Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Bắc Kạn: Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch

26/11/2020 | 12:00

Bắc Kạn là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Những năm qua, tỉnh luôn quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống như tiếng nói, chữ viết, nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc, từ đó làm cho đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng ngày càng phong phú, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 152 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 53 di tích được xếp hạng gồm 02 di tích Quốc gia đặc biệt, 07 di tích Quốc gia, 44 di tích cấp tỉnh. Nhiều di tích đã được khai thác, phục vụ du lịch như: Danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể, động Nàng Tiên, động Hua Mạ; các di tích lịch sử Nà Tu, ATK Chợ Đồn, đồn Phủ Thông, di tích Đèo Giàng... thu hút nhiều người dân, du khách, học sinh, sinh viên đến tham quan.

Bắc Kạn: Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch - Ảnh 1.

Di sản Then được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được quan tâm thực hiện. Ngành Văn hóa đã tiến hành điều tra, kiểm kê, nhận diện được 291 di sản văn hóa phi vật thể, lựa chọn các di sản tiêu biểu để lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Kết quả có 16 di sản được công nhận gồm: “Nghi lễ cấp sắc của người Dao”; “Chữ Nôm của người Dao”; “Chữ Nôm của người Tày”; “Lượn Slương của người Tày”; “Lễ hội Lồng tồng Ba Bể”; “Nghề dệt thủ công truyền thống của người Tày”; “Nghệ thuật múa khèn Mông”; “Lễ cấp sắc của người Tày”; “Lễ cầu năm mới, cầu mùa của người Dao”; “Lễ mừng sinh nhật" (mừng thọ) của người Nùng; “Lễ cấp sắc Tào” của người Tày; "Nghi lễ cấp sắc Pụt" (Lẩu Pụt) của người Tày; “Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao đỏ; “Lượn cọi” của người Tày; “Hát Pá Dung của người Dao” và “Lễ Kỳ Yên” của người Tày. Đặc biệt, di sản Then đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Việc tổ chức các lễ hội truyền thống tiêu biểu ở các thôn, xã được chú trọng thực hiện; công tác quản lý và tổ chức lễ hội được thực hiện theo đúng quy định. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 51 lễ hội truyền thống. Các lễ hội truyền thống được tổ chức sôi nổi, giữ được nét truyền thống và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Nhiều lễ hội truyền thống đã thu hút được đông đảo Nhân dân trong tỉnh và du khách thập phương. Qua đó, góp phần tích cực trong việc quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch và các nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, tiêu biểu như: Lễ hội Lồng tồng Ba Bể, Hội Lồng tồng Bằng Vân, Lễ hội Mù Là, Lễ hội Phủ Thông…

Việc lập hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động tham mưu thực hiện. Đến nay, Bắc Kạn đã có 01 người được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, 06 người được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.

Với những lợi thế, kết quả đạt được, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trong phát triển du lịch đã đạt được hiệu quả nhất định, năm 2019, tỉnh đã đón được 500.000 lượt khách du lịch đến thăm quan, số khách du lịch đến Bắc Kạn năm sau đều cao hơn năm trước. Tuy nhiên, để thực hiện chương trình trọng tâm Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trọng tâm là du lịch hồ Ba Bể, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng kế hoạch với nhiều giải pháp cụ thể.

Bắc Kạn: Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch - Ảnh 2.

Nghề dệt thủ công truyền thống được người dân vùng hồ Ba Bể duy trì cho khách du lịch đến thăm quan

Đối với Khu du lịch Ba Bể, thời gian tới cần tiếp tục nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành, người dân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; thực hiện lồng ghép nhiệm vụ bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đẩy mạnh công tác quảng bá tiềm năng, sản phẩm, tài nguyên du lịch; xây dựng hình ảnh và thương hiệu, nhận diện du lịch địa phương gắn với bản sắc văn hóa riêng có của địa phương. Xây dựng các bản làng mẫu để phát triển du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng làng nghề nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm. Lập Quy hoạch di tích Quốc gia đặc biệt hồ Ba Bể tích hợp các quy hoạch liên quan như vườn quốc gia, xây dựng, nông nghiệp, giao thông… theo Nghị định 166/2018/NĐ-CP nhằm tạo nên hợp lực cho bảo tồn di tích gắn với phát triển du lịch.

Đối với Khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn, xây dựng thành một quần thể di tích có kiến trúc hài hòa phù hợp với tính chất, ý nghĩa, tầm quan trọng và thời kỳ lịch sử, có dấu ấn đặc trưng, đặc thù, gắn với thiên nhiên và văn hóa khu vực, có trung tâm điều phối và giao thông kết nối nội bộ thuận tiện, kết nối liên thông với ATK Định hóa và ATK Tân Trào, tạo nên tam giác du lịch lịch sử để đón tiếp du khách. Đặc biệt cần tôn trọng các yếu tố nguyên gốc trong quá trình bảo tồn kiến trúc, cảnh quan; quan tâm tái hiện sâu sắc các dấu ấn lịch sử vật thể và cả phi vật thể; bảo tồn và khai thác các giá trị văn hóa phi vật thể hiện hữu trong đời sống đồng bào các dân tộc trong khu vực như văn hóa nhà sàn, ẩm thực dân tộc, dân ca và kiến thức dân gian cổ truyền, tiếng nói, trang phục dân tộc… gắn với du lịch sinh thái để giúp du khách trải nghiệm, hình dung đời sống chiến khu xưa, qua đó vừa giáo dục truyền thống, vừa nâng cao đời sống cả vật chất và tinh thần cho cộng đồng Nhân dân trong khu vực.

Bên cạnh đó, Ngành tiếp tục tham mưu thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 16/12/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá, lịch sử trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2030; tham mưu thực hiện quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích Quốc gia đặc biệt gắn với phát triển du lịch. Xây dựng mô hình bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, trang phục một số dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một. Hỗ trợ phục dựng các lễ hội truyền thống, duy trì tổ chức và khuyến khích tinh thần, khả năng sáng tác của các tầng lớp Nhân dân. Tiếp tục kiểm kê các di sản văn hoá; đẩy mạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu văn hóa dân gian; nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học về các giá trị văn hóa truyền thống; mở lớp bồi dưỡng về dân ca, dân vũ truyền thống...

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, vì vậy, việc phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, bắt kịp xu thế phát triển của thời đại thì cần gắn với vai trò của cộng đồng, sự chủ động của chính quyền địa phương và sự phối hợp đồng bộ của các ngành. Việc nâng cao năng lực và ý thức của cộng đồng Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, người kinh doanh du lịch là yếu tố tiên quyết để phát triển du lịch nhanh và bền vững./.

Theo backan.gov.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×