Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Báo cáo thực hiện trách nhiệm quy định tại Luật và các Chiến lược về bình đẳng giới

02/03/2012 | 10:43

(VP) - Bộ VHTTDL vừa có văn bản số 25/BC-BVHTTDL gửi Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội báo cáo về việc thực hiện trách nhiệm quy định tại Luật bình đẳng giới và các văn bản hướng dẫn, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới 2011-2020, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới 2011-2015.

Về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới năm 2011: Với trách nhiệm được quy định tại Luật bình đẳng giới và các văn bản hướng dẫn, trong năm qua Bộ VHTTDL đã tập trung triển khai các hoạt động như sau: Rà soát, ban hành 2 văn bản hướng dẫn về lĩnh vực bình đẳng giới trong phạm vi ngành; Tổ chức các hội thảo với chủ đề tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức về bình đẳng giới; Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội; Lồng ghép với các hoạt động cụ thể trong các lĩnh vực chuyên môn như văn hoá, gia đình, thể dục thể thao, du lịch; Phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, các Bộ, ngành liên quan trong việc rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ và tình hình thực thi pháp luật về bình đẳng giới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thực hiện bình đẳng giới cũng còn một số hạn chế như: Kinh phí đầu tư cho lĩnh vực này còn thấp, một số hoạt động chuyên môn của ngành đòi hỏi đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm và thời gian để triển khai.

Về tình hình thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới 2011-2020, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới 2011-2015:
Trên cơ sở trách nhiệm được giao trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, đến nay, Bộ VHTTDL đã triển khai những hoạt động quan trọng như: Trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 với các nội dung tập trung cho việc phát triển gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Chiến lược cũng đưa ra trách nhiệm cho Bộ VHTTDL cũng như các Bộ, ngành liên quan trong việc tổ chức triển khai các hoạt động của lĩnh vực gia đình cũng như bình đẳng giới và chống bạo lực gia đình.

Bộ VHTTDL cũng ban hành Kế hoạch hành động về bình đẳng giới của ngành văn hoá, thể thao và du lịch, nâng cao ý thức trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch.

Từ mục tiêu này, Kế hoạch đưa ra 3 mục tiêu cụ thể, 12 chỉ tiêu và 5 giải pháp để triển khai. Các mục tiêu tập trung vào 3 nội dung chính: Bảo đảm bình đẳng giới trong ngành văn hoá, thể thao và du lịch; Bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch; Bảo đảm bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành văn hoá, thể thao và du lịch.

Kế hoạch hành động đưa ra nhóm giải pháp tương đối toàn diện để thực thi các mục tiêu về bình đẳng giới, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng nhằm đảo bảo bình đẳng giói trong các lĩnh vực quản lý nhà nước; tăng cường sự phối hợp, kết hợp hoạt động giữa các đơn vị thuộc Bộ, giữa Bộ và Sở VHTTDL các địa phương, giữa Bộ với các Bộ, ngành, tổ chức chính trị-xã hội khác. Đồng thời nhấn mạnh vào việc đầu tư nguồn lực từ ngân sách nhà nước, huy động nguồn lực từ việc xã hội hoá đảm bảo các mục tiêu của Kế hoạch hành động.

Trên cơ sở Kế hoạch hành động của ngành, một số Sở VHTTDL tỉnh, thành đã xây dựng Kế hoạch hành động về bình đẳng giới của ngành đối với những mục tiêu và chỉ tiêu phù hợp với Kế hoạch hành động về bình đẳng giới do Bộ VHTTDL ban hành áp dụng theo đặc thù của từng địa phương.

Sau khi Chương trình quốc gia về bình đẳng giới 2011-2015 được phê duyệt, Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch số 3304/KH-BVHTTDL triển khai thực hiện Chương trình quốc gia về bình đẳng giới 2011-2015. Mục đích chính của Kế hoạch này là xây dựng và tổ chức thực hiện các hoạt động về bình đẳng giới của Bộ VHTTDL thuộc phạm vi, nhiệm vụ đã được phân công trong Chiến lược.

Cụ thể hơn, bản Kế hoạch đã đưa ra các hoạt động cụ thể nhằm triển khai 4 mô hình thuộc dự án 3 của Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015. Dự kiến trong năm 2012, Bộ VHTTDL sẽ đẩy mạnh các hoạt động tập huấn về kỹ năng lồng ghép giới cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật như một bước quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong toàn ngành, tiến tới triển khai các hoạt động khác.

Về tình hình triển khai Luật phòng, chống bạo lực gia đình:
Theo báo cáo chưa đầy đủ của Sở VHTTDL, chỉ tính 9 tháng đầu năm 2011 đã có 33.904 vụ BLGĐ. Trong đó số vụ bạo lực với người già 1.739; với phụ nữ 12.699; với trẻ em 2.892. Đã xử lý 4.185 vụ, trong đó xử lý số vụ bạo lực với người già 478; với phụ nữ 1.855; với trẻ em 686. Điều này cho thấy, công tác thu thập số liệu, báo cáo thống kê, xử lý vụ việc bạo lực gia đình của chính quyền cơ sở còn hạn chế.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông trong thời gian vừa qua mới ở chiều rộng cung cấp cho mọi người biết có Luật PCBLGĐ. Từ việc người dân biết, hiểu những nội dung quy định của Luật đến thực hiện phòng, chống bạo lực    gia đình còn là một quá trình.

Về xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ):
Năm 2008, Bộ VHTTDL đã trực tiếp chỉ đạo các địa phương thành lập 320 CLB ở 64 xã/phường/thị trấn triển khai Mô hình (mỗi đơn vị cấp xã có 5 CLB) và hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn nội dung sinh hoạt. Căn cứ vào hướng dẫn của Bộ, trong năm 2009 - 2010, nhiều địa phương đã đầu tư nhân rộng Mô hình đến những địa bàn khác: tỉnh Đồng Tháp đã triển khai Mô hình đến 100% số xã; Bạc Liêu thêm 50 CLB, Hải Dương thêm 30 CLB ở 6 huyện, thị xã; một số địa phương khác lồng ghép nội dung vào hoạt động của những Mô hình đã có sẵn trên địa bàn: Đồng Nai 230 CLB, thành phố Hồ Chí Minh 2.746 CLB, Cần Thơ 249 CLB, Lâm Đồng 375 CLB …

Tuy nhiên việc triển khai nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình cũng gặp một số yếu kém như: Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống BLGĐ vẫn chưa được ban hành dẫn tới các địa phương gặp khó khăn trong công tác thực hiện; Công tác hỗ trợ y tế cho nạn nhân BLGĐ còn hạn chế; Cơ chế điều phối liên ngành còn chưa được ban hành; Hoạt động hỗ trợ, xử lý, can thiệp nạn nhân bị BLGĐ còn hạn chế…

Để thực hiện hiệu quả Luật PCBLGĐ, Bộ VHTTDL đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị đối với công tác phòng chống BLGĐ như: Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; Ban hành cơ chế, quy chế phối hợp liên ngành giữa các Bộ, ngành trung ương và địa phương trong đó Bộ VHTTDL đóng vai trò là cơ quan điều phối; Xây dựng và ban hành khung đánh giá, giám sát việc triển khai, thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, nâng cao năng lực và nghiệp vụ truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình cho các phóng viên, biên tập viên trong các cơ quan truyền thông; Đưa tiêu chí thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình vào bình xét thi đua hàng năm của các địa phương; Tăng cường năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở về phòng, chống bạo lực gia đình; Áp dụng khoa học, công nghệ vào xây dựng hệ cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình; Xây dựng quy trình can thiệp, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình và xử lý vụ việc bạo lực gia đình; Đẩy mạnh công tác xã hội hóa phòng, chống bạo lực gia đình...

Ngoài ra Bộ VHTTDL còn kiến nghị với Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội những vấn đề như: Tăng cường các hoạt động giám sát, đôn đốc Bộ Y tế sớm ban hành quy trình cai nghiên rượu, bia và chất gây nghiên nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng rượu bia gây bạo lực gia đình. Tăng cường hoạt động truyền thông Thông tư 16/2009/TT-BYT nhằm phổ biến văn bản đến các cơ sở y tế; đôn đốc Bộ Công an ban hành quy trình can thiệp, xử lý vụ việc bạo lực gia đình và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình.

HCTC



Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×