Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bảo tàng, di tích tăng cường ứng dụng công nghệ: Biến nguy thành cơ

20/08/2021 | 15:54

Tình cảnh đìu hiu tại các Bảo tàng, di tích trước những cơn sóng dồn dập của dịch bệnh đang từng bước được tháo gỡ với xu thế tăng cường công nghệ, số hóa nhằm chuyển hướng tiếp cận công chúng trên môi trường ảo. Sau những thử nghiệm, một số nơi đã mạnh dạn ứng dụng nền tảng công nghệ hiện đại để quảng bá hình ảnh, đưa hệ thống hiện vật, tư liệu quý đến với công chúng.

Bảo tàng, di tích tăng cường ứng dụng công nghệ: Biến nguy thành cơ - Ảnh 1.

Lãnh đạo Bộ VHTTDL và các đại biểu trải nghiệm iMuseum VFA tại BT Mỹ thuật Việt Nam

Biến nguy thành

Hai năm trước, các di tích trọng điểm tại Hà Nội như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà tù Hỏa Lò, Đền Ngọc Sơn, Hoàng thành Thăng Long… luôn tấp nập khách tham quan. Nhưng rồi bối cảnh Covid-19 khiến cho những nơi này luôn trong tình trạng ảm đạm, đìu hiu. Bài toán gỡ khó được đặt ra như cánh cửa duy nhất cho sự tồn tại của các di tích trong lòng du khách.

Trước đây, khái niệm số hóa vẫn được các bảo tàng, di tích đề cập như một mẫu thức tất yếu của thời tương lai thì nay, đó đang là giải pháp thiết yếu. Với sự biến ảo của công nghệ, nhiều bảo tàng, di tích đã không chết vì Covid. Nhiều sáng kiến ra đời, quảng bá hình ảnh điểm đến cùng những báu vật, hiện vật vô giá đang tồn tại. Một trong số những địa chỉ chuyển mình mạnh mẽ giữa cơn bão dịch bệnh là di tích Nhà tù Hỏa Lò, nơi từng được mệnh danh là chốn “địa ngục trần gian”, được CNN xếp hạng đứng đầu trong top 5 điểm đến đáng sợ nhất Đông Nam Á. Từ cuối tháng 7, BQL di tích đã chính thức ra mắt kênh phát thanh độc quyền trên ứng dụng Spotify. Kênh phát thanh gồm nhiều chuỗi tập tin âm thanh hoặc video số được BQL di tích trực tiếp thực hiện từ khâu sản xuất nội dung tới hậu kì sản phẩm, qua đó mang lại những câu chuyện hay và trải nghiệm đáng nhớ. “Mở hàng” chuỗi sự kiện được quảng bá trên nền tảng ứng dụng này là trưng bày chuyên đề Thắp lửa yêu thương nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27.7.

Nhà tù Hỏa Lò đã tìm cách đưa câu chuyện sống động về những tù nhân chính trị đã kiên cường vượt qua mọi đòn roi tra tấn dã man của chế độ nhà tù thực dân lên nền tảng số. Công chúng chỉ cần gõ từ khóa “HoaLoPrisonRelic” trên ứng dụng Spotify và nhấn theo dõi là có thể bước vào không gian trải nghiệm có một không hai này, được ngược dòng thời gian tìm về lịch sử. Điều đặc biệt là ứng dụng công nghệ hiện đại này đã mang đến sức cuốn hút hiếm thấy, đặc biệt với những bạn trẻ. “Các triển lãm trực tuyến thời gian gần đây được nhiều Bảo tàng, di tích áp dụng để đến gần với công chúng trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Nhưng hình thức kênh phát thanh trên ứng dụng Spotify như di tích Nhà tù Hỏa Lò triển khai là một sáng kiến thực sự cuốn hút. Với gia đình tôi, đây là một hình thức tham quan lý tưởng trong những ngày dịch bệnh hoành hành…”, Đỗ Phương Linh, Trường Đại học KHXH & NV, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ.

Trên trang chủ của fanpage Nhà tù Hỏa Lò, chỉ sau một thời gian ngắn thông báo ra mắt kênh phát thanh trên ứng dụng Spotify, lượt thích, quan tâm và chia sẻ đã tăng với con số ngoài dự đoán của chính những người phát minh ý tưởng. “Lần đầu tiên có nhiều cảm xúc đến thế khi đến với một di tích!”, đó là chia sẻ của nhiều bạn trẻ khi tiếp cận với những câu chuyện, hiện vật thông qua nền tảng truyền thông hiện đại này. Nhiều thông điệp quảng bá đầy cuốn hút cũng được thường xuyên cập nhật trên Fanpage: Ai ở đâu ở yên chỗ đó và bật Spotify HoaLoPrisonRelic nhé các bạn!; Spotify của Hỏa Lò có gì? Những câu chuyện lịch sử có thật về nhân vật, sự kiện tại Nhà tù Hỏa Lò; hình ảnh bạn trẻ đang truy cập ứng dụng kèm theo caption: Tôi mỗi tối từ khi biết đến podcast của Hỏa Lò…

Không ngẫu nhiên mà di tích này đã thu hút rất đông du khách tham quan ở thời điểm cả trước và khi dịch Covid-19 ập đến. Sau thành công của những tour đêm thì nay, podcast Spotify với nội dung hấp dẫn và hệ thống âm nhạc, giọng đọc được đầu tư công phu đã gửi tới công chúng những phút giây giá trị. Những câu chuyện lịch sử người thật việc thật được kể tỉ mỉ, hấp dẫn, theo cách hiếm có đang khiến cho những ngày “ai ở đâu ở yên đấy” trở nên có nhiều ý nghĩa hơn. Những câu chuyện về chế độ ăn trong “địa ngục trần gian”, “Cờ xin ăn” của phi công Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, Chuyện về người chiến sĩ tình báo giả gái, Phi công Mỹ đầu tiên bị giam tại Hỏa Lò... được kể lại sinh động, cuốn hút và thực sự là những câu chuyện truyền cảm hứng giữa những ngày dịch khó khăn.

Bảo tàng, di tích tăng cường ứng dụng công nghệ: Biến nguy thành cơ - Ảnh 2.

Những câu chuyện lịch sử trên nền tảng trực tuyến của di tích nhà tù Hỏa Lò

Chiêm ngưỡng “bảo vật” ở bất cứ đâu

Cũng những ngày này, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội thông tin về cuộc triển lãm về “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vị tướng huyền thoại” sẽ được đưa lên nền tảng trực tuyến nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Người (25.8.1911 – 25.8.2021). Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, không thể tổ chức trưng bày trực tiếp, Trung tâm giới thiệu triển lãm trực tuyến từ ngày 22.8.2021. Tại địa chỉ website: trungbayonline.hoangthanhthanglong.vn, công chúng sẽ thư thái trải nghiệm, tham quan những hình ảnh tư liệu quý về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cùng những nội dung giới thiệu về hình ảnh, hiện vật, sự kiện lịch sử…

Nếu trước đây, trong những dịp kỷ niệm quan trọng thế này, du khách có thể đến với các di tích, Bảo tàng để trực tiếp chiêm ngưỡng, tìm hiểu qua những hình ảnh, hiện vật. Nhưng trong điều kiện hiện nay, việc ở yên một chỗ và bước vào không gian ảo được các di tích, bảo tàng kỳ công thiết lập được xem là một lựa chọn lý tưởng. Chẳng hạn, tại triển lãm trực tuyến "Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vị tướng huyền thoại", công chúng vẫn có cơ hội được xem nhiều tư liệu, hình ảnh quý được lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội như: Hình ảnh Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (18.12.1974 – 8.1.1975); Tư liệu bức điện mật số 1574, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bí thư Quân ủy Trung ương lệnh cho các đơn vị “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”; bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương theo dõi, nắm bắt từng bước diễn biến rất nhanh của các mặt trận, luôn kịp thời đưa ra những chỉ đạo phù hợp cho các hướng tấn công. Đặc biệt là những hình ảnh, tư liệu nhằm làm nổi bật dấu ấn, vai trò của Đại tướng tại Tổng hành dinh Quân đội Nhân dân Việt Nam (Nhà và Hầm D67) từ năm 1968 - 1975…

Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số hóa di sản đang là giải pháp số một trong thời gian tạm dừng đón khách tham quan để phòng, chống dịch Covid-19. Fanpage của Bảo tàng liên tục cập nhật, giới thiệu về những bảo vật quốc gia, những tác phẩm hội họa tiêu biểu của các danh họa nổi tiếng Việt Nam. Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng chia sẻ, chuyển đổi số không chỉ là giải pháp thích ứng với bối cảnh đại dịch Covid-19 mà còn là xu hướng tất yếu, sống còn trong bối cảnh công nghệ 4.0 phát triển. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam dù tạm thời đóng cửa nhưng du khách khắp mọi nơi vẫn có thể tham quan Bảo tàng trực tuyến bằng ứng dụng iMuseum VFA. “Đây là cầu nối rút ngắn khoảng cách giữa Bảo tàng với công chúng, nâng cao chất lượng tham quan các hiện vật ở bất kỳ nơi đâu, bất cứ khi nào. Ứng dụng của Bảo tàng đã được đông đảo du khách mua vé trực tuyến để bước vào không gian trải nghiệm đầy cuốn hút của các báu vật mỹ thuật Việt...”, theo ông Nguyễn Anh Minh.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ứng dụng những thành tựu công nghệ vào hoạt động trưng bày để thu hút khách đang là xu hướng và nhu cầu tất yếu của các bảo tàng, qua đó tạo mối liên hệ mật thiết giữa bảo tàng với hệ thống di sản văn hóa đồ sộ của Việt Nam. Ở nhiều nước, số hóa bảo tàng là lĩnh vực được ưu tiên. Các bảo tàng lớn như Bảo tàng Louvre (Pháp), Bảo tàng quốc gia London (Anh), Bảo tàng Metropolitan New York (Mỹ), Bảo tàng Dân gian quốc gia Hàn Quốc, Bảo tàng Lịch sử Trung Quốc... đều đã số hóa hầu hết các tác phẩm nghệ thuật với định dạng 3D và chương trình tham quan ảo, cho phép người xem sử dụng các thiết bị di động thông minh để tìm hiểu. Nắm bắt xu thế này, gần đây, nhiều bảo tàng, di tích ở Việt Nam đã nỗ lực ứng dụng công nghệ vào hoạt động trưng bày, tạo nên sức hấp dẫn lớn.

Theo Báo Văn Hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×