Bến Tre: Nỗ lực phục hồi và thúc đẩy hoạt động du lịch
04/05/2021 | 14:12Tập trung thực hiện các đề án, chương trình phát triển du lịch đã được phê duyệt; quảng bá Bến Tre là điểm đến an toàn-thân thiện-chất lượng; chú trọng sản phẩm mang nét đặc trưng du lịch sinh thái sông nước xứ dừa… là những giải pháp tỉnh Bến Tre đang triển khai nhằm phục hồi và thúc đẩy hoạt động du lịch trong tình hình mới.
Theo Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Ngọc Dung, tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp phục hồi và phát triển hoạt động du lịch trên địa bàn trong điều kiện khó khăn hiện nay do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Theo đó, ngành du lịch tỉnh tập trung thực hiện các đề án, chương trình, kế hoạch phát triển du lịch đã được phê duyệt như: Đề án số 02-ĐA/TU của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Bến Tre đến năm 2030; Chương trình hành động số 22-CTr/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 4573/KH-UBND của UBND tỉnh về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển du lịch đến 2030; Đề án Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách; Đề án tổ chức phiên chợ cuối tuần; Đề án ứng dụng du lịch thông minh…
Song song với những nhiệm vụ trên, tỉnh tập trung giới thiệu Bến Tre là điểm đến an toàn-thân thiện-chất lượng trên các phương tiện thông tin đại chúng thông qua các sự kiện, lễ hội, hội chợ, hội thảo, tọa đàm về du lịch do tỉnh và các tỉnh, thành phố trong cả nước tổ chức như: Ngày hội Du lịch TPHCM, Ngày hội Du lịch tỉnh Vĩnh Long lần thứ 2 năm 2021; Diễn đàn kết nối du lịch giữa TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL lần thứ 2 năm 2021 tại Đồng Tháp; Tuần lễ Văn hóa-Du lịch-Ẩm thực-Thương mại cụm liên kết phát triển du lịch phía Đông ĐBSCL năm 2021 (dự kiến tổ chức vào tháng 9.2021 tại Bến Tre).
Tỉnh vận động các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch phát triển đa dạng sản phẩm, loại hình du lịch, chú trọng phát triển sản phẩm, loại hình du lịch mang nét đặc trưng du lịch sinh thái sông nước xứ dừa; tăng cường liên kết, hợp tác phát triển sản phẩm du lịch, tour, tuyến du lịch nội tỉnh, nội vùng, liên vùng và liên khu vực. Mặt khác, tỉnh phát triển loại hình du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, di tích lịch sử văn hóa, các lễ hội truyền thống của địa phương nhằm thu hút du khách.
Cùng với đó, Bến Tre tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về du lịch như: Hướng dẫn, thẩm định công nhận khu, điểm du lịch; cơ sở lưu trú du lịch đủ điều kiện, xếp hạng sao cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ du lịch cho đội ngũ lao động ngành Du lịch, đáp ứng nhu cầu thực tế của các địa phương, đơn vị…
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, để giải bài toán thu hút khách du lịch trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi phải có sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành chức năng có liên quan từ tỉnh đến huyện, xã và nhất là sự vào cuộc của chính các doanh nghiệp du lịch, những người trực tiếp làm du lịch.
Tại Bến Tre, hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch trong tỉnh đến nay tuy còn khó khăn nhưng cũng đang dần phục hồi trở lại. Các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn vẫn tiếp tục tập trung khai thác thị trường khách du lịch nội địa. Lượng khách đến các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú... đã tăng nhiều vào dịp cuối tuần. Hiện nay, các đơn vị kinh doanh du lịch luôn quan tâm chỉnh trang khuôn viên, đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất, trang thiết bị; xây dựng các chương trình, sản phẩm dịch vụ phục vụ khách trong các dịp lễ, dịp hè năm 2021.
Thời gian qua, sau khi mở cửa hoạt động trở lại, nhiều di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn thu hút đông đảo du khách tham quan, như: Bảo tàng Bến Tre, Di tích Đồng Khởi (huyện Mỏ Cày Nam), Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu (huyện Ba Tri), khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định (huyện Giồng Trôm), căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định (huyện Mỏ Cày Bắc) và Di tích đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam (huyện Thạnh Phú)...