80 năm Đề cương về văn hoá Việt Nam: Sức mạnh văn hoá soi đường quốc dân đi
15/02/2023 | 10:44TS. Nguyễn Viết Chức khẳng định, bản Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943 đến nay vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện sức mạnh soi đường quốc dân đi của văn hoá.
Tháng 2/1943, Đảng ban hành Đề cương về văn hóa Việt Nam (Đề cương) do Tổng Bí Thư Trường Chinh soạn thảo và được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại Võng La (Đông Anh, Phúc Yên). Sau 80 năm, những giá trị của Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 vẫn còn nguyên vẹn, thể hiện sức sống trong xã hội đương đại.
Phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục), Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa – Xã hội, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam về những giá trị, ý nghĩa của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943.
- Thưa ông, 80 năm trước, Đảng đã ban hành bản Đề cương về văn hóa Việt Nam, văn kiện ra đời trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội rối ren của đất nước, cách mạng Việt Nam đang đứng trước tình thế vô cùng gay go, căng thẳng, điều này có ý nghĩa như thế nào?
Những người không hiểu có thể nghĩ rằng thời điểm năm 1943, khi chúng ta còn chưa giành được chính quyền, đang chịu cảnh đói khổ, áp bức thì nói tới văn hóa để làm gì? Nhưng thực chất đây là thời điểm mà Đảng ta đã chọn lựa, là thời điểm đã chín muồi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định "Văn hóa soi đường quốc dân đi". Văn hóa là một trong ba mặt trận của cách mạng giải phóng dân tộc, cách mạng xã hội chủ nghĩa, văn hóa là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, động lực thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển…
Vì vậy, tuy đang phải tập trung cho cách mạng giải phóng dân tộc nhưng Đảng rất quan tâm đến văn hóa và Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời chính là ngọn đuốc soi đường, định hướng tư tưởng, nhận thức, phương châm hoạt động văn hóa cho toàn Đảng, toàn dân.
Đề cương đã khẳng định tính chất, bản chất của nền văn hóa mới. Đảng luôn đặt, đề cao vị trí, vai trò của văn hóa và nhận thức được rằng muốn xây đựng được xã hội mới thì dứt khoát phải quan tâm đến vấn đề văn hoá. Dứt khoát xã hội mới thì phải có nền văn hóa mới, bởi nền văn hóa đang bị đế quốc, thực dân nô dịch, đang bị định kiến kìm kẹp thì nền văn hóa ấy dù có những yếu tố dân tộc rất tốt cũng không đủ để xây dựng xã hội mới.
Đảng đã xác định rất rõ tính chất của nền văn hóa của chúng ta và Đề cương về văn hóa Việt Nam đã khẳng định nguyên tắc của nền văn hóa Việt Nam đó là "khoa học", "dân tộc" và "đại chúng".
Sau này, khi chúng ta có được hòa bình ở miền Bắc và thực hiện nhiệm vụ vừa xây dựng hậu phương lớn xã hội chủ nghĩa, vừa đấu tranh giải phóng miền Nam thì chúng ta đã thực hiện 3 cuộc cách mạng lớn và văn hóa tư tưởng là 1 trong 3 cuộc cách mạng đó.
Có thể khẳng định văn hóa có một vị trí đặc biệt quan trọng. Vị trí của văn hóa luôn luôn được đề cao và là bộ phận cấu thành nên xã hội. Vị trí rất đặc biệt của văn hóa đã được Đảng xác định, khẳng định được ngay từ ban đầu khi lãnh đạo phong trào cách mạng cũng như tiếp tục dẫn dắt đất nước phát triển trong quá trình đổi mới.
- Đề cương về văn hóa Việt Nam đã xác định cách mạng văn hóa muốn thành công thì phải do Đảng lãnh đạo, điều này có ý nghĩa thế nào, thưa ông?
Đảng lãnh đạo toàn diện, tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng… Đảng xác định và nhận vai trò đó trước dân tộc nên khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với văn hóa là hoàn toàn chính xác. Đây là một trách nhiệm nặng nề và vinh quang mà Đảng đã nhận trước dân tộc.
Và điều này đã được thể hiện ở chỗ, suốt quá trình lãnh đạo, Đảng luôn luôn quan tâm phát triển văn hóa và luôn chịu trách nhiệm trước mọi vấn đề về văn hoá. Những thành tựu được biết đến và những hạn chế cũng được nhìn nhận rất thẳng thắn.
Ngay tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vừa qua, Đảng đã khẳng định còn những khiếm khuyết, khuyết điểm ở một số lĩnh vực khi quan tâm, đầu tư cho văn hóa còn chưa tương xứng với chính trị, kinh tế dẫn đến một số hệ lụy Điều đó thể hiện tính nghiêm túc, nghiêm khắc trong xây dựng văn hóa cũng như lãnh đạo toàn xã hội.
- Sau Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, Đảng tiếp tục có thêm những văn kiện quan trọng khẳng định vai trò, vị thế của văn hoá, có thể kể đến như Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII hay Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI, ông đánh giá như thế nào về việc này?
Phải khẳng định đường lối của Đảng về văn hóa là xuyên suốt, ngay trong cách mạng, trong đấu tranh giải phóng dân tộc và cho đến bây giờ.
Năm 1946, một năm sau khi giành được chính quyền, Đảng đã tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, đến năm 1948 tiếp tục tổ chức Hội nghị văn hóa lần thứ hai và gần đây nhất năm 2021 Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ ba tiếp tục được tổ chức. Cùng với đó là các Hội nghị Ban chấp hành Trung ương đã rất nhiều lần bàn về phát triển văn hoá.
Nói về Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và tiếp tục các khóa sau này như Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI thì có thể nói những người làm công tác nghiên cứu và quản lý văn hóa đều coi Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII như kim chỉ nam, một sổ tay, một bảo bối để làm công tác lãnh đạo được chính xác, đúng đắn. Nghị quyết đã xác định vai trò, vị trí của văn hoá, đồng thời nêu những nhiệm vụ của văn hóa rất rõ ràng.
Ví dụ như phải giữ gìn nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới và khẳng định sự nghiệp văn hóa là sự nghiệp của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Nền văn hóa của chúng ta là nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, 54 dân tộc anh em với các nền văn hóa rất khác nhau nhưng thống nhất chung trong nền văn hóa Việt Nam. Đảng chăm lo phát triển toàn diện văn hóa của tất cả các dân tộc. Tất cả các nền văn hóa của các dân tộc đều được trân trọng, phát triển một cách bình đẳng trong ngôi nhà chung Việt Nam, đó là điều vô cùng quan trọng mà Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã chỉ ra…
Có thể nói, tất cả những Hội nghị, những văn kiện, Nghị quyết của Đảng về văn hóa đều xuyên suốt một điều rằng "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Trong bối cảnh nào Đảng cũng khẳng định văn hóa có vị trí vô cùng quan trọng, là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển…
- Có thể nói, dù ra đời đã 80 năm nhưng Đề cương về văn hóa Việt Nam đến nay vẫn còn nguyên giá trị, theo ông, điều gì làm nên giá trị cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam?
Phải khẳng định chắc chắn rằng bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay. Bởi, Đề cương đã khẳng định đúng đắn vị trí, vai trò của văn hoá, khẳng định mối quan hệ biện chứng giữa chính trị, kinh tế và văn hóa và đặc biệt xác định được tính chất của nền văn hóa mới đó là "dân tộc", "khoa học" và "đại chúng". Đây là những tính chất, những nguyên tắc không thay đổi.
Trong đó, yếu tố "dân tộc" đương nhiên không thể thay đổi, văn hóa phải có tính dân tộc, phải có tính kế thừa, nhất là đối với đất nước có nền văn hóa lâu đời với những giá trị độc đáo, đặc sắc, tạo nên bản sắc văn như hóa Việt Nam thì không có lý gì lại không kế thừa và phát huy giá trị.
Nhưng mặt khác muốn xây dựng một xã hội mới thì không thể nào không có "khoa học" được, nên tính chất khoa học của nền văn hóa mới cũng phải được khẳng định.
Bên cạnh đó, Đảng đã khẳng định sự nghiệp văn hóa là sự nghiệp của toàn dân và đồng thời văn hóa cũng để cho toàn dân, để cho "đại chúng"… Mục tiêu của chúng ta là văn hóa cho tất cả mọi người chứ không phải văn hóa cho giới thượng lưu hoặc một nhóm người nào đấy, vì vậy văn hóa có tính "đại chúng".
Phải khẳng định Đề cương về văn hóa Việt Năm năm 1943 đã phát huy giá trị trong suốt 80 năm qua và vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay, và Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi hết từ thắng lợi này đến thắng lợi khác chính là nhờ có nhận thức đúng đắn, đường lối đúng đắn.
- Trong bối cảnh đất nước hiện nay, những giá trị, ý nghĩa của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 được thể hiện và phát huy như thế nào, thưa ông?
Theo tôi, trong điều kiện ngày nay thì giá trị của văn hóa lại càng phải được đề cao. UNESCO đã nhắc nhở rằng: "Ở đâu phát triển kinh tế mà không quan tâm đến văn hóa thì hệ lụy sẽ khôn lường". Không phải chỉ kinh tế không phát triển được mà xã hội sẽ lâm vào khủng hoảng, suy thoái, đồi bại.
Ở nước ta, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến phát triển văn hoá, tuy nhiên vẫn có không ít những vấn đề về văn hóa đã ở mức báo động. Chẳng hạn như trong xã hội những tệ nạn đang ngày càng tăng cả về số lượng, cường độ, mức độ và tính chất. Hay như chuyện tham nhũng, tham ô, nhũng nhiễu chưa bao giờ ở mức độ lớn như hiện nay, nội bộ Đảng cũng có những "bộ phận không nhỏ" suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống… Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này nhưng có thể nói nguyên nhân cơ bản vẫn là do con người, là do văn hoá.
Vì vậy, tập trung đầu tư cho văn hoá, xác định lại để quán triệt sâu sắc Đề cương về văn hóa Việt Nam cách đây 80 năm với toàn bộ những đường lối, những Nghị quyết của Đảng và đem những những đường lối đúng đắn đó vào cuộc sống thì mới có thể loại bỏ những điều không tốt đẹp trong xã hội.
- Xin cảm ơn ông!