - Phan Dũng
Trước đây Bình Thuận luôn quan tâm phát triển du lịch biển, thì nay ngành Du lịch Bình Thuận chú trọng thêm phát triển du lịch rừng núi, trải nghiệm về văn hóa du lịch cộng đồng, đây là sự gia tăng sản phẩm để du khách có thể lựa chọn nhiều sản phẩm du lịch khi đến với Bình Thuận.
Hiện tại, ngoài các sản phẩm du lịch cao cấp như: Golf, nghĩ dưỡng biển cao cấp, du lịch thể thao biển, du lịch thể thao địa hình… Bình Thuận đang phát triển các dòng sản phẩm du lịch chính là du lịch “xanh”, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường; du lịch văn hóa gắn với lễ hội, tham quan và tìm hiểu cuộc sống cộng đồng dân cư, làng nghề truyền thống; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp, sinh thái rừng - biển - đồi cát, chinh phục thiên nhiên, mạo hiểm…
Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng tổ chức chương trình khảo sát trekking (đi bộ đường dài dã ngoại) trên cung đường Tà Năng (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) - Phan Dũng (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận). Đây sẽ là một trong những sản phẩm du lịch mới, được kỳ vọng thu hút khách du lịch của tỉnh Bình Thuận trong thời gian tới.
Nối liền ba tỉnh Lâm Đồng - Ninh Thuận - Bình Thuận, cung đường trekking Tà Năng - Phan Dũng có tổng chiều dài gần 60km. Bắt đầu từ xã Tà Năng, cung đường dẫn du khách chinh phục những quả đồi trùng điệp, di chuyển từ độ cao 1.100m xuống 500m so với mực nước biển, vượt suối, trèo đèo, băng qua những cánh rừng rậm rạp, kéo dài qua những cánh rừng thông và đồng cỏ xanh bạt ngàn rồi kết thúc tại xã Phan Dũng. Từ lâu, cung đường này đã được nhiều “phượt thủ” truyền tai nhau là một trong những cung đường đẹp nhất Việt Nam với độ khó của địa hình nơi đây đã thu hút nhiều du khách mê mạo hiểm tìm đến chinh phục.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận Nguyễn Văn Khoa, trong bối cảnh ngày càng tăng của ngành du lịch, việc xây dựng tour mới “Trekking Tà Năng - Phan Dũng: Hành Trình Biển và Hoa - kết nối Lâm Đồng - Bình Thuận” đánh dấu một bước phát triển quan trọng cho cả hai tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận. Tour này không chỉ là một hành trình khám phá thiên nhiên mà còn là cơ hội để nêu bật những giá trị di sản quý báu và văn hóa bản địa của khu vực này. Mục tiêu của tour Trekking Tà Năng - Phan Dũng là đa dạng hóa sản phẩm du lịch địa phương và đồng thời giúp tăng cường công tác bảo tồn di sản văn hóa ở Lâm Đồng và Bình Thuận. Việc kết nối hai tỉnh này thông qua hành trình du lịch sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế và du lịch ở cả hai địa phương. Đây cũng là một trong những sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm mà Bình Thuận và Lâm Đồng đang hướng tới./.