Bắc Giang: Đưa phong trào TDĐKXDĐSVH đi vào thực chất
04/05/2018 | 16:34Ngày 3/5, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang Bùi Văn Hạnh chủ trì buổi giám sát việc chấp hành pháp luật trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2017.
Cùng dự có các đồng chí: Trần Văn Lâm, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh.
Quang cảnh hội nghị.
Nặng hình thức, chạy theo thành tích
Tổ chức đợt giám sát tại các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp (DN), ngành thành viên BCĐ phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh, HĐND tỉnh nhìn nhận Bắc Giang là một trong những tỉnh đi đầu hưởng ứng phong trào. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ của phong trào được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh. Qua đó góp phần thiết thực nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, thúc đẩy hoàn thành các nhiệm vụ phát triển KT-XH và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.
Bên cạnh đó, một số bất cập, hạn chế của phong trào đã được các đại biểu chỉ rõ. Theo ông Hà Văn Bé, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh, công tác phối hợp giữa các ngành thành viên BCĐ chưa thường xuyên, một số ngành chưa tích cực tham mưu, đề xuất, lồng ghép thực hiện các nhiệm vụ. Chất lượng danh hiệu văn hóa chưa cao, thiếu chiều sâu và tính bền vững, đồng thời còn mang tính hình thức. Có tình trạng người dân, chính quyền, nhất là các DN xem nhẹ, ít quan tâm đến danh hiệu văn hóa. Có nơi người dân sinh con thứ ba thì khu dân cư bị cắt danh hiệu văn hóa song có nơi (như ở Yên Thế) chỉ trừ điểm và vẫn có thể đạt danh hiệu văn hóa. Một số đại biểu cho rằng, công tác thi đua khen thưởng chưa thực sự được quan tâm, do cấp xã, cấp huyện không khen thưởng theo quy định nên không đủ điều kiện để khen thưởng cấp cao hơn.
Việc xây dựng DN văn hóa là một trong 7 nội dung của phong trào TDĐKXDĐSVH nhưng không có trong Luật Thi đua khen thưởng nên dù DN được công nhận danh hiệu song không được khen thưởng. Bà Lê Thị Huyền, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh cho biết, qua giám sát đã ghi nhận nhiều ý kiến phản ánh từ nhân dân cho rằng, Quyết định số 74 năm 2013 của UBND tỉnh quy định “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và một số lễ nghi, sinh hoạt cộng đồng khác” không nên quy định cứng số người, số mâm cỗ và rượu trong đám cưới.
Quyết định này cũng đã bộc lộ một số điểm không còn phù hợp với các văn bản của T.Ư đòi hỏi phải sửa đổi. Nhiều nơi bình xét danh hiệu văn hóa một cách dễ dãi, theo quy định đầu năm phải đăng ký mới được xem xét công nhận danh hiệu nhưng có nơi đầu năm hộ dân không đăng ký nhưng cuối năm vẫn được công nhận. Đơn cử như ở thôn Lọ, xã Lệ Viễn (Sơn Động) danh sách đăng ký danh hiệu gia đình văn hóa có 102 hộ nhưng cuối năm công nhận đến 148 hộ. Huyện Lạng Giang và huyện Sơn Động, số đăng ký đầu năm thấp hơn số được công nhận.
Cần chú trọng chất lượng
Năm 2017, toàn tỉnh có hơn 384 nghìn gia đình văn hóa (đạt 87,8%), 1.896 khu dân cư văn hóa; 61 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, 13 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, 1.780 cơ quan, đơn vị, DN đạt chuẩn văn hóa.
Tiết mục văn nghệ tại Liên hoan văn nghệ các làng văn hóa
huyện Lạng Giang năm 2018.
Giải trình về lý do các DN chưa tích cực hưởng ứng phong trào, đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: Cả tỉnh có hơn 7 nghìn DN nhưng chỉ có gần 300 DN có công đoàn cơ sở, trong khi Thông tư số 08 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chỉ xét công nhận danh hiệu văn hóa đối với DN có tổ chức công đoàn cơ sở, chưa kể nhiều DN nếu liên đoàn lao động cấp huyện không vận động họ sẽ không để ý đến danh hiệu văn hóa. Theo đại diện Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh, một số DN phản ánh, hằng năm họ chỉ đăng ký và cuối năm được công nhận danh hiệu văn hóa mà cơ quan chức năng không có sự kiểm tra, thẩm định nào. Chính sự dễ dãi và thiếu động viên khen thưởng kịp thời khiến DN ít coi trọng.
Về Quyết định số 74, Sở Tư pháp đã rà soát và tham mưu với Chủ tịch UBND tỉnh xem xét sửa đổi một số nội dung không còn phù hợp với các văn bản hướng dẫn của T.Ư. Ông Dương Hồng Cơ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu ý kiến: Đối với một số mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, BCĐ phong trào cấp tỉnh có thể nhân rộng song cần có chính sách cụ thể động viên, khen thưởng để khích lệ các khu dân cư khác. Đối với việc cưới vi phạm quy định, tới đây BCĐ sẽ tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành văn bản phê bình cán bộ, đảng viên, địa phương, cơ quan để xảy ra vi phạm.
Đồng chí Bùi Văn Hạnh đề nghị BCĐ phong trào cần đổi mới tư duy, phương pháp vận động, khắc phục tính hình thức, thiếu trách nhiệm của một số ngành thành viên; chấn chỉnh, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá, bình xét danh hiệu văn hóa cho sâu, chuẩn xác; triển khai phong trào cần đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm tránh dàn trải, chồng chéo; rà soát lại các văn bản chỉ đạo để có hướng tham mưu đề xuất, ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, cơ chế thực hiện phong trào theo hướng thực chất, phù hợp với tình hình địa phương. Đồng thời đánh giá, tổng kết việc thực hiện Quyết định số 74 của UBND tỉnh, trong đó đánh giá sâu kết quả thực hiện việc cưới trên địa bàn tỉnh để tham mưu sửa đổi các quy định cho phù hợp; đánh giá và định hướng xây dựng, hình thành lối sống, nếp sống, quan tâm tuyên truyền, giáo dục pháp luật và xây dựng ý thức xã hội, ý thức pháp luật tốt, ngăn chặn sự suy thoái đạo đức, lối sống. Chỉ đạo xây dựng hệ thống dữ liệu chuẩn, trong đó thực hiện chế độ báo cáo, thống kê số liệu cần nhất quán, chính xác hơn. Đẩy mạnh các phong trào thi đua, thực hiện tốt việc xây dựng, nhân rộng nhân tố, cách làm mới, điển hình, bố trí sắp xếp xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa đủ năng lực làm nòng cốt cho thực hiện phong trào./.
Theo baobacgiang