Bắc Giang triển khai Đề án bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc
04/11/2020 | 10:23Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Đề án bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2030.
Nhằm tiếp tục tăng cường bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của các dân tộc, ưu tiên bảo tồn các di sản văn hóa đã được UNESCO vinh danh; các di tích lịch sử - văn hóa xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia; hệ thống di tích thời Lý -Trần gắn với Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; di sản văn hóa các dân tộc thiểu số đang có nguy cơ bị mai một trước tác động của kinh tế thị trường.
Đồng thời tăng cường đầu tư của Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đảm bảo hiệu quả thiết thực. Xây dựng sản phẩm văn hóa đặc trưng, tiêu biểu, tạo điểm nhấn cho văn hóa Bắc Giang.
Trong đó giai đoạn 2021 - 2025, Bắc Giang sẽ tu bổ, tôn tạo, phục hồi từ 190 - 215 di tích lịch sử văn hóa. Có 2 - 3 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 5 - 7 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 25 - 30 di tích xếp hạng cấp tỉnh, có 01 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh, có 4 - 5 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia …
Đến giai đoạn 2026 - 2030, có 150 - 200 di tích lịch sử - văn hóa được tu bổ, tôn tạo, phục hồi. Có 2 - 3 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 3 - 5 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 20 - 25 di tích xếp hạng cấp tỉnh, có 5 - 6 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đồng thời, thực hiện hỗ trợ hoạt động cho 50 câu lạc bộ Quan họ, Ca trù, Then người Tày, Nùng, dân ca Cao Lan, Sán Chí, hát Văn, hát Chầu văn….
Để đạt được các mục tiêu đề ra trong Đề án, UBND tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực di sản văn hóa, ban hành kịp thời các văn bản quản lý phù hợp với các quy định của pháp luật và yêu cầu từ tình hình thực tế của địa phương. Hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về di sản văn hóa, tạo những chuyển biến mới trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc.
Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý, chấn chỉnh các vi phạm trong lĩnh vực di sản văn hóa, nhất là các vi phạm trong hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích; khắc phục các hạn chế, tồn tại trong công tác này thời gian qua. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và của cộng đồng về Luật Di sản văn hóa, các văn bản pháp luật có liên quan khác; từ đó cùng chung tay bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Quan tâm nguồn ngân sách cấp huyện và cấp xã trong quản lý và phân bổ ngân sách, đảm bảo cân đối tỷ lệ chi ngân sách hợp lý cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đóng góp của nhân dân, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tài trợ cho công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.
Ưu tiên đầu tư bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa được UNESCO ghi danh, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có tiềm năng phát triển du lịch, di sản văn hóa các dân tộc thiểu số đang đứng trước nguy cơ mai một; gắn công tác đầu tư bảo tồn và phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững, góp phần phát triển KT-XH của tỉnh.
Chú trọng các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch để giới thiệu những sản phẩm văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Tăng cường công tác tuyên truyền với người dân, khách du lịch nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tự giác bảo tồn, tinh thần tự hào đối với các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương triển khai thực hiện Đề án; cụ thể hóa nội dung Đề án thành kế hoạch chi tiết hàng năm, từng giai đoạn, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện; hướng dẫn cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án…