Văn hóa

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Ấn tượng bản sắc văn hóa vùng Bắc Trung Bộ qua Hội diễn "Câu hò nối những dòng sông"

09/07/2025 | 10:16

Hội diễn nghệ thuật quần chúng "Câu hò nối những dòng sông" khu vực Bắc Trung Bộ năm 2025 đã chính thức khai mạc vào tối 8/7 tại Nhà hát Lam Sơn, Thanh Hóa. Đây là sự kiện văn hóa - nghệ thuật góp phần giới thiệu những giá trị văn hóa tiêu biểu, tiềm năng du lịch của tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ. Qua đó tôn vinh di sản văn hóa truyền thống, khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam trong tiến trình hội nhập.

Giữa không gian nghệ thuật mang đậm bản sắc truyền thống, các tiết mục được dàn dựng công phu, giàu tính nghệ thuật đã đưa khán giả qua hành trình khám phá miền di sản sống động của vùng đất bên những dòng sông.

Từ bao lâu nay, những lời ca, điệu hò, câu hát của vùng đất Bắc Trung Bộ được xem là di sản văn hóa phi vật thể quý báu của dân tộc ta. Tuy nhiên mỗi địa phương khác nhau lại có những nét đặc sắc riêng về âm điệu, cách biểu diễn, tạo nên những đặc trưng tiêu biểu khác biệt. Có thể nói đến trước hết như Hò sông Mã xứ Thanh. Đây là một di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của người dân Thanh Hóa. Hò sông Mã được chia thứ tự theo sự kiện thuyền đi trên sông: rời bến, đò ngược, đò xuôi, mắc cạn và cập bến. Các lời ca của hò sông Mã thường dựa trên thể thơ lục bát và hát theo lối xướng – xô, có câu dẫn chuyện của một người bắt nhịp.

Ấn tượng bản sắc văn hóa vùng Bắc Trung Bộ qua Hội diễn "Câu hò nối những dòng sông" - Ảnh 1.

Hay như dân ca Nghệ - Tĩnh tiêu biểu nhất là dân ca ví - giặm, đây là một loại hình nghệ thuật tiêu biểu gắn liền với đời sống tinh thần của người dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Dân ca xứ Nghệ có mối quan hệ mật thiết với các câu ca dao, tục ngữ thể hiện truyền thống văn hóa của dân tộc, nói lên nỗi niềm, tâm tư, tình cảm của những người dân lao động. Những câu ca được ngân vang từ trong hoạt động bình dị thường ngày như: ru con, trồng lúa, dệt vải, may vá… cho tới những dịp lễ hội. Các điệu ví, giặm có từ ngữ trau chuốt, mượt mà, từng lời hát đầy ý nhị, sâu sắc.

Với mảnh đất Bình - Trị - Thiên, riêng dân ca và nhạc cổ truyền chúng ta không chỉ nhắc đến dòng âm nhạc bác học như Ca Huế, nhã nhạc cung đình Huế hay những điệu hò rộn ràng, tình tứ, rung ngân tha thiết mà những điệu lý của vùng đất này cũng vô cùng phong phú, đặc sắc.

Trong không khí cả nước nói chung, các tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ và Thanh Hóa nói riêng đang trong những ngày đầu vận hành sau sáp nhập, hợp nhất và thực hiện bộ máy chính quyền địa phương hai cấp, hãy còn nhiều khó khăn, bộn bề công việc. Nhưng vượt lên tất cả với tinh thần "Đất nước là quê hương" các đoàn nghệ thuật của các tỉnh đã tham gia Hội diễn với một quyết tâm cao nhất là đóng góp cho Hội diễn, khán giả xứ Thanh những tiết mục đặc sắc, mang đậm dấu ấn văn hóa của địa phương mình.

Mở đầu là các tiết mục biểu diễn của đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Thanh Hóa với chủ đề "Xuôi bè sông Mã". Những lời ca, giai điệu, câu hò đong đầy ân tình khẳng định giá trị nhân văn và sức sống trường tồn của một miền quê anh dũng. Tiếp đó là "Khúc tâm tình núi Hồng, sông La" của đoàn Hà Tĩnh với các tiết mục đặc sắc, phản ánh đậm nét bản sắc văn hóa quê hương Hà Tĩnh, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, khát vọng vươn lên và sự gắn kết giữa các vùng miền; Hay "Khát vọng sông Lam" mang đậm bản sắc Xứ Nghệ và "Lời ca sông Hương" của Huế cuốn hút lòng người.

Tất cả hòa vào nhau trong bản giao hưởng dân gian đa sắc màu, vừa mộc mạc, vừa đậm chất nghệ thuật, thấm đẫm tình đất, tình người. Mỗi ca khúc, mỗi giai điệu là một lát cắt văn hóa riêng, mang theo âm hưởng dân gian không chỉ để biểu diễn mà để kể chuyện về quê hương, về con người, về tình yêu, sự hy sinh, về niềm tự hào và sự nối dài mạch ngầm văn hóa giữa các thế hệ.

Ấn tượng bản sắc văn hóa vùng Bắc Trung Bộ qua Hội diễn "Câu hò nối những dòng sông" - Ảnh 2.

Không chỉ vậy, các chương trình dự thi của mỗi địa phương còn chuyển tải những nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ vĩ đại; ca ngợi tình yêu quê hương đất nước; tôn vinh truyền thống yêu nước, tình đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam cùng những thành tựu trong xây dựng, phát triển đất nước. Đặc biệt là hình ảnh dải đất miền trung thân yêu, nghĩa tình và anh dũng. Đồng thời quảng bá lợi thế, các sản phẩm du lịch biển gắn với phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, lịch sử đặc sắc vùng duyên hải và hải đảo.

Điều đặc biệt của các tiết mục trong hội diễn là tính quần chúng, nơi nghệ thuật không nằm trong khuôn mẫu trình diễn chuyên nghiệp mà thấm đẫm hơi thở đời sống, từ người nghệ nhân đến những diễn viên không chuyên đầy tâm huyết. Mỗi tiết mục mang theo cái tình của người thể hiện, cái hồn của vùng đất họ đại diện. nhờ đó mà khán giả đã được thưởng thức những làn điệu trong trẻo, mượt mà và mang đậm bản sắc truyền thống dân tộc. Chính điều ấy tạo nên một bản sắc riêng cho "Câu hò nối những dòng sông", khiến hội diễn không đơn thuần là nơi biểu dương văn nghệ mà thực sự là không gian gặp gỡ, hòa quyện những sắc màu văn hóa vùng miền.

Qua đó khẳng định sức sống bền bỉ và khả năng thích nghi của nghệ thuật truyền thống trong thời đại mới, phát huy giá trị văn hóa, làm giàu có thêm sản phẩm du lịch ở Thanh Hóa nói riêng, các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ nói chung, không ngừng nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Với sự kết hợp hài hòa giữa tính dân gian và tính đương đại, hội diễn góp phần gìn giữ, lưu truyền những giá trị văn hóa đặc trưng của vùng Bắc Trung Bộ và lan tỏa âm nhạc dân tộc, kết nối trái tim người Việt Nam./.

CTTĐT

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×