Bắc Kạn: Văn nghệ quần chúng góp phần giữ gìn văn hóa dân tộc
14/09/2021 | 17:51Thời gian qua, phong trào văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có bước phát triển sâu rộng, thu hút đông đảo người dân tham gia, qua đó phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đem lại sức sống mới trong đời sống tinh thần cho Nhân dân.
Tích cực xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở
Những năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh rất chú trọng phát triển mạng lưới các mô hình hoạt động của đội, nhóm, câu lạc bộ văn hóa - nghệ quần chúng cơ sở, từ đó tạo thành phong trào rộng khắp từ cấp tỉnh đến cơ sở xã, phường, thị trấn, thôn bản. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 76 đội văn nghệ quần chúng được thành lập. Mỗi đội văn nghệ có từ 15 đến 20 hội viên với nhiều độ tuổi khác nhau và hoạt động sinh hoạt trên tinh thần tự nguyện. Hằng năm, các hoạt động văn hóa nghệ thuật chúng được các địa phương tổ chức gắn với các nhiệm vụ chính trị trong kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, địa phương và dân tộc như: Tết Nguyên đán, ngày thành lập Đảng (3/2), ngày lễ 30/4, 1/5, ngày Quốc khánh 2/9; ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc… hoặc tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng do các cấp, các ngành tổ chức. Đội văn nghệ quần chúng tham gia vào các hoạt động nêu trên trung bình từ 10 cuộc mỗi năm.
Việc tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng cấp tỉnh, cấp huyện kể từ khi tái lập tỉnh đến nay đã được các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng và tổ chức định kỳ 2 năm/lần. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức được 11 cuộc Hội diễn nghệ thuật quần chúng cấp tỉnh, 12 đợt Liên hoan tuyên truyền lưu động cấp tỉnh, 2 cuộc Liên hoan hát Then - đàn Tính cấp tỉnh, 2 cuộc Liên hoan các Làng văn hóa tiêu biểu cấp tỉnh; 2 Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc tỉnh Bắc Kạn… Ngoài ra, hằng năm, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn tập trung sưu tầm, khai thác chất liệu các làn điệu dân ca, dân vũ của các dân tộc trên địa bàn tỉnh để sáng tác, biên tập và dàn dựng các chương trình tuyên truyền đưa thông tin về cơ sở, biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ Nhân dân. Bên cạnh đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn còn tham gia vào các cuộc giao lưu văn hóa dân tộc vùng miền, các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn của khu vực và toàn quốc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức như: Ngày hội văn hóa dân tộc Mông, Ngày hội văn hóa dân tộc Dao, Liên hoan hát Then - đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái toàn quốc; Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc; Chương trình Du lịch qua những miền di sản Việt Bắc… Các hoạt động trên đã tạo điều kiện cho các diễn viên quần chúng, nghệ nhân dân gian được tham gia sáng tạo, giao lưu, học hỏi và giới thiệu, quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương với bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa - nghệ thuật ngày càng cao của Nhân dân.
Bám sát nhiệm vụ của tỉnh, các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp và các địa phương trong tỉnh cũng tích cực tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng vào dịp lễ, tết, ngày hội của dân tộc, các sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng của ngành, nghề, địa phương và đất nước. Qua đó, chất lượng các tác phẩm nghệ thuật ngày càng đa dạng, phong phú và nâng cao về nội dung, chủ đề, loại hình biểu diễn và tính thẩm mỹ của tác phẩm, thu hút được sự tham gia của các diễn viên, nghệ nhân quần chúng và cổ vũ, động viên của đông đảo các tầng lớp Nhân dân.
Nhìn chung, những năm qua, các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng từ cấp tỉnh đến cơ sở từng bước phát triển về số lượng, chất lượng cũng như đáp ứng được yêu cầu về công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, giải trí, sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của đông đảo các tầng lớp Nhân dân.
Phát huy hiệu quả của đội văn nghệ dân gian
Thực hiện công bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh, trong những năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các văn bản liên quan đến công tác quản lý nhà nước, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản… Ngành phối hợp với các địa phương tiến hành tổng kiểm kê để nhận diện, đánh giá và đưa ra các giải pháp để bảo vệ được 291 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 1 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Thực hành hát Then của người Tày, Nùng, Thái của Việt Nam (chung hồ sơ với các tỉnh được công nhận năm 2019). Có 17 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, gồm: Nghi lễ cấp sắc của người Dao; Chữ Nôm của người Dao; Chữ Nôm của người Tày; Lượn Slương của người Tày; Lễ hội Lồng tồng Ba Bể; Nghề dệt thủ công truyền thống của người Tày; Nghệ thuật múa khèn Mông; Lễ cấp sắc của người Tày; Lễ cầu năm mới, cầu mùa của người Dao; Lễ mừng sinh nhật của người Nùng; Lễ cấp sắc Tào của người Tày; Nghi lễ cấp sắc Pụt của người Tày; Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao đỏ; “Lượn Cọi” của người Tày; Hát Pá Dung của người Dao; Lễ Kỳ Yên của người Tày; Hát Sli của người Nùng. Đây là những di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đã được bảo tồn và trao truyền qua nhiều thế hệ, là tài sản văn hóa truyền thống quý giá của tỉnh Bắc Kạn nói riêng và của cả nước nói chung.
Với kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú và đa dạng như vậy, nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các đội, nhóm, câu lạc bộ thực hành trình diễn các loại hình nghệ thuật dân ca, dân vũ, nghệ thuật trình diễn dân gian đã được ghi danh nêu trên. Hiện nay, toàn tỉnh có tổng số 31 Đội văn nghệ dân gian. Các đội văn nghệ dân gian này chủ yếu là tự phát, mỗi đội có từ 15 đến 20 hội viên với nhiều độ tuổi khác nhau và hoạt động sinh hoạt trên tinh thần đam mê, yêu thích và tự nguyện. Tại huyện Ba Bể, Chợ Đồn, hiện một số đội văn nghệ dân gian đã thực hành việc biểu diễn các loại hình nghệ thuật dân ca, dân vũ truyền thống của dân tộc để phục vụ khách du lịch tại địa phương. Thông qua các buổi biểu diễn phục vụ khách du lịch, đã từng bước tạo ra được việc làm và có thu nhập ổn định cho các thành viên trong đội văn nghệ, do vậy, việc tổ chức và hoạt động của Đội văn nghệ được quan tâm và đầu tư hơn các địa phương khác.
Có thể nói, đội văn nghệ dân gian trên địa bàn tỉnh mặc dù tự phát nhưng nhiều năm qua đã góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể thu hút được sự chú ý và cổ vũ của đông đảo các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là việc giới thiệu, quảng bá về bản sắc văn hóa của tỉnh Bắc Kạn với đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế thông qua các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn và các cuộc giao lưu văn hóa dân tộc vùng miền cấp khu vực và toàn quốc, từ đó góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của Nhân dân./.