Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bắc Kạn: Bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc trong hoạt động lễ hội

24/02/2022 | 15:00

Những năm qua, các lễ hội trên địa bàn tỉnh đã được các cấp chính quyền và người dân quan tâm, chú trọng tổ chức, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của Nhân dân, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc.

Bắc Kạn: Bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc trong hoạt động lễ hội - Ảnh 1.

Các lễ hội lớn nhất của tỉnh được tổ chức mỗi dịp đầu xuân năm mới(Lễ hội Lồng tồng Ba Bể, Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông, Lễ hội Lồng tồng Bằng Vân, Lễ hội Mù Là)

Theo kết quả kiểm kê, rà soát năm 2021, trên địa bàn tỉnh có tổng số 127 lễ hội, trong đó 100 lễ hội truyền thống, hội xuân cấp huyện, xã và 27 lễ hội văn hóa truyền thống cấp thôn.

Lễ hội truyền thống ở Bắc Kạn luôn giữ được những nét văn hóa riêng có, đậm đà bản sắc, đồng thời tuân thủ theo những quy tắc nhất định trên cơ sở quy ước chung của cộng đồng. Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh được quan tâm chú trọng, một số lễ hội truyền thống được phục dựng, duy trì tổ chức như: Lễ hội Lồng tồng các xã Nam Mẫu, Mỹ Phương, Chu Hương, Yến Dương, Cao Thượng, Đồng Phúc (Ba Bể), Bằng Vân (Ngân Sơn), xã Hà Vị, thị trấn Phủ Thông (Bạch Thông) và lễ hội cầu năm mới, cầu mùa của người Dao xã Đổng Xá; lễ hội Lồng tồng Bản Pjoo xã Sơn Thành (Na Rì)... Các lễ hội được tổ chức trang trọng, thiết thực, tiết kiệm, tạo ra không khí vui tươi lành mạnh, gắn hoạt động lễ hội với quảng bá, phát triển du lịch, thu hút đông đảo khách tham quan, giao lưu văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các nghi lễ tín ngưỡng, các trò chơi dân gian trong lễ hội.

Tuy nhiên, trong các lễ hội của đồng bào dân tộc, bên cạnh những bộ trang phục truyền thống rực rỡ hòa cùng những làn điệu hát Then - đàn Tính, lượn Cọi, hát Sli, hát Páo Dung, múa Khèn và các trò chơi dân gian đặc sắc tạo cho lễ hội tưng bừng, lễ hội ngày nay đã bị mai một đi rất nhiều, từ phần nghi lễ linh thiêng đến các trò chơi dân gian đặc sắc tạo nên bản sắc riêng của mỗi dân tộc, mỗi lễ hội. Phần lớn người dân tham gia lễ hội giống như đến xem biểu diễn chứ chưa phải với tư cách của chủ thể lễ hội, thậm chí có một số lễ hội chưa quan tâm đến phần lễ mà chỉ tập trung vào phần hội với nhiều hoạt động mang mục đích kinh doanh, thương mại, dẫn đến chưa phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống vốn có của lễ hội.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Văn Trường cho biết, trong thời gian tới, để làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong lễ hội, phải làm sao vừa tổ chức lễ hội văn minh, lành mạnh, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, vừa phải bảo tồn, giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng. Để làm được điều này, cần xác định người dân là chủ thể của lễ hội, họ là người tổ chức, tham gia và hưởng thụ các giá trị của lễ hội đem lại. Chính quyền và ngành Văn hóa chỉ tham gia với vai trò định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ để các lễ hội không bị biến tướng và sa vào những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan...

Nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp; sự đồng hành của các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc trong hoạt động lễ hội.

Trong hoạt động lễ hội cần chú trọng bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống trong các bài khấn, các nghi thức tế lễ nhưng không kéo dài rườm rà. Xác định việc diễn xướng các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc, các trò chơi dân gian là phần quan trọng trong quy trình tổ chức lễ hội. Khuyến khích người dân sử dụng trang phục dân tộc, thi kể chuyện dân gian, chế biến ẩm thực trong hoạt động của lễ hội nhằm giữ gìn bản sắc dân tộc. Đồng thời lựa chọn tổ chức các môn thể thao quần chúng, trò chơi hiện đại để làm phong phú thêm nội dung hoạt động của lễ hội.

Nghiên cứu, phục dựng và lựa chọn một số lễ hội truyền thống tiêu biểu để cách điệu nội dung hoạt động của lễ hội gắn với phát triển du lịch của địa phương nhằm thu hút đông đảo người dân và khách du lịch tham gia vào hoạt động của lễ hội. Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, đãi ngộ và tôn vinh các nghệ nhân dân gian có tài năng xuất sắc, nắm giữ, truyền dạy và có công bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong hoạt động lễ hội./.

Theo Cổng TTĐT Bắc Kạn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×