Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bảo tồn văn hóa các DTTS gắn với phát triển du lịch ở Lạng Sơn: Mang lại giá trị kép

14/12/2023 | 09:54

Triển khai thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, tỉnh Lạng Sơn đang nỗ lực khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, từng bước phát triển thành những sản phẩm du lịch đặc trưng thu hút du khách.

Bảo tồn văn hóa các DTTS gắn với phát triển du lịch ở Lạng Sơn: Mang lại giá trị kép - Ảnh 1.

Múa sư tử Mèo của người Nùng xứ Lạng

Lạng Sơn hiện có 280 lễ hội; 139 di tích được xếp hạng các cấp; hơn 100 câu lạc bộ dân ca và sinh hoạt văn hóa truyền thống, cùng hàng trăm tổ, đội văn nghệ cơ sở; 9 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 2 di sản văn hóa phi vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại… góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch.

Một hoạt động văn hóa và sản phẩm du lịch tiêu biểu, nổi bật, đặc sắc vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về của tỉnh Lạng Sơn là “Lễ hội hoa đào” nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, kinh tế của cây hoa đào, đồng thời tôn vinh cây hoa đào, người trồng đào xứ Lạng. Tại lễ hội còn diễn ra nhiều hoạt động giao lưu sôi động, mang đậm nét văn hóa bản địa đặc sắc như: Giao lưu hát Sli, hát lượn, hát then; múa sư tử dân tộc Tày, Nùng; giao lưu các câu lạc bộ khiêu vũ mở rộng; giao lưu nhảy đường phố cùng các hoạt động triển lãm sách, báo Xuân; trưng bày gốc đào, trao đổi các sản phẩm OCOP… tạo ra không gian văn hóa - du lịch với những điểm nhấn vừa mang đậm bản sắc truyền thống, vừa hiện đại, tạo sức hút mới lạ cho lễ hội, góp phần tuyên truyền, quảng bá rộng rãi hình ảnh vùng đất, con người, nét đẹp văn hóa, truyền thống của đồng bào xứ Lạng…

Lạng Sơn không chỉ thu hút du khách gần xa với những lễ hội truyền thống, với những điểm du lịch tâm linh, mà Lạng Sơn còn tập trung phát triển du lịch cộng đồng. Tiêu biểu như làng văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn. Sau hơn 10 năm triển khai, làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn đã có gần 10 hộ gia đình xây dựng homestay đạt tiêu chuẩn đón tiếp khách, từ đó tạo ra sinh kế để đảm bảo cuộc sống.

Bảo tồn văn hóa các DTTS gắn với phát triển du lịch ở Lạng Sơn: Mang lại giá trị kép - Ảnh 2.

Du khách giao lưu với đội văn nghệ làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn

Cùng với việc phát huy giá trị của văn hóa truyền thống, chất lượng dịch vụ, phục vụ khách du lịch của các làng du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đang từng bước được nâng cao. Qua đó các làng đã cung cấp những sản phẩm văn hóa - loại hàng hóa đặc biệt mang giá trị kép cho du khách, đồng thời, tạo ra sinh kế bền vững cho cộng đồng cư dân địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tạo nguồn thu ổn định, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tỉnh Lạng Sơn luôn xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng, các mục tiêu phát triển du lịch luôn được xác định trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để tập trung chỉ đạo thực hiện. Trên cơ sở đó, Sở VHTTDL tỉnh Lạng Sơn đã tham mưu, triển khai nhiều giải pháp để phát triển các loại hình du lịch, trong đó phát huy lợi thế tài nguyên du lịch văn hóa. Đầu tư cho bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa tín ngưỡng tôn giáo và những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với tâm linh, để trở thành yếu tố hấp dẫn đặc sắc. Tỉnh Lạng Sơn xác định tiềm năng để phát triển du lịch gồm có 5 loại hình là: Du lịch sinh thái; du lịch văn hóa; du lịch tâm linh; du lịch mua sắm; du lịch cửa khẩu. Bởi vậy tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện và đầu tư những điểm du lịch cộng đồng, sinh thái dựa trên khai thác giá trị văn hóa của từng địa phương.

Thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục tập trung vào các sản phẩm du lịch hiện có và khai thác các sản phẩm mới đa dạng, phong phú có chất lượng hơn. Đồng thời, thường xuyên giới thiệu, quảng bá đến các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Phát triển hệ thống các trung tâm mua sắm tại thành phố Lạng Sơn và khu vực kinh tế cửa khẩu. Đẩy mạnh sự chuyên nghiệp các điểm dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi có chất lượng cao nhằm thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch.

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×