Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bản sắc văn hóa làng xã Bắc Ninh qua lễ hội truyền thống

14/02/2025 | 15:21

Như một lớp trầm tích quan trọng góp phần tạo nên bản sắc quê hương, hồn cốt dân tộc, lễ hội truyền thống Bắc Ninh là di sản quý giá và đặc sắc của nền văn hiến Kinh Bắc. Lễ hội là môi trường gìn giữ, trao truyền những giá trị truyền thống, cũng là không gian khơi nguồn cảm hứng bất tận cho sáng tạo cộng đồng và nuôi dưỡng những nguyện ước tốt đẹp.


Bản sắc văn hóa làng xã Bắc Ninh qua lễ hội truyền thống - Ảnh 1.

Nghi lễ rước kiệu ở hội làng Xuân Ổ, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh

Nằm ở trung tâm của xứ Kinh Bắc xưa - một trong những cái nôi của nền văn minh sông Hồng, Bắc Ninh là địa bàn cư trú của người Việt qua hàng nghìn năm nên có rất nhiều lễ hội truyền thống. Thống kê của giới nghiên cứu, Bắc Ninh có gần 550 lễ hội truyền thống diễn ra trong năm. Phần lớn làng xã đều có lễ hội, còn nếu tính cả đình đám, sự lệ thì hầu như làng xã nào cũng có...

Quê hương Bắc Ninh đang ở giữa những ngày tháng Giêng đậm đà hương sắc, nồng nàn nhựa xuân. Khắp làng trên xóm dưới, đến đâu cũng cờ xí tưng bừng, vọng tiếng trống chiêng tế lễ, rước sách mở hội đình, hội chùa... Là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, các lễ hội truyền thống không chỉ phô diễn những nghi thức, tập tục, trống giong cờ mở tưng bừng huyên náo, mà còn hướng tâm hồn con người đến thiện lương, chứa đựng những giá trị nhân văn cao cả. Vì thế, đời này qua đời khác, lễ hội truyền thống luôn được bảo tồn, trao truyền.

Chất dân gian, phong tục tín ngưỡng thờ cúng của từng địa phương, từng làng xã, từng di tích, về từng vị thần luôn bám rễ sâu trong đời sống cộng đồng dân cư và được thể hiện đậm nét, sinh động qua các lễ hội truyền thống. Đến lễ hội, người dân được hòa mình vào không gian của nghi lễ, thưởng thức âm nhạc, nghệ thuật diễn xướng, chiêm ngưỡng trang phục cổ truyền... tất cả đều hội tụ trong một di sản văn hóa là lễ hội truyền thống, phản ánh xuyên suốt chiều dài lịch sử lâu đời, quá trình hình thành và phát triển với những nét đẹp, bản sắc riêng có của một làng xã, một vùng đất.

Mỗi lễ hội truyền thống cất giữ bản sắc văn hóa riêng của từng vùng miền, từng làng xã, địa phương. Đó là không gian thơ nhạc, đậm đặc lời ca, tiếng hát Quan họ ở Hội Lim; là âm vang tiếng vọng cội nguồn Lý triều cường thịnh ở lễ hội đền Đô; là lễ hội chùa Dâu với những tập tục của cư dân trồng lúa vùng Dâu - Luy Lâu qua tín ngưỡng thờ Tứ Pháp; là lễ hội của hàng trăm làng thờ Thánh Tam Giang ở vùng sông Cầu; các lễ hội tri ân, tưởng nhớ tổ nghề...

Bất kỳ lễ hội truyền thống nào ở Bắc Ninh cũng chứa đựng những thông tin tư liệu cơ bản như: Lễ hội này tôn vinh ai? Nhân vật được thờ phụng ở thời kỳ nào, có công đức ra sao? Hoàn cảnh quê hương, đất nước lúc ấy như thế nào? Những nghi thức tế lễ, phong tục, trò diễn trong lễ hội mang ý nghĩa, giá trị gì? Tham dự lễ hội mỗi người sẽ học hỏi được điều gì?... Đó là chính là bản sắc, là diện mạo truyền thống văn hóa mà những người tham gia tổ chức, quản lý lễ hội cần nắm rõ, cộng đồng chủ thể lễ hội phải am tường với sự trân trọng, tự hào để chia sẻ thông tin và hướng dẫn du khách thập phương có những hành vi, ứng xử văn hóa phù hợp khi tham gia lễ hội.

Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước về lễ hội theo phân cấp về thẩm quyền; chỉ đạo Ban tổ chức lễ hội tại các địa phương thực hiện nghiêm các văn bản, quy định liên quan; yêu cầu các địa phương tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về giá trị, ý nghĩa đích thực của nghi lễ truyền thống trong các hoạt động lễ hội; lưu ý không tổ chức lễ hội tràn lan gây tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc của nhân dân, xã hội và Nhà nước; rà soát khu vực dịch vụ bảo đảm không lấn chiếm khuôn viên di tích...

Trong định hướng phát triển công nghiệp văn hóa, lễ hội truyền thống trở thành một nguồn lực quan trọng phát triển du lịch. Thực tiễn qua một số lễ hội đầu xuân ở Bắc Ninh như lễ hội Đồng Kỵ, lễ hội chùa Phật Tích, lễ hội vùng Lim, lễ hội đền Bà Chúa Kho và các hoạt động văn hóa du xuân, lễ chùa, trảy hội, trải nghiệm hoạt động văn hóa tại các di tích chùa Dâu, chùa Bút Tháp, đền Cùng giếng Ngọc... trong những ngày đầu xuân năm mới đã thu hút hàng vạn lượt khách đến Bắc Ninh. Chứng tỏ sức hút của lễ hội, sức hấp dẫn của những giá trị truyền thống vùng đất Kinh Bắc-Bắc Ninh.

Để tiếp tục biến di sản lễ hội trở thành sản phẩm du lịch phục vụ du khách, nhiệm vụ đặt ra cần tập trung nghiên cứu đổi mới sáng tạo trên nền tảng truyền thống, tiếp nối bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa nhân văn mà ông cha đã dày công sáng tạo, vun đắp. Trong đó, hết sức chú ý công tác nghiên cứu đánh giá, phân biệt rõ đâu là giá trị cốt lõi, đâu là yếu tố đã được biến đổi và phát triển của lễ hội để lựa chọn giải pháp phù hợp, vừa giữ gìn vẻ đẹp vốn có, vừa tăng sức hấp dẫn của các hoạt động lễ hội, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Theo Báo Bắc Ninh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×