Bình Định: Nâng cao nhận thức đối với việc thực hành và truyền dạy di sản trong cộng đồng các dân tộc tiêu biểu Bana, Chăm Hroi, H'rê
27/06/2025 | 10:43Trong giai đoạn 2024-2025, công tác kiểm kê di sản văn hóa truyền thống (phi vật thể) đồng bào các dân tộc thiểu số tiêu biểu Bana, H'rê, Chăm H'roi trên địa bàn tỉnh Bình Định đã được triển khai hiệu quả.
Từ nguồn vốn Dự án 6 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025, các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc Bana, Chăm H'roi, H'rê trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ, trong đó có hoạt động kiểm kê di sản văn hóa truyền thống.
Nhằm triển khai hiệu quả các nhiệm vụ thuộc Dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" năm 2024 và 2025, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh Bình Định ban hành Kế hoạch số 103/KH-UBND ngày 23/5/2024 về Kiểm kê di sản văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tiêu biểu (Bana, Chăm H'roi, H'rê) trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2024- 2025; Quyết định số 3011/QĐ-UBND ngày 22/8/2024 về việc thành lập Ban Kiểm kê di sản văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tiêu biểu (Bana, Chăm H'roi, H'rê) trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2024 – 2025.
Mục đích việc kiểm kê nhằm nhận diện và xác định giá trị di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số Bana, Chăm Hroi, H'rê hiện đang cư trú tại các huyện An Lão, Hoài Ân, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Vân Canh. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị di sản văn hóa truyền thống; khuyến khích cộng đồng bảo vệ di sản văn hóa truyền thống và khai thác để phát triển du lịch, góp phần bảo tồn, lưu giữ di sản.
Đối tượng kiểm kê gồm 07 đối tượng theo quy định tại Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chủ thể là người đồng bào Bana, Chăm H'roi, H'rê, gồm có: Tiếng nói, chữ viết; Ngữ văn dân gian; Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xã hội; Lễ hội truyền thống; Nghề thủ công truyền thống; Tri thức dân gian.
Qua các đợt điền dã, khảo sát, kiểm kê di sản văn hóa truyền thống (phi vật thể) của đồng bào Bana, Chăm H'roi, H'rê, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thu được 1.402 phiếu cung cấp thông tin ở 7 loại hình. Trên cơ sở phiếu thu thập được, đối chiếu, so sánh các tài liệu, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổng hợp được 102 di sản, trong đó huyện An Lão (Hrê: 18 di sản, Bana: 12 di sản); huyện Hoài Ân (Bana: 11 di sản, H'rê: 10 di sản); huyện Tây Sơn (Bana: 7 di sản); huyện Vân Canh (Bana: 12 di sản, Chăm H'roi: 12 di sản); huyện Vĩnh Thạnh (20 di sản).
Trong quá trình kiểm kê có sự tham gia tích cực của chủ thể văn hóa là cộng đồng các dân tộc Bana, Chăm H'roi, H'rê, nghệ nhân; của các cán bộ, công chức văn hóa của địa phương.
Qua công tác tập huấn kiểm kê và các đợt khảo sát, kiểm kê tại thực địa, giúp đồng bào tiếp cận và hiểu rõ hơn về những giá trị đặc sắc về văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình, từ đó nâng cao nhận thức và vai trò của chủ thể văn hóa đối với việc thực hành và truyền dạy di sản trong cộng đồng các dân tộc tiêu biểu Bana, Chăm Hroi, H'rê.
Tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có công tác kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống (vật thể, phi vật thể) của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; công tác bảo tồn lễ hội; tập huấn, truyền dạy về di sản văn hóa phi vật thể. Phối hợp với các địa phương có di sản trong Danh mục kiểm kê di sản văn hóa truyền thống (phi vật thể) đồng bào các dân tộc thiểu số tiêu biểu Bana, H'rê,Chăm H'roi trên địa bàn tỉnh Bình Định lựa chọn những di sản tiêu biểu trong Danh mục để xây dựng hồ sơ khoa học, đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nâng cao nhận thức, vai trò quản lý, định hướng của các cơ quan quản lý Nhà nước, tăng cường công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh; tăng cường tuyên truyền về bảo tồn di sản văn hoá, nâng cao nhận thức của các cá nhân về truyền thống văn hóa của dân tộc, từ đó mỗi cá nhân có ý thức bảo vệ di sản. Thực hiện tốt chính sách, chế độ đãi ngộ cho các nghệ nhân, người am hiểu về di sản văn hóa phi vật thể để các chủ thể văn hóa có điều kiện duy trì thực hành, truyền dạy di sản văn hóa trong cộng đồng. Ngoài ra, Sở sẽ tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở cấp tỉnh và cấp xã về công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa; Ứng dụng chuyển đổi số và số hóa di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng trên địa bàn tỉnh, quan tâm đến công tác số hóa di sản của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi./.