Bắc Ninh: Công tác chỉ đạo và tổ chức lễ hội 5 tháng đầu năm 2025 đạt nhiều kết quả tích cực
16/05/2025 | 10:005 tháng đầu năm 2025, công tác chỉ đạo và tổ chức lễ hội tại Bắc Ninh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống. Qua đó thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng và của tỉnh nói chung, được nhân dân đồng tình ủng hộ, tạo hiệu ứng dư luận tốt trong đời sống xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Bắc Ninh
Báo cáo kết quả kiểm tra công tác quản lý, tổ chức lễ hội, hoạt động tâm linh tại di tích và điểm du lịch Xuân Ất Tỵ cho biết, từ ngày 31/01/2025 đến ngày 05/5/2025, Thanh tra sở đã phối hợp với các đơn vị thành viên Đội kiểm tra liên ngành 814 tỉnh, Phòng Quản lý Văn hóa thuộc Sở VHTTDL, Phòng Văn hóa - Thông tin (nay là phòng Văn hoá, Khoa học và Thông tin) các huyện, thị xã, thành phố và Ban quản lý di tích các địa phương nơi diễn ra lễ hội tiến hành kiểm tra 21 ngày, đêm ở 10 lễ hội mang tính ảnh hưởng vùng và một số cơ sở thờ tự, hoạt động tâm linh trên địa bàn toàn tỉnh (trong đó có 08 điểm du lịch đã được UBND tỉnh công nhận).
Kết quả, về công tác chỉ đạo ở cấp cơ sở: Các địa phương nơi diễn ra lễ hội đã thành lập Ban chỉ đạo, Ban tổ chức và xây dựng Kế hoạch tổ chức lễ hội trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức, cá nhân có liên quan. Các Ban tổ chức lễ hội bám sát Kế hoạch tổ chức lễ hội được phê duyệt để chỉ đạo, tổ chức lễ hội theo đúng quy định và theo phong tục địa phương, đảm bảo tính trang trọng, tạo không khí vui tươi phấn khởi trong cộng đồng.
Về công tác tổ chức lễ hội: Hầu hết các lễ hội diễn ra trong thời gian ngắn từ 01 đến 03 ngày, riêng hoạt động tín ngưỡng tại Đền Cô Mễ thời gian kéo dài (từ tháng chạp năm trước đến tháng hai năm sau). Nội dung của lễ hội phong phú, thu hút được nhiều du khách và nhân dân tham gia, hưởng ứng. Ngoài phần lễ như: Khai hội, dâng hương, tế, rước..., phần hội có nhiều hoạt động sôi nổi, đặc trưng với những trò chơi dân gian truyền thống ở mỗi địa phương.
Việc tổ chức lễ hội đã góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giá trị di tích như: Công tác thông tin, tuyên truyền trực quan đã khơi gợi du khách và nhân dân tìm hiểu về di tích, về lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn thuần phong, mỹ tục của địa phương; Đồng thời là dịp để nhân dân và du khách tham gia lễ hội bày tỏ lòng thành kính, biết ơn sâu sắc các bậc tiền nhân…
Công tác đảm bảo về an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch... trong tổ chức lễ hội đã được quan tâm, chú trọng; Việc thắp hương và đốt vàng mã trong di tích, khu vực tổ chức lễ hội có giảm đáng kể, trong thời gian diễn ra lễ hội không phát hiện các hiện tượng mê tín dị đoan.
Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, còn có một số tồn tại, hạn chế như: Tại một số di tích còn có cơ sở kinh doanh dịch vụ bày, bán hàng trong khu vực nội tự gây mất cảnh quan, ảnh hưởng đến không gian lễ hội (Chùa Phật Tích, Chùa Bút Tháp, Chùa Dâu); Công tác kiểm tra, giám sát trong lễ hội và hoạt động tâm linh của một số Ban chỉ đạo và Ban tổ chức lễ hội có lúc chưa kịp thời.
Về điều kiện cơ sở vật chất, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường tại điểm du lịch: Hầu hết các điểm du lịch đều đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị theo tiêu chuẩn; tại các điểm du lịch đều bố trí bộ phận trực 24/24h hàng ngày; công tác bảo vệ môi trường, thu gom rác thải được thực hiện thường xuyên, đảm bảo môi trường cảnh quan sạch, đẹp; thường xuyên bố trí lực lượng hướng dẫn, nhắc nhở du khách và nhân dân đi lễ thực hiện việc đốt vàng mã đúng nơi quy định, kịp thời thu gom tiền giọt dầu, đảm bảo tính trang nghiêm tại di tích và nơi thờ tự; công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ được chú trọng.
Tuy nhiên, tại một số điểm du lịch vẫn chưa công khai địa chỉ, số điện thoại của tổ chức, cá nhân để tiếp nhận, giải quyết ý kiến, phản ánh của khách du lịch (Chùa Bút Tháp); Hình thức tiếp nhận, giải quyết ý kiến, phản ánh của khách du lịch chủ yếu vẫn là tiếp nhận trực tiếp, không bố trí hòm thư góp ý (Điểm du lịch Đền Đô, Chùa Bút Tháp, Đền Cùng Giếng Ngọc).
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Thanh tra Sở đề nghị Ban tổ chức lễ hội các địa phương tiếp tục phát huy những ưu điểm đã đạt được trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội; kịp thời có biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, tăng cường vai trò trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
Bên cạnh đó thường xuyên tuyên truyền, vận động ý thức của du khách thập phương, các cá nhân tham gia dịch vụ trong lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội, đặc biệt là việc tuyên truyền, thực hiện "Bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống" ban hành kèm theo Quyết định số 2068/QĐ-BVHTTDL ngày 03/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tổ chức thực hiện nghiêm Thông tư số 04/2023/TT-BTC, ngày 19/01/2023 của Bộ Tài chính, hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.
Ngoài ra, các Ban chỉ đạo, Ban tổ chức lễ hội tham mưu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền quy hoạch khu dịch vụ tại các điểm di tích, nơi tổ chức lễ hội. Tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm đối với Ban quản lý di tích địa phương trong việc tuân thủ văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền trong việc bố trí các gian hàng dịch vụ trong khuôn viên di tích, gây mất cảnh quan môi trường, ảnh hưởng đến không gian của di tích tại lễ hội Chùa Bút Tháp, thị xã Thuận Thành./.