Văn hóa

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bến Tre: Đề án Tổ chức lễ hội cấp tỉnh phát huy giá trị văn hoá truyền thống, quảng bá hình ảnh địa phương

24/05/2025 | 08:43

Ngày 23/5, UBND tỉnh Bến Tre quyết định Ban hành Đề án tổ chức lễ hội cấp tỉnh của tỉnh Bến Tre với định hướng tổ chức các Lễ hội Văn hoá - Du lịch biển tỉnh Bến Tre, Lễ hội Truyền thống Văn hoá tỉnh Bến Tre, Lễ hội Hoa kiểng- Cây giống tỉnh Bến Tre, Lễ hội Dừa tỉnh Bến Tre lần VI, Lễ hội truyền thống tỉnh Bến Tre bắt đầu từ năm 2025.

Tại Bến Tre, hệ thống lễ hội diễn ra đa dạng và phong phú, các lễ hội dân gian truyền thống như Lễ hội Nghinh Ông xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, lễ Kỳ yên tại các đình làng và các lễ hội tôn giáo được duy trì bền vững trong cộng đồng. Đồng thời, tỉnh còn tổ chức các lễ hội đặc trưng như Lễ hội Dừa, Lễ hội Cây trái ngon - an toàn. Những sự kiện như Tuần lễ Văn hóa - Du lịch, Ngày hội Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Ngày hội Ẩm thực... đã góp phần quảng bá hình ảnh địa phương, phát triển du lịch và thúc đẩy kinh tế - xã hội.

Thời gian qua, công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn tỉnh Bến Tre được thực hiện nghiêm túc theo quy định pháp luật, tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế như sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các đơn vị, công tác định hướng chưa kịp thời, một số lễ hội còn đơn điệu, có biểu hiện thương mại hóa, chưa thể hiện rõ bản sắc văn hoá. Ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, dẫn đến ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự.

Do vậy, việc xây dựng Đề án nhằm thiết lập cơ chế phối hợp chặt chế, nâng cao hiệu quả quản lý, phát huy giá trị văn hóa truyền thống và góp phần quảng bá hình ảnh địa phương.

Đề án được xây dựng nhằm nâng cao trình độ quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức hoạt động lễ hội của cán bộ quản lý lĩnh vực văn hóa và những người điều hành lễ hội… Thống nhất các lễ hội được tổ chức với quy mô cấp tỉnh có sự lồng ghép với các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, thương mại, kêu gọi đầu tư, nghiên cứu khoa học để tạo sự gắn kết hài hòa, có tính kế thừa, khả thi, đồng bộ và phù hợp với đặc điểm, định hướng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tỉnh Bến Tre. Tăng cường sự quan tâm của Nhà nước trong tổ chức các hoạt động lễ hội, bảo đảm sự ổn định, vững chắc… 

Đồng thời, thông qua các hoạt động lễ hội, tăng cường công tác giáo dục, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về lễ hội, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia lễ hội và trong bảo tồn các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về các sự kiện lịch sử trọng đại, những nét đẹp về văn hoá, phong tục tập quán tiêu biểu đặc sắc của người Bến Tre. Định hướng cộng đồng về hình thức sinh tâm linh, tín ngưỡng phù hợp đời sống đương đại và trong xu thế hội nhập, đồng thời giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ, sống lành mạnh, hướng thiện.

Theo quyết định, Đề án được thực hiện trên địa bàn tỉnh Bến Tre, từ năm 2025 và những năm tiếp theo. Tần suất, quy mô từng lễ hội được xác định trong Đền án sẽ tổ chức với quy mô cấp tỉnh 05 năm một lần, trong khoảng thời gian từ 03-07 ngày; hàng năm, tùy vào điều kiện thực tế mà lễ hội được tổ chức với quy mô nhỏ hơn và do chính quyền tại địa điểm diễn ra hoạt động lễ hội tổ chức.

Bến Tre: Đề án Tổ chức lễ hội cấp tỉnh phát huy giá trị văn hoá truyền thống, quảng bá hình ảnh địa phương - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ: Dừa - sản phẩm đặc trưng của tỉnh Bến Tre

Đề án cũng quy định rõ về định hướng, mục tiêu tổ chức lễ hội cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Trong đó, Lễ hội Văn hóa - Du lịch biển tỉnh Bến Tre được tổ chức nhằm giữ gìn và giới thiệu nét văn hóa đặc trưng của người dân vùng biển; tăng cường tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nghể đi biển truyền thống của ngư dân, yêu quê hương, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc; giới thiệu tiềm năng tài nguyên biển tại Bến Tre để kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển các dịch vụ về du lịch và đầu tư phát triển kinh tế biển… Lễ hội tổ chức với quy mô cấp tỉnh 05 năm một lần, hàng năm tổ chức với quy mô cấp cơ sở, tại một trong những xã ven biển. Riêng năm 2026 sẽ tổ chức tại các xã vùng biển thuộc cù lao An Hóa, tổ chức trong khoảng tháng 7/2026 đế gắn với thời điểm diễn ra - Lễ hội Nghinh Ông xã Bình Thắng (14,15,16 tháng 6 âm lịch).

Lễ hội Truyền thống Văn hóa tỉnh Bến Tre (01/7) được hình thành trên cơ sở Ngày hội Truyền thống Văn hóa tỉnh Bến Tre (01/7) và kỷ niệm ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Lễ hội tổ chức với quy mô cấp tỉnh 05 năm một lần, hàng năm tổ chức với quy mô cấp cơ sở. Lễ hội với quy mô cấp tỉnh được tổ chức bắt đầu từ năm 2027 và vào các năm tròn, năm chẵn kỷ niệm ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu.

Lễ hội Hoa kiểng - cây giống tỉnh Bến Tre được tổ chức nhằm tôn vinh nghề trồng hoa, kiểng, cây ăn trái của người dân vùng đất Chợ Lách, phát huy giá trị kinh tế các sản phẩm từ hoa, kiểng, cây giống, trái cây của địa phương; thúc đẩy phát triển kinh tế vườn gắn với Đề án Làng Văn hóa Du lịch và Chương trình Quốc gia Mỗi xã một sản phẩm - OCOP. Dự kiến, Lễ hội quy mô cấp tỉnh được tổ chức bắt đầu từ năm 2028, hàng năm tổ chức với quy mô cấp cơ sở, các hoạt động tập trung diễn ra từ 05-07 ngày, vào khoảng tháng 01 hàng năm (nhằm tháng Chạp âm lịch).

Lễ hội Dừa tỉnh Bến Tre lần VI được tổ chức nhằm tôn vinh cây dừa, sản phẩm dừa và những cá nhân trong hoạt động kinh tế - xã hội gắn liền với cây dừa, là dịp để tăng cường quảng bá, giới thiệu ngành dừa, sản phẩm từ dừa đến du khách trong nước và quốc tế; thu hút các nhà đầu tư, xúc tiến các hoạt động liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư, nhất là phát triển sản xuất chế biến; tiêu thụ sản phẩm dừa và du lịch xứ Dừa. Việc lựa chọn thời điểm tổ chức gắn với dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), Ngày Giải phóng tỉnh Bến Tre (01/5). Lễ hội được tổ chức quy mô cấp tỉnh, bắt đầu từ năm 2029, với các hoạt động diễn ra từ 05-07 ngày, vào khoảng tháng 4.

Lễ hội Truyền thống tỉnh Bến Tre (17/01) được tổ chức nhằm khẳng định tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử của sự kiện Đồng Khởi Bến Tre; tái hiện lại một sự kiện lịch sử tiêu biểu, có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc đấu tranh cách mạng giành độc lập của quân và Nhân dân tỉnh Bến Tre; tiếp tục tuyên truyền, nhắc nhở trong cộng đồng, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, cho thế hệ trẻ về lịch sử của địa phương, từ đó khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương; cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tích cực thi đua lao động sản xuất, công tác và học tập… Dự kiến, Lễ hội tổ chức quy mô cấp tỉnh 5 năm 1 lần, bắt đầu từ năm 2030; hàng năm tổ chức quy mô cấp cơ sở trong 3-5 ngày trong tháng 01, tại địa bàn diễn ra sự kiện Đồng Khởi, nơi có Di tích quốc gia đặc biệt Đồng Khởi Bến Tre (hoặc trên quê hương, nơi sinh nữ tướng Nguyễn Thị Định) và một số địa điểm, địa phương khác có liên quan trong tỉnh.

Đề án cũng đưa ra các giải pháp trong quản lý, tổ chức thực hiện Lễ hội quy mô cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Bến Tre và đặt ra các yêu cầu trong tổ chức thực hiện đối với các Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính, Sở Công thương, Sở Xây dựng, Công an tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các địa phương trên địa bàn tỉnh…

K.Vân

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×