Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bắc Ninh: Bảo tồn, phát huy thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu

06/12/2024 | 14:21

Bắc Ninh là trung tâm tín ngưỡng thờ Mẫu vùng đồng bằng Bắc Bộ, còn lưu giữ hệ thống các di tích lịch sử văn hóa gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu đặc sắc. Năm 2016, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Bắc Ninh đã quan tâm và có nhiều giải pháp trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa này.

Bảo tồn di tích thờ Mẫu

Theo kết quả kiểm kê, Bắc Ninh có 720 di tích thờ Mẫu, trong đó có 4 di tích có nhà và ban thờ mẫu là các di tích Quốc gia đặc biệt: Chùa Dâu, chùa Phật Tích, chùa Bút Tháp và đền Đô; 86 di tích quốc gia; 125 di tích cấp tỉnh. Các di tích tập trung nhiều nhất ở các địa phương sinh sống ven sông Cầu, sông Đuống, một số di tích ở vùng đồi núi như vùng núi Phật Tích, Quả Cảm, Thiên Thai… Điển hình như các vị Tiên Thiên Thánh mẫu: Bà Tồ Cô (Phật Tích, Tiên Du); bà Đổng Mẫu (Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh); mẫu Tam Phủ (Nguyệt Bàn, Gia Bình); Thánh mẫu Liễu Hạnh (Mẫu nghi thiên hạ) được thờ ở các đền, phủ hoặc các chùa; các nữ thần nông nghiệp ở vùng Dâu (Thanh Khương, thị xã Thuận Thành) gồm Thánh mẫu Man Nương, Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện hóa thân thành các bà Dâu, bà Đậu, bà Dàn, bà Tướng)… Các Mẫu ở Bắc Ninh chứa đựng tinh thần yêu nước, yêu hòa bình, đấu tranh bảo vệ những người lương thiện, trừ gian diệt ác.

Bắc Ninh: Bảo tồn, phát huy thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu - Ảnh 1.

Đền Bà Chúa Kho một trong những di tích điển hình trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Bắc Ninh

Để bảo tồn, phát huy các di tích thờ Mẫu, tỉnh đã có nhiều giải pháp, ban hành nhiều quyết định, chương trình, kế hoạch, đề án trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di tích, tiêu biểu như: Quyết định số 10/2021/QĐ-UBND ngày 06/5/2021 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc ban hành Quy định về quản lý di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Bắc Ninh cũng là địa phương đi đầu cả nước, gắn trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, cấp xã trong việc quản lý trực tiếp di tích, tạo sự chuyển biến về nhận thức, không phó mặc việc quản lý di tích cho thôn. Hiện nay 100% di tích được xếp hạng đã thành lập Ban quản lý di tích địa phương, quy định rõ trách nhiệm và quyền lợi của các thành viên; vấn đề quản lý đất đai, cổ vật; tổ chức lễ hội… trách nhiệm quyền lợi của người trông coi di tích; việc trùng tu tôn tạo, phục hồi di tích. Công tác trùng tu, tôn tạo di tích được tỉnh và ngành văn hóa quan tâm đặc biệt. Mỗi năm có hàng chục di di tích được tu bổ, một số di tích được đầu tư tu bổ với kinh phí lớn như: Đền Tam Phủ, xã Cao Đức, huyện Gia Bình được đầu tư 10 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ của tỉnh và địa phương. Di tích đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ khu Á Lữ, phường Đại Đồng Thành, thị xã Thuận Thành được đầu tư 25 tỷ đồng... Các di tích thờ Mẫu được kiểm kê đánh giá giá trị di sản với các tài liệu, hiện vật được đánh giá, ghi chép để làm cơ sở lưu giữ. Những di tích có giá trị được lập hồ sơ xếp hạng.

Phát huy thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu

Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Bắc Ninh tập trung vào các hoạt động thờ cúng, tế lễ trong dịp lễ hội gắn với nghi thức diễn xướng dân gian hát chầu văn khắc họa cuộc đời, công lao của các vị thần thông qua sự nhập vai vào các thanh đồng với lời ca phong phú sắc màu. Thông qua các lễ hội truyền thống như hội Diềm (phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh); hội đền Bà Chúa Kho (phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh); lễ hội vùng Dâu (thị xã Thuận Thành)… giúp con người hướng tới chân-thiện-mỹ để cộng đồng dân cư sống đoàn kết, nghĩa tình hơn, biết thờ phụng ông bà tổ tiên, biết ơn những người anh hùng, những người có công với đất nước. Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Bắc Ninh có đặc trưng riêng song vẫn mang vẻ đẹp chung của văn hóa thờ mẫu người Việt, tôn vinh truyền thống yêu nước, hướng về cội nguồn.

Để tiếp tục bảo tồn các di tích và phát huy thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, Bắc Ninh đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội để đưa di sản tới du khách trong và ngoài nước. Trong đó tập trung quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội, các hoạt động chương trình xúc tiến du lịch; đầu tư tu bổ chống xuống cấp các di tích thờ mẫu; gắn bảo tồn di tích thờ mẫu với phát triển du lịch; tổ chức hội thảo khoa học giá trị di sản văn hóa tín ngưỡng thờ mẫu và định hướng công tác quản lý trong đời sống đương đại; vinh danh các nghệ nhân trong thực hành tín ngưỡng thờ mẫu; khuyến khích các nghệ nhân mở lớp truyền dạy sử dụng đạo cụ âm nhạc trong nghệ thuật hát chầu văn; tổ chức kiểm kê, sưu tầm tư liệu hóa tài liệu các di tích đền, điện, miếu, phủ, chùa… có tín ngưỡng thờ mẫu trong tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Luyện, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích và Xúc tiến du lịch tỉnh cho biết: Những di tích lịch sử văn hóa thờ Mẫu Bắc Ninh và di tích có nhà thờ Mẫu chiếm gần 50% số lượng di tích trên địa bàn tỉnh. Để các di tích phát huy giá trị, thời gian tới Trung tâm tiếp tục đề xuất các giải pháp như: Tăng cường công tác quảng bá di sản tín ngưỡng thờ Mẫu tỉnh Bắc Ninh; thực hiện việc kiểm kê, đánh giá giá trị di tích thờ Mẫu, trong đó tập trung nghiên cứu một số điện thờ tại các tư gia có giá trị để xem xét đưa vào danh mục di tích của tỉnh; kiểm tra giám sát thực hiện sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu. Trong đó nghiêm cấm việc biểu diễn, thực hành lên đồng không đúng nơi quy định; ngăn chặn việc tuyên truyền mê tín dị đoan, vi phạm trong thực hành, lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi; phát huy vai trò các nghệ nhân tín ngưỡng thờ Mẫu…

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×