Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hoạt động VHTTDL tháng 2 và Tết Nguyên Đán năm 2010

23/02/2010 | 14:51

(VP)-Vừa qua, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tổng kết hoạt động VHTTDL tháng 2/2010 và Tết Nguyên Đán Canh Dần 2010 báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Về Công tác chỉ đạo: Thực hiện Chỉ thị số 2008/CT-TTg ngày 01/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bình ổn thị trường và phục vụ Tết Nguyên Đán Canh Dần năm 2010, ngày 15/01/2010, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-BVHTTDL yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh-thành tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ phục vụ nhân dân trong dịp Tết Canh Dần 2010, với các nội dung: Quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị số 2008/CT-TTg ngày 01/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ; phát động phong trào thi đua lập thành tích thiết thực kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng; Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức tốt các hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch; tăng cường thanh tra, kiểm tra ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, không lành mạnh trong dịp Tết và mùa lễ hội; Phối hợp với các cấp, các ngành và chính quyền địa phương, các lực lượng vũ trang, an ninh đảm bảo trật tự, trị an trong quá trình tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.

Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 406/CT-TTg ngày 08/8/1994 của Thủ tướng Chính phủ về cấm sản xuất, buôn bán, vận chuyển và đốt pháo, Quyết định số 95/QĐ-TTg ngày 17/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, đốt và thả "đèn trời", Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá nơi công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ; Tổ chức thăm hỏi, chúc Tết các đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng, các văn nghệ sỹ tiêu biểu, cán bộ, công chức của Ngành đã nghỉ hưu; phối hợp với các tổ chức đoàn thể tổ chức cho cán bộ, công chức đang công tác trong Ngành đón Tết đầm ấm, an toàn, tiết kiệm;Tổ chức trực Tết và duy trì chế độ thông tin báo cáo nghiêm túc, bảo đảm cho công tác lãnh đạo, điều hành, quản lý từ Trung ương đến cơ sở thông suốt, kịp thời.

Các hoạt động VHTTDL trong dịp Tết Canh Dần-2010

- Hoạt động văn hóa - nghệ thuật 

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đơn vị biểu diễn nghệ thuật Trung ương và địa phương đã xây dựng các chương trình biểu diễn nghệ thuật đêm Giao thừa và tổ chức lưu diễn phục vụ nhân dân trước, trong và sau Tết, ưu tiên biểu diễn phục vụ đồng bào, chiến sĩ vùng biên giới, hải đảo, vùng chiến khu căn cứ cách mạng, nông thôn vùng sâu, vùng xa. Nhiều chương trình, tiết mục vở diễn được dàn dựng và công diễn trong dịp Tết như: “Trọn đời trung hiếu Thăng Long”, “Đế đô sóng cả”, “Dấu ấn giao thừa” (Nhà hát Cải lương Việt Nam); Nhà hát Chèo Việt Nam với các trích đoạn và vở diễn: “Chinh phụ hai chồng”, “Mảnh gương nhân sự”, “Sự tích trầu cau”, “Nỗi đau tình mẹ”, “Lời ru hai người mẹ”; Nhà hát Tuồng Việt Nam biểu diễn nhiều tiết mục: “Múa cờ”, “Ông già cõng vợ đi xem hội”, “Hòa tấu Nh• nhạc cung đình”, “Múa Lân mẫu xuất Lân nhi”, “Hồ nguyệt cô hóa cáo” và các vở: “Tình mẹ”, “Huyền Trân công chúa”, “Phụng Nghi Đình”. Nhà hát Múa rối Việt Nam biểu diễn các vở: “Con cua Vàng”, “Con ếch xanh” và “Quả táo đỏ”; Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam ra mắt vở nhạc kịch “Chú bé nạo ống khói”. Nhà hát Tuổi trẻ với “Xuân cười vui”...

Nổi bật là Chương trình biểu diễn nghệ thuật đón Tết Nguyên đán năm Canh Dần 2010 “Chào Xuân mới 2010-Mừng Thăng Long-Hà Nội 1000 năm tuổi” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Quảng trường Cách mạng tháng Tám-Nhà hát Lớn Hà Nội. Các đơn vị điện ảnh thực hiện tốt kế hoạch cung ứng nguồn phim chiếu ở các rạp, đáp ứng nhu cầu tăng số buổi chiếu phim Việt Nam trong những ngày Tết. Các Công ty Điện ảnh, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng trong cả nước tổ chức tốt tuần phim “Mừng Đảng-Mừng Xuân-Mừng Đất nước đổi mới-Mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội” với những bộ phim tài liệu Đất đẻ, Lê Trọng Tấn một đời trận mạc, Bức tượng đài vĩnh cửu, Tổ quốc đón anh về, Còn mãi với thời gian…; các bộ phim truyện nhựa Đừng đốt, Được sống, Chớp mắt cùng số phận, Sinh mệnh, Đường thư, Năm ngày trong đời vị tướng… một số bộ phim Việt Nam mới sản xuất như “Nhật ký Bạch Tuyết”, “Những nụ hôn rực rỡ”, “Khi yêu đừng quay đầu lại”, “Công chúa teen và ngũ hổ tướng”... Các Công ty cổ phần Nghe nhìn sản xuất và phát hành các đĩa VCD, DVD với những câu chuyện phóng tác từ văn học và chuyện trào phúng dân gian như: “Cả ngố”, “Chuyện đời”, “Cười cái sự đời”... góp phần  tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

Các thư viện tổ chức Ngày hội sách báo, thi tìm hiểu, liên hoan kể chuyện sách. Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam, hệ thống Trung tâm văn hoá-thông tin-triển lãm các tỉnh-thành tổ chức triển lãm Xuân, hội chợ thương mại hưởng ứng chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Các bảo tàng, nhà truyền thống, nhà tưởng niệm, khu di tích lịch sử cách mạng trưng bày chuyên đề về Đảng, Bác Hồ, về sự nghiệp đấu tranh cách mạng và những thành tựu đổi mới đất nước, mở cửa thường xuyên phục vụ nhân dân.

Tại Thủ đô Hà Nội, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên liên tục phục vụ nhân dân với 36 buổi biểu diễn nghệ thuật tại các sân khấu ngoài trời được bố trí tại hầu khắp các quận nội thành và các huyện ngoại thành. Các hoạt động văn hoá và trò chơi dân gian khác như Hội báo Xuân Canh Dần, triển lãm tranh, ảnh, triển lãm cây, đá cảnh, gỗ lũa, cổ vật, triển lãm thư pháp, rối nước, thi cờ người, nói chuyện thơ xuân... được tổ chức rộng khắp với nội dung hết sức phong phú, mang đậm nét văn hoá Tràng An của người Hà Nội. Trong đêm Giao thừa, lần đầu tiên Thành phố tổ chức biểu diễn văn nghệ và bắn pháo hoa tại tất cả các quận huyện của thành phố, không khí Tết tưng bừng, rộn rã tràn ngập phố phường, náo nức lòng người hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội Hoa Xuân 2010 có quy mô lớn nhất so với 29 lần Hội Hoa Xuân đã tổ chức các năm trước. Tại các rạp hát, rạp chiếu phim, cùng với việc công chiếu các phim mới, các vở diễn mới, hầu hết các đơn vị đều phải tăng ca, tăng suất biểu diễn, chiếu phim nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu khán giả. Nhiều suất diễn được tổ chức tại vùng sâu, vùng xa, trung tâm cai nghiện, trường giáo dục - đào tạo - giải quyết việc làm, khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung... Tại Trung tâm Văn hóa các quận, huyện đều tổ chức Hội xuân với nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian phục vụ nhân dân, nhiều chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp cũng được tổ chức tại ngoại thành.

Việc thăm và tặng quà, tổ chức vui Tết cho người già neo đơn, trẻ em lang thang đường phố... được tổ chức chu đáo hơn so với năm trước. Tại các thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và khắp các tỉnh-thành từ Tây Bắc, Tây Nguyên đến Tây Nam Bộ... các hoạt động văn hoá, nghệ thuật đã được Ngành văn hoá, thể thao và du lịch cùng các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân tổ chức rộng khắp, nội dung phong phú, thiết thực đáp ứng nhu cầu hưởng thụ tinh thần của nhân dân cả nước.

Về thể dục, thể thao

Chủ động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và nhu cầu của nhân dân, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh - thành đã sớm chỉ đạo và có kế hoạch tổ chức, phân công cán bộ xuống cơ sở tăng cường và hướng dẫn nghiệp vụ giúp các địa phương tổ chức tốt các hoạt động thể thao. Tại Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức cho các du khách tham gia các trò chơi: pháo đất, đánh đu, kéo co, đi cà kheo của người Kinh; ném còn của người Tày; tỏ mạ mằng, ô ăn quan, mạc hạp, mả mú xứa, pa mạ na ố, mả hạp, tỏ hốn tá lòn của người Thái...; Thành phố Hồ Chí Minh: Tổ chức Liên hoan võ dân tộc; thi đấu biểu diễn cờ người; thi múa lân sư rồng, các trò chơi dân gian, khéo tay... Bình Thuận: Tổ chức Ngày hội chạy vượt đồi cát Mũi Né, Giải leo núi Tà Cú và Đua thuyền truyền thống trên sông Cà Ty. Bình Dương: đăng cai Giải cờ vua các nhóm tuổi trẻ khu vực miền Đông Nam bộ. Cà Mau: Tổ chức giải bóng đá vô địch toàn tỉnh, giải bóng đá nữ tứ hùng. Các Trung tâm VH-TT cấp huyện tổ chức Hội thao mừng xuân với các giải: cầu lông, bóng chuyền, thể dục dưỡng sinh, hội thi múa lân, biểu diễn võ thuật. Đồng Nai: Tổ chức Giải đua thuyền truyền thống. Bà Rịa-Vũng Tàu: Tổ chức Giải Boxing Thai mở rộng. Tiền Giang: Tổ chức giải đua xuồng - trò chơi dân gian kỷ niệm chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút. Bình Phước: Tổ chức giải đua xe đạp đôi mừng Xuân Canh Dần. Kiên Giang tổ chức các giải Việt dã, kéo co, đẩy gậy và các trò chơi dân gian, giải đua xuồng ba lá, giải cờ tướng. Ninh Bình hoạt động thi đấu thể thao tập trung vào các môn thi đấu cờ tướng, chọi gà, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, kéo co, quần vợt. Sóc Trăng các hoạt động thể dục thể thao được tổ chức với những nội dung lồng ghép Đại hội Thể dục thể thao cấp tỉnh được tổ chức tại các huyện, thành phố.  Thừa Thiên Huế tổ chức Hội vật làng Thủ Lễ (huyện Quảng Điền); Hội vật làng Sình (huyện Phú Vang). Đăk Lăk tổ chức cuộc thi đua thuyền lần thứ III...

Nhìn chung, hoạt động thể dục thể thao đã được tổ chức tốt, chủ yếu là các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian tái hiện các sinh hoạt vui chơi trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Nhiều địa phương đã sưu tầm, nghiên cứu và tổ chức phục dựng lại nhiều trò chơi dân gian mang tính cộng đồng cao. Điều đó không chỉ có ý nghĩa dần hình thành các mỹ tục mới, đem đến cho người dân những ngày Tết vui tươi, khoẻ mạnh mà còn có ý nghĩa thiết thực trong việc giáo dục, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá cổ truyền của dân tộc.

Về Du lịch

Dự báo nhu cầu du lịch của người dân trong nước và lượng bà con Việt kiều về nước dịp Tết Canh Dần 2010 có khả năng tăng đột biến so với Tết Kỷ Sửu, ngay từ trước Tết, Tổng cục Du lịch đã có công văn yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh-thành, các doanh nghiệp lữ hành quốc tế và các khách sạn từ 3 sao trở lên trong toàn quốc tăng cường tham mưu với các cấp chính quyền và các doanh nghiệp du lịch tổ chức các hoạt động tuyên truyền quảng bá cho du lịch địa phương, xây dựng và giới thiệu những tour du lịch khuyến mại phục vụ nhân dân, khách du lịch trong dịp Tết, đặc biệt là kiều bào Việt Nam về quê ăn Tết. Các công ty lữ hành chủ động đưa ra nhiều chương trình du lịch hấp dẫn và các chùm tour giảm giá để thu hút khách. Điều đặc biệt là hầu hết các tour trong nước dịp Tết Nguyên đán năm nay đều hướng đến những chủ đề chính của năm 2010 như: đón mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, du xuân phương Bắc và khám phá những lễ hội dân gian khắp các tỉnh-thành trong cả nước được xem là “hút” khách nhất. Các tour đi du lịch nước ngoài khá sôi động dẫn đến tình trạng cháy tour, một số điểm đến ở nước ngoài được du khách lựa chọn nhiều nhất là: Singapore, Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông và một số nước châu Âu... Tiêu biểu như, Công ty du lịch Fiditour giới thiệu 150 tour trong và ngoài nước, đặc biệt là chùm tour “Vui xuân quê Việt”với điểm đến là những thắng cảnh trong nước. Công ty Saigontourist, có tour du lịch tiết kiệm “Chào năm mới 2010” với mức giá hấp dẫn, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. “Du xuân Tết Canh Dần” là chương trình mới nhất của Hanoitourist. Công ty Du lịch Vietravel đưa ra thị trường chương trình khuyến mại đặc biệt “Du lịch bốn phương-trúng thưởng kim cương”, đồng thời, Vietravel cũng triển khai chương trình “Du lịch Hàn Quốc miễn phí trong tầm tay” nhân kỷ niệm 15 năm thành lập...

Tại các địa phương, nhiều sự kiện, lễ hội, nhiều công trình văn hóa-thể thao được khánh thành, đưa vào sử dụng, phục vụ khách du xuân, đón Tết, đặc biệt là tại các thành phố, các khu du lịch lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thừa Thiên-Huế, Khánh Hoà, Bình Dương, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang... Các khách sạn đã chủ động làm tốt công tác chuẩn bị cho việc đón và phục vụ khách nhân dịp Tết Canh Dần như nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, trang trí đèn màu, cờ hoa, băng rôn chúc mừng năm mới; những đơn vị du lịch có khách lưu trú chuẩn bị chu đáo việc tổ chức cho khách đón giao thừa tại khách sạn với các hoạt động thể hiện nét văn hóa truyền thống của dân tộc.    

HCTC

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×