Bạc Liêu: Phát huy giá trị âm nhạc dân tộc Khmer gắn với phát triển du lịch
22/03/2022 | 10:13Âm nhạc của các dân tộc thiểu số (DTTS) nói chung, của đồng bào Khmer ở Bạc Liêu nói riêng mang giá trị độc đáo và được ví là linh hồn của bản sắc văn hóa dân tộc. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước và tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách thể hiện sự quan tâm đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị nền âm nhạc, góp phần “tắm tưới” đời sống tinh thần của cộng đồng dân tộc Khmer.
Đưa đề án mới đi vào cuộc sống
Tiếp tục nối dài sự chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào DTTS, mới đây Bộ VHTTDL đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các DTTS gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030”. Đề án hướng tới mục tiêu giữ gìn, phổ biến, trao truyền và phát huy những giá trị đặc sắc về dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các DTTS. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức và lòng tự hào, ý thức tự giác của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống và cải thiện mức hưởng thụ văn hóa cho người dân.
Để góp phần đưa Đề án đi vào cuộc sống, Bộ và các địa phương sẽ xây dựng, khai thác tốt các loại hình DL đặc trưng, phù hợp với đặc điểm văn hóa cộng đồng, trong đó gắn kết âm nhạc DTTS với phục vụ du khách. Đồng thời, xây dựng sản phẩm du lịch từ biểu diễn, giao lưu âm nhạc giữa nghệ nhân với du khách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội tại các địa phương có đông đồng bào DTTS.
Bên cạnh đó, tổ chức kiểm kê, lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể đối với loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian của đồng bào dân tộc để đưa vào Danh mục di sản văn hóa quốc gia. Ngoài ra, thực hiện chính sách hỗ trợ các nghệ nhân tham gia hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị âm nhạc dân tộc; hỗ trợ các mô hình câu lạc bộ văn hóa - văn nghệ hoạt động hiệu quả phục vụ phát triển du lịch tại các địa phương... Cùng với đó là hỗ trợ bảo tồn, phục dựng các loại hình âm nhạc tiêu biểu để khai thác, xây dựng sản phẩm du lịch; xây dựng hồ sơ phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú; tổ chức định kỳ các hoạt động liên hoan, giao lưu, hội thi văn hóa dân gian phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương, khu vực…
Chung tay bảo tồn
Cùng với chăm lo tốt đời sống vật chất, Bạc Liêu luôn ưu tiên nguồn lực hỗ trợ, đồng hành cùng đồng bào Khmer trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, trong đó có các loại hình âm nhạc. Tại Hội Xuân năm 2021, TP. Bạc Liêu lần đầu tiên đưa nhạc ngũ âm vào trình diễn phục vụ người dân đi dự hội. Với sự kết hợp nhịp nhàng của các nghệ nhân, cùng sự độc đáo của loại nhạc cụ nên phần trình diễn nhạc ngũ âm đã mang đến sinh khí vui tươi, rộn ràng cho mùa xuân và thổi thêm sắc màu mới cho ngày hội. Lãnh đạo UBND thành phố cho hay, các hội Xuân sắp tới sẽ tiếp tục duy trì hoạt động này để đưa âm nhạc Khmer đến gần hơn với cộng đồng các dân tộc anh em trên quê hương Bạc Liêu.
Được biết, chùa Xiêm Cán (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) đã được tỉnh lập hồ sơ khoa học đề nghị Bộ VHTTDL xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Bên cạnh việc bảo tồn quần thể kiến trúc nghệ thuật, tỉnh còn có kế hoạch phát triển du lịch đối với chùa Xiêm Cán. Cụ thể là giao cho Sở VHTTTTDL kết nối với các công ty lữ hành để xây dựng tua tuyến du lịch đến điểm tham quan này; còn chùa Xiêm Cán phối hợp với Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu xây dựng chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhu cầu của du khách. Ngoài ra, kết hợp tổ chức các trò chơi dân gian, mua bán quà lưu niệm, ẩm thực đặc trưng của đồng bào Khmer để hình thành sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Tin rằng, với sự có mặt của Đề án mới và sự chung tay của các cấp, các ngành và đồng bào dân tộc, âm nhạc Khmer sẽ ngày càng lan tỏa những giá trị độc đáo trong đời sống hiện đại và trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc của Bạc Liêu trong thời gian tới.