Bảo tồn và giáo dục di sản văn hóa theo nền tảng số hóa
30/07/2021 | 10:22Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn cầu, nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa bị đình trệ, các di sản thế giới, kể các di sản đã được UNESCO công nhận đang đứng trước nguy cơ bị tàn phá,… Nhiều hoạt động văn hóa vật thể, phi vật thể, các sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống và đương đại đều bị trì hoãn hoặc hủy bỏ. Đời sống của các cộng đồng dân cư hầu khắp các châu lục đều bị đảo lộn và ảnh hưởng nghiêm trọng, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trở nên khó khăn và ngưng đọng.
Khắc phục tình trạng này, nhiều quốc gia trên thế giới đã dựa vào sức mạnh của công nghệ số để vận hành các hoạt động văn hóa, kinh tế-chính trị, đem lại hiệu quả thiết thực. Trong lĩnh vực văn hóa, trên mạng xã hội, chúng ta thấy xuất hiện nhiều bài thuyết trình văn hóa, video đầy cảm hứng của những người yêu thích văn hóa, các nghệ sĩ, nhạc sỹ nổi tiếng thế giới trình bày, biểu diễn dưới hình thức trực tuyến, đã tác động sâu sắc đến cư dân mạng, thu hút rất nhiều lượt người theo dõi, hưởng ứng ... Tại Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ số để bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cho thấy tính ưu việt và hiệu quả ngoài mong đợi. Trong các bảo tàng đã có bảo tàng ảo, di tích ảo, sử dụng công nghệ thực tại ảo bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt Nam; phim 3D, 4D; hệ thống thuyết minh tự động, hệ thống dữ liệu di sản được kết nối, chia sẻ, trích xuất ngày càng làm cho di sản văn hóa có sức lan tỏa sâu rộng. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thiếu đồng bộ và hấp dẫn, làm cho giáo dục di sản số chưa kết nối được đông đảo cá nhân, cộng đồng, tổ chức tham gia, cần có sự chung tay của nhiều người, nhiều tổ chức, nhất là những người yêu di sản văn hóa.
Nhiều năm qua, Bảo tàng VHCDTVN được đồng hành với các công ty tin học, đặt biệt là cùng với Phòng thí nghiệm tương tác người máy, Trường ĐH công nghệ Hà Nội và Trường Đại học công nghệ Thái Nguyên xây dựng nâng cấp các phần mềm cảm ứng, âm thanh kĩ thuật số hỗ trợ một số tổ hợp trưng bày, bảo tàng ảo, nghiên cứu ứng dụng công nghệ đa phương tiện trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt Nam. Các phần mềm này đã được vận hành hiệu quả trong việc quản lý dữ liệu và trình diễn tới cộng đồng. Nhiều hiện vật được mô hình hóa 3 chiều, lưu trữ đầy đủ thông tin phục vụ nghiên cứu, tham quan. Cơ sở dữ liệu cũng giúp cho việc trưng bày tại Bảo tàng phong phú hơn, đa dạng và độc đáo hơn. Cán bộ Bảo tàng và công chúng khi nhìn vào đó có thể học và trao truyền các giá trị văn hóa phi vật thể, giúp cho văn hóa được lan tỏa tới cộng đồng nhiều hơn.
Có thể kể đến như: Bảo tàng ảo (Không gian 5 phòng trưng bày trong nhà được thể hiện dưới dạng 3D đáp ứng nhu cầu rất đa dạng trong quá trình phổ biến giá trị di sản văn hóa. Bảo tàng ảo giúp khách có thể tham quan qua các thiết bị di động, qua các ấn phẩm CD)
Phần mềm âm thanh kỹ thuật số hỗ trợ các tổ hợp trưng bày: Trong mỗi phòng trưng bày của Bảo tàng có 10 - 12 tổ hợp được lắp đặt Sensor cảm biến, khi khách tham quan đến tổ hợp, cảm biến nhận diện và âm thanh tự động bật lên (có thể là bài giới thiệu về tổ hợp hoặc âm thanh của một loại nhạc cụ, một làn điệu dân ca hay đơn giản chỉ là âm thanh của tiếng nước chảy, âm thanh náo nhiều của phiên chợ vùng cao được trưng bày trong tổ hợp đó) vang lên. Khách tham quan có thể nghe giới thiệu, cảm nhận về âm thanh đó kết hợp với hiện vật trưng bày giúp khách tham quan có thể cảm nhận chân thực hơn về tổ hợp trưng bày tại Bảo tàng.
Phần mềm (disanso.vn): Năm 2018, Bảo tàng được đầu tư và giúp đỡ để đưa di sản văn hóa lên mạng internet lưu trữ và quảng bá rộng rãi (disanso.vn). Với 217 video về văn hóa phi vật thể của 54 dân tộc đã được số hóa lên mạng internet. Qua đó khách tham quan ở bất cứ đâu, chỉ cần 1 thiết bị công nghệ có mạng internet có thể xem một số video về văn hóa phi vật thể của các dân tộc Việt Nam, xem cách làm sáo, làm khèn, biểu diễn sáo, khèn có thể làm sáo, khèn, học thổi sáo, khèn và hiểu được thông tin về từng loại nhạc cụ, xem được thông tin về các con rối ( múa rối nước của người Kinh), để rồi hiểu được cơ chế vận hành như xem con rối, hiểu cách biểu diễn để có một tiết mục rối gắn với con rối cụ thể. Xem cách biểu diễn các tiết mục văn hóa, văn nghệ dân gian trên internet, qua các động tác được số hóa, khách tham quan có thể học được điệu múa mà không cần phải có người truyền thụ
Phần mềm công nghệ thực tế ảo (VR): Đây là phần mềm lưu trữ dữ liệu về văn hoá phi vật thể trên máy tính phục vụ cho mục đích bảo tồn, tra cứu, học tập và tạo ra các sản phẩm nghệ thuật mới giúp khách tham quan có thể "cảm nhận" không gian mô phỏng các hiện vật trưng bày một cách chân thực hơn nhờ vào kính 3 chiều (kính thực tế ảo) phục vụ khách tham quan tại Bảo tàng.
Nhận thấy hiệu quả to lớn mà công nghệ số đem lại, Bảo tàng đã cùng với các đơn vị trong nhóm DPECH tổ chức Hội thảo trực tuyến "Bảo tồn và giáo dục di sản văn hóa trên nền tảng số: Góc nhìn Á - Âu" nhằm ứng dụng công nghệ số trong hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, các trường học, tổ chức cá nhân ở Châu Á, Châu Âu. Sau hội thảo, các thành viên nhóm DPECH tiếp tục kết nối mọi người từ các quốc gia trên thế giới như châu Âu, châu Á, chung tay giáo dục di sản số, quảng bá di sản văn hóa Á-Âu, phát triển các sản phẩm du lịch di sản theo hướng số hóa, nhằm lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống trong bối cảnh toàn cầu đang đại dịch như hiện nay.
Có thể nói rằng, số hóa bảo tàng là xu hướng tất yếu của các bảo tàng trên thế giới, khi mà bối cảnh dịch bệnh phức tạp, việc tiếp cận thông tin, hiện vật trực tiếp gặp khó khăn, thì bảo tàng số sẽ giúp công chúng dễ dàng truy cập, tham quan trên không gian mạng. Số hóa cũng là cách lưu giữ và trưng bày hiện vật tốt cho tương lai, trong sự mở rộng đa chiều về không gian. Vấn đề còn lại là cách làm sao cho phù hợp và phải được công chúng đón nhận. Chỉ khi được công chúng đón nhận thì số hóa mới thành công, không chỉ riêng lĩnh vực bảo tàng.