Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của người Dao Đỏ ở Bắc Kạn

22/12/2023 | 08:51

Thực hiện Dự án số 6 về "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch", vừa qua Sở VHTTDL Bắc Kạn đã tổ chức tập huấn, truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể hát "Pá dung" và nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao đỏ trên địa bàn.

Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của người Dao Đỏ ở Bắc Kạn - Ảnh 1.

Các học viên tham gia lớp truyền dạy

Trải qua quá trình phát triển, người Dao đỏ ở Bắc Kạn đã đúc kết được kho tàng tri thức văn hóa dân gian phong phú. Trong đó có loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian hát "Pá dung" và nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao đỏ mang đậm chất văn hóa truyền thống, thể hiện trình độ nghệ thuật và tri thức dân gian tộc người.

Với người Dao đỏ, hát "Pá dung" là hình thức nghệ thuật giải trí không thể thiếu trong đời sống tinh thần của cộng đồng dân tộc Dao. Thông qua lời ca, tiếng hát để bày tỏ tình cảm, trao đổi tâm tình, ôn lại quá trình lịch sử, làm cho con người gần nhau hơn, củng cố tình đoàn kết cộng đồng. Người Dao đỏ thường hát "Pá dung" trong những dịp Tết, lễ hội, hát khi kết thúc một năm lao động vất vả, hát với mong ước sức khỏe, mọi điều may mắn, hạnh phúc.

Đến với các bản người Dao đỏ ở Bắc Kạn, nhất là vào những dịp Tết, lễ hội, du khách sẽ ấn tượng trước những thiếu nữ Dao đỏ xinh đẹp, xúng xính trong bộ váy áo sặc sỡ. Về cơ bản, trang phục của người Dao đỏ có hoa văn phong phú đẹp mắt với màu sắc là chàm, đỏ và trắng. Từ chất liệu vải chàm thô cùng với kỹ thuật tạo hoa văn, phối ghép trang sức, phụ nữ Dao đỏ đã khéo léo, tinh tế gửi gắm mọi tâm tư tình cảm của mình trong những họa tiết thể hiện khát vọng cao đẹp của con người về một thế giới tươi đẹp.

Hiện nay, tại các bản làng ở Bắc Kạn nơi đồng bào Dao đỏ sinh sống, phụ nữ Dao đỏ vẫn tự tay làm trang phục cho mình và cho người thân trong gia đình. Đối với họ, trang phục truyền thống được lưu giữ và bảo tồn như là một biểu tượng của bản sắc văn hóa.

Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của người Dao Đỏ ở Bắc Kạn - Ảnh 2.

Học viên báo cáo thực hành hát "Pá dung" tại lớp tập huấn

Để thực hiện có hiệu quả các nội dung Dự án 6 về "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch" vừa qua Sở VHTTDL Bắc Kạn đã tổ chức tập huấn, truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể hát "Pá dung" và nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao trên địa bàn. Qua đó, góp phần để vốn tri thức dân gian độc đáo này luôn có sức sống với vai trò là những sản phẩm văn hóa đặc trưng, đồng thời tạo dòng chảy liên tục cho các loại hình di sản văn hóa phi vật của người Dao.

Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của người Dao Đỏ ở Bắc Kạn - Ảnh 3.

Các học viên thực hành thêu hoa văn trên trang phục truyền thống người Dao Đỏ

Trong quá trình tham gia lớp truyền dạy, các học viên đã được các nghệ nhân am hiểu văn hóa dân tộc Dao nhiệt tình truyền đạt những kỹ năng, cách thức trình diễn di sản văn hóa phi vật thể hát "Pá dung" và kỹ thuật trang trí hoa văn trên trang phục truyền thống. Với niềm đam mê và quyết tâm cao, các học viên đã được các nghệ nhân hướng dẫn và tự tin thể hiện nghệ thuật hát "Pá dung" với những bài hát có ca từ giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ có ý nghĩa giáo lý răn dạy con người làm việc tốt, điều thiện, ca ngợi Bác Hồ, quê hương đất nước và tình đoàn kết trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, các học viên còn được các nghệ nhân phổ biến về kỹ thuật thêu hoa văn cơ bản trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ và thực hành thêu được các hoa văn cơ bản trên trang phục như hình cây thông, thêu hình ngôi sao, hình con chim, quả tu hú, mặt trời, hình lượn sóng...

Bà Hoàng Thị Dung, Phó giám đốc Sở VHTTDL Bắc Kạn cho biết, việc tổ chức lớp truyền dạy là dịp các nghệ nhân, học viên gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Với mong muốn sau khi kết thúc lớp tập huấn, các học viên sẽ tích cực tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ, thường xuyên thực hành các giá trị văn hóa phi vật thể nói chung, hát "Pá dung" và kỹ thuật thêu hoa văn trên trang phục của người Dao Đỏ nói riêng, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc duy trì, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, góp phần để di sản văn hóa quý báu của cha ông sống mãi với thời gian.

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×