Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bạo lực học đường: Đau lòng khi con trẻ tự bảo vệ mình bằng cách im lặng

02/04/2019 | 16:17

Gần một tuần kể từ khi báo chí đưa tin 5 học sinh đánh hội đồng một học sinh nữ lớp 9 tại trường THCS Phù Ủng, Hưng Yên khiến em này bị tổn thương sâu sắc về cả thể chất lẫn tinh thần, đến nay nhiều người vẫn phẫn nộ vì hành vi của nhóm học sinh này.

Phẫn nộ hơn nữa là những gì xảy ra xung quanh sự việc này khi biết được từ giáo viên chủ nhiệm cho tới nhà trường đều cố tình "lờ" chuyện nữ sinh bị đánh, nhà trường còn chỉ đạo xóa hết clip liên quan đến vụ việc. Bản thân học sinh đánh bạn còn viết lại những câu tường trình về sự việc khiến mọi người bàng hoàng, khiến người thân của chính những học sinh này phải thốt lên "Không còn lời nào để nói, quá độc ác".

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và lãnh đạo tỉnh Hưng Yên chỉ đạo xử lý nghiêm vụ việc nữ sinh lớp 9 tại trường THCS Phù Ủng, Hưng Yên bị các bạn đánh, khi nhận được thông tin báo cáo về đoàn công tác của Bộ về làm việc tại tỉnh này.

Bộ GDĐT ngay sau đó đã thành lập đoàn công tác do chính Bộ trưởng Bộ GDĐT làm trưởng đoàn đã về làm việc với UBND tỉnh Hưng Yên cùng các đơn vị chức năng tỉnh và huyện để xử lý vụ việc.

'Hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm chưa ý thức hết chức trách, nhiệm vụ được giao, chưa chủ động nắm bắt tình hình, chưa sát sao với học sinh và các hoạt động của nhà trường. Lãnh đạo nhà trường đã buông lỏng quản lí, khi sự việc xảy ra chỉ nghe báo cáo, không có các giải pháp xử lý triệt để, kịp thời. Và Hội đồng đã xử lý chưa thỏa đáng, có phần du di, xuê xoa, không đủ sức răn đe.' Đó là ý kiến của Bộ trưởng về việc xử lý của Nhà trường.

Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đã quyết liệt xử lý "Đối với Hiệu trưởng, Ban Giám hiệu Trường THCS Phù Ủng đề nghị xem xét làm quy trình xử lý cách chức, cách chức cả chi ủy nhà trường, cách chức tổng phụ trách đội, xem xét kỷ luật hội đồng kỷ luật nhà trường vì bao che, nương nhẹ. Xem xét trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm ở hình thức nặng hơn nữa vì không nắm được tâm tư nguyện vọng, tình cảm diễn biến của học sinh". Xem xét hạnh kiểm 5 học sinh đánh bạn và cả những các cháu các chứng kiến việc bạo hành mà không can ngăn, bênh vực.

Công an tỉnh Hưng Yên cũng tăng cường lực lượng chuyên môn nghiệp vụ giỏi điều tra làm rõ vụ việc này với tinh thần kết luận sớm nhất sai phạm của tập thể, cá nhân, Ban Giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, học sinh.

Xử lý như vậy có quá nặng?

Sau khi sự việc xảy ra cũng có nhiều ý kiến về cách xử lý những cá nhân, tập thể trực tiếp liên quan đến vụ việc của các cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, xem xét cả quá trình xảy ra sự việc cho thấy, đây là việc xảy ra trong trường học, đã diễn ra trong một thời gian dài nhưng giáo viên chủ nhiệm đã coi nhẹ sự việc, nhà trường (Ban Giám hiệu) cũng xem nhẹ sự việc. Thậm chí còn yêu cầu xóa hết clip liên quan đến sự việc này, xử lý theo kiểu bưng bít thông tin, cho qua chuyện.

Chính việc này đã khiến nạn nhân bị tác động mạnh về tâm lý, cảm thấy mình không được bảo vệ và im lặng khi bị bạn đánh, bị bạn làm nhục. Còn những học sinh đánh bạn kia thì không sợ và tiếp tục đánh bạn. Chúng cho rằng nếu có đánh cũng không có học sinh nào dám mách thầy cô, có mách thì cùng lắm cũng chỉ bị đuổi học vài ngày, nghỉ học càng sướng.

Cũng chính vì cách giải quyết của BGH, thầy cô giáo không đứng về phía nạn nhân, không ngăn ngừa được những học sinh đánh bạn trong trường nên dẫn đến kết cục như vậy. Có thể do lãnh đạo nhà trường, các thầy cô giáo trong trường thiếu kỹ năng thực tế khi xử lý sự việc, nhưng việc này cũng một lần nữa cảnh báo những người làm trong ngành giáo dục rằng, nếu không có đủ kỹ năng để xử lý thì sẽ khiến sự việc trở nên nghiêm trọng hơn. Chẳng hạn trong vụ việc này, nếu 5 học sinh đánh bạn đủ yếu tố để xử lý hình sự thì hành động của BGH và giáo viên còn là hành động bao che, xóa dấu vết.

Đáng tiếc, sự việc đau lòng đã xảy ra trong khi nhà trường không thể xử lý tốt, không có những biện pháp phù hợp và kịp thời. Mặc dù đây là trách nhiệm của trường trong công tác quản lý và là trách nhiệm của giáo viên- là nhận định về sự việc của thầy giáo Trần Xuân Tiến (Đại học Văn Hiến).

Bạo lực học đường: Đau lòng khi con trẻ tự bảo vệ mình bằng cách im lặng - Ảnh 3.

Trường THCS Phù Ủng- nơi xảy ra sự việc

Bình tâm để có cách xử lý phù hợp

Theo ý kiến của một giáo viên có thâm niên thì cần phải bình tâm để có cách xử lý phù hợp, học sinh đánh bạn phải bị trừng phạt, giáo dục do những hành vi sai phạm, những tổn thương về cả tinh thần lẫn thể chất mà các em đã gây ra cho bạn mình.

"Đây là bài học không chỉ cho ngành giáo dục Hưng Yên mà là bài học chung cho cả nước"

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Cần phải mạnh tay khi xử lý. Có thể cân nhắc các giải pháp tích cực, giúp các em nhận thức lỗi lầm, tránh tái phạm, chẳng hạn như các buổi học bắt buộc về điều chỉnh tâm lý hành vi ứng xử, các buổi lao động công ích, hoặc cân nhắc các biện pháp mạnh hơn như đưa vào trại giáo dưỡng… chứ không đơn thuần chỉ là xử phạt. Xem xét, tính đến yếu tố lứa tuổi nhận thức của các học sinh này mà có các biện pháp xử lý. Nếu nhận thức của các học sinh này không được cải thiện thì nguy cơ tái diễn là rất cao.

Nhiều người cũng không hề bất ngờ khi xảy ra các sự việc như thế này trong môi trường giáo dục. Bởi trong xã hội hiện đại, con trẻ có nhiều cơ hội để tiếp cận với công nghệ, trang thiết bị hiện đại, vô tư được xem các clip giật gân, các loại hình game đánh nhau, hài nhảm nhí… nên chúng dễ dàng lặp lại những gì mình xem. Không chỉ con trẻ mà người lớn cũng vậy, như hiện tượng thần tượng Khá 'Bảnh' hay 'thánh chửi' Dương Minh Tuyền là những ví dụ đáng để mọi người cùng suy nghĩ.

Để xảy ra các sự việc như thế này, trong đó có phần trách nhiệm của phía gia đình các em khi coi nhẹ việc giáo dục con cái trong gia đình, quan niệm gửi con đến trường để thầy cô dạy dỗ. Tiếp đó là trách nhiệm của phía nhà trường khi chỉ chú trọng đến việc truyền tải kiến thức chứ ít quan tâm đến việc rèn giũa nhân cách, đạo đức. Trong trường thì thầy cô giáo vẫn là những đối tượng "quyền lực" và giảng dạy theo cách áp đặt, mệnh lệnh, yêu cầu học sinh phải vâng lời, xảy ra sự việc thì phớt lờ, bưng bít… đó là một số nguyên nhân dẫn đến những sự việc đau lòng như vậy.

Cũng cần phải nói lại, bạo lực nói riêng hay các vấn đề tương tự xảy ra trong trường học không phải là chuyện gì mới mẻ. Giáo dục là công việc của cả xã hội, để giải quyết các vấn đề trong giáo dục cần sự chung tay của cả xã hội, cần phải có những giải pháp tổng thể từ vĩ mô tới vi mô để giải quyết tận gốc vấn đề.

Mọi người nói mình đang mất niềm tin vào nền giáo dục hiện tại và đang bàn cách để tìm lại niềm tin, nhưng cần phải bắt đầu xây dựng 'niềm tin vào giáo dục' bằng sự trung thực, bằng những gì thực tâm và sự nghiêm minh, dám nhìn nhận thẳng vào vấn đề và dám chịu trách nhiệm. Được vậy mới có chút cơ sở để tin rằng con cháu chúng ta sẽ được hưởng một nền giáo dục "Tất cả vì học sinh thân yêu".

K. Vân

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×