Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bình Định: Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác giá trị di tích

20/09/2024 | 10:45

Sau hơn 3 tháng thực hiện Quyết định số 16/2024/QÐ-UBND của UBND tỉnh về quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố đã tiếp nhận di tích được chuyển giao lại và có phương án thực hiện quản lý theo phân cấp để nâng cao hiệu quả khai thác di tích.

Trong tổng số 149 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng trên địa bàn tỉnh (gồm 2 di tích quốc gia đặc biệt, 34 di tích quốc gia, 113 di tích cấp tỉnh), UBND tỉnh giao Sở Văn hóa và Thể thao quản lý 22 di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, cùng một số di tích cấp tỉnh về phong trào Tây Sơn trên địa bàn huyện Tây Sơn; các huyện, thị xã, thành phố quản lý 127 di tích.

Bình Định: Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác giá trị di tích - Ảnh 1.

Di tích Địa điểm lưu niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc tại Huyện đường Bình Khê được Bảo tàng Quang Trung chuyển giao huyện Tây Sơn quản lý theo phân cấp.

Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: Sở Văn hóa và Thể thao đã giao Bảo tàng Quang Trung quản lý 8 di tích, Bảo tàng tỉnh quản lý 14 di tích. Về mặt chuyên môn, chúng tôi cũng được giao nhiệm vụ hướng dẫn các địa phương thành lập ban, tổ quản lý di tích theo quy định; thực hiện chức năng lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích…

Tiếp nhận quản lý 11 di tích (2 di tích quốc gia, 9 di tích cấp tỉnh), huyện Tây Sơn đã xây dựng quy chế, thành lập Ban quản lý di tích huyện, lập kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Ông Đặng Bảo Toàn, Trưởng Phòng VH-TT huyện Tây Sơn, cho biết: “Huyện sẽ sớm thành lập các ban/tổ quản lý di tích cấp xã để quản lý 9 di tích cấp tỉnh. Còn 2 di tích quốc gia là Vụ thảm sát Bình An (xã Tây Vinh) và Địa điểm lưu niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc tại Huyện đường Bình Khê (xã Tây Giang) do Ban quản lý di tích huyện quản lý”.

TX Hoài Nhơn hiện có 25 di tích xếp hạng (3 di tích quốc gia, 22 di tích cấp tỉnh) được UBND tỉnh giao quyền quản lý toàn bộ. Ông Hồ Khắc Cầu, Phó Giám đốc Trung tâm VHTT&TT TX Hoài Nhơn, cho biết: “Trước mắt, thị xã quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn theo Quyết định số 16 của UBND tỉnh. Sau này sẽ xây dựng quy chế quản lý di tích của thị xã và phân quyền quản lý cho các xã, phường”.

Tương tự, để phát huy giá trị 2 di tích quốc gia và 13 di tích cấp tỉnh chuyển giao cho huyện Tuy Phước quản lý, ông Nguyễn Hùng Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, chia sẻ: “Huyện tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bảo tồn di sản văn hóa. Tiến tới thành lập ban quản lý di tích cấp huyện, cấp xã theo quy chế; trình HĐND huyện thông qua cơ chế để thực hiện việc quản lý, bảo vệ, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn huyện…”.

TP Quy Nhơn được giao quản lý 10 di tích (3 di tích quốc gia, 7 di tích cấp tỉnh), hiện đang xây dựng quy chế, thành lập Ban quản lý di tích thành phố và tổ quản lý di tích tại các phường, xã có di tích. Ông Phan Tuấn Hoàng, Trưởng phòng VH-TT TP Quy Nhơn, cho biết: “Thành phố đã hợp đồng 1 bảo vệ tại di tích Nhà tù Phú Tài (phường Trần Quang Diệu); có kế hoạch tổ chức các hoạt động, lễ hội tại các di tích đảm bảo phát huy giá trị gắn phục vụ du lịch”.

Việc phân cấp, giao quyền quản lý di tích góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của địa phương trong việc bảo tồn di sản văn hóa gắn kết nối du lịch và phát triển KT-XH của địa phương. Tuy vậy, vẫn còn gặp khó về nhân lực, kinh phí quản lý, bảo vệ di tích; giao cấp xã quản lý trực tiếp sẽ có nhiều hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ…

Theo ông Huỳnh Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, dù đã phân cấp nhưng không có nghĩa là Sở Văn hóa và Thể thao “khoán trắng” cho các địa phương; trách nhiệm quản lý nhà nước về di tích vẫn do Sở đảm nhận chung.

“Sở đã chỉ đạo Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng Quang Trung cử thuyết minh viên để hỗ trợ các địa phương giới thiệu du khách đến tham quan, tìm hiểu khi có nhu cầu; lên kế hoạch tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, bảo vệ di tích cho các địa phương trong năm tới. Riêng đối với nguồn tài chính để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích đã được quy định cụ thể trong quy chế do UBND tỉnh ban hành, Sở Văn hóa và Thể thao cũng đã hướng dẫn các địa phương thực hiện theo luật định…”, ông Lợi cho biết.

Theo Báo Bình Định

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×