Bảo tàng Lịch sử quốc gia: Ứng dụng công nghệ để kết nối
26/05/2023 | 10:04Bảo tàng Lịch sử quốc gia là bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng công nghệ trong giới thiệu trưng bày bảo tàng. Hiện bảo tàng vẫn đang tiếp tục thay đổi, ứng dụng công nghệ để tăng khả năng kết nối, tương tác. Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thu Hoan - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
PV: Chuyển đổi số đã tạo ra những chuyển biến như thế nào đối với Bảo tàng Lịch sử quốc gia, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Thu Hoan: Phần ứng dụng công nghệ của Bảo tàng Lịch sử quốc gia hầu hết tập trung vào phát huy những giá trị như hệ thống trưng bày 3D, số hóa một số bảo vật quốc gia và các chương trình ứng dụng khác… đó là những ứng dụng công nghệ trong việc phát huy những giá trị sưu tầm của bảo tàng.
Việc ứng dụng công nghệ số trong trưng bày chưa được nhiều. Chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc giới thiệu qua các trang web hoặc những kênh thông tin truyền thông. Việc ứng dụng công nghệ số tại bảo tàng cũng còn gặp nhiều khó khăn. Bởi việc ứng dụng công nghệ số gắn với hệ thông cơ sở hạ tầng cần sự đầu tư lớn. Sắp tới, khi tiến hành cải tạo, sửa chữa Bảo tàng Lịch sử quốc gia, khi đó mới có điều kiện thực hiện ứng dụng công nghệ được đồng bộ. Tuy nhiên để chuẩn bị cho việc ứng dụng công nghệ tại hệ thống trưng bày thì cần triển khai ứng dụng công nghệ số ngay để số hóa tài liệu hiện vật hoặc giới thiệu tới công chúng qua bảo tàng ảo 3D.
Trong quá trình ứng dụng công nghệ vào việc trưng bày, số hóa, bảo tàng đã gặp những khó khăn gì?
- Tuy là xu hướng tất yếu đối với một bảo tàng hiện đại nhưng việc nghiên cứu, xây dựng nội dung cho ứng dụng công nghệ trưng bày hiệu quả là vấn đề gặp khó khăn. Chẳng hạn, có những tài liệu, hiện vật rất có giá trị về mặt nội dung lịch sử, văn hóa nhưng lại không đảm bảo hoặc ít giá trị về mặt thẩm mỹ, nghệ thuật, nhất là loại hiện vật dưới dạng văn bản giấy, do đó khi ứng dụng công nghệ ảo 3D, 4D… sẽ khó tạo được sự hấp dẫn. Vì vậy, không phải bảo tàng nào cũng tối đa việc ứng dụng công nghệ cho tất cả các nội dung, hiện vật mà cần phải lựa chọn loại hình và lĩnh vực công nghệ nào phù hợp thì mới khai thác và cần tập trung vào vai trò của công nghệ là làm tăng giá trị, hấp dẫn hiện vật gốc. Bên cạnh đó, để vận hành, khai thác trưng bày ứng dụng công nghệ hiệu quả phụ thuộc rất nhiều vào nhân lực vận hành kỹ thuật cũng như trình độ, hiểu biết của công chúng khi sử dụng công nghệ, nhất là đối với những ứng dụng tương tác, trải nghiệm mà công chúng chủ động thao tác.
Việc chúng ta có thể số hóa các dữ liệu, chuyển đổi số tại bảo tàng để phục vụ công chúng thì cần cơ sở hạ tầng rất tốt thì mới có thể thực hiện như thiết bị, hệ thống mạng… Cùng với đó, muốn số hóa hệ thống tư liệu thì hệ thống lưu trữ phải đủ lớn để có thể lưu trữ một khối lượng lớn… đó là thách thức lớn.
Thưa bà, cần làm gì để tháo gỡ những khó khăn đó?
- Khi thực hiện triển khai ứng dụng công nghệ trong trưng bày, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã lựa chọn những công việc cho phù hợp với điều kiện thực tại của bảo tàng từ cơ sở vật chất cho tới con người và các cơ sở lưu trữ dữ liệu… Trước hết bảo tàng đã lựa chọn những chuyên đề vừa phải để có thể thực hiện. Từ đó, vừa rút kinh nghiệm và có những nền tảng tiến hành các công việc tiếp theo. Hầu hết phần thực hiện công việc ứng dụng công nghệ tại bảo tàng đã được đơn vị về công nghệ hỗ trợ. Bảo tàng tập trung vào việc xây dựng chuyên môn và phối hợp chặt chẽ với đơn vị công nghệ thực hiện chương trình chuyên đề. Trong thời gian qua những sản phẩm của bảo tàng là kết quả của các đơn vị công nghệ với bảo tàng.
Sau thời gian ứng dụng công nghệ vào việc trưng bày, những sản phẩm của bảo tàng nhận được đánh giá như nào, thưa bà?
- Khi thực hiện ứng dụng công nghệ, bảo tàng đã nghiên cứu kỹ, tìm hiểu nhu cầu của công chúng để từ đó có thể đáp ứng nhu cầu cơ bản và phù hợp nhất trong điều kiện hiện tại của bảo tàng. Trong thời gian qua, đồng nghiệp và khách tham qua đã có sự phản hồi tích cực về tính hiệu quả. Đặc biệt là phần tương tác, tìm hiểu giá trị những hiện vật tiêu biểu mà thông thường khi tham quan trưng bày bảo tàng, khách tham quan sẽ bị hạn chế trong việc quan sát kỹ tất cả các chi tiết hoa văn hoặc nội dung giới thiệu sâu, phong phú về hiện vật. Có những khách đánh giá rằng, xem trưng bày ảo thấy dễ hiểu, chi tiết và đầy đủ thông tin hơn tham quan trưng bày thật. Chẳng hạn, khi quan sát trống đồng Ngọc Lũ trong tủ kính tại trưng bày thực của Bảo tàng thì khách không thể cảm thụ được hết những giá trị của bảo vật quốc gia này nhưng khi tham quan trên trưng bày tương tác ảo 3D, khách tham quan có thể quan sát được các chi tiết hoa văn trang trí cũng như các thông tin chi tiết về hiện vật và tự tương tác các nội dung tham quan mà mình mong muốn... Tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa bảo tàng ảo có thể thay thế được bảo tàng thực vì những hiện vật được trưng bày tại bảo tàng là hiện vật gốc mang lại cảm xúc trực tiếp cho con người, từ đó khơi dậy những giá trị. Việc xây dựng chuyển đổi công nghệ số và bảo tàng thực là hai việc song song cùng tồn tại.
Trân trọng cảm ơn bà!
Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã xây dựng được bảo tàng ảo. Để tiến tới bảo tàng số thì trước hết bảo tàng phải xây dựng được cơ sở dữ liệu cho toàn bộ hiện vật, từ đó mới có thể khai thác, xây dựng các sản phẩm khác nhau cho từng đối tượng công chúng. Song song việc xây dựng dữ liệu, bảo tàng tiếp tục xây dựng những sản phấm khác, hoàn chỉnh hệ thống trưng bày bảo tàng ào và tiến tới là bảo tàng số để công chúng có thể tra cứu tất cả các tài liệu, hiện vật.