Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

7 bài học kinh nghiệm qua 10 năm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

23/10/2022 | 16:47

Qua 10 năm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (giai đoạn 2012 - 2022), Bộ chính trị đã rút ra 7 bài học kinh nghiệm lớn.

Phòng, chống tham nhũng đạt nhiều kết quả rất quan trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ

Báo cáo tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 (PCTNTC) cho biết, chặng đường 10 năm thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, công tác PCTNTC được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước đột phá, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và nhân dân, để lại dấu ấn tốt đẹp.

Trong đó, đã chỉ đạo phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, trong đó có cả các vụ án, vụ việc xảy ra ở các lĩnh vực có chuyên môn sâu, hoạt động khép kín; xử lý nghiêm minh nhiều cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, trong đó lần đầu tiên xử lý hình sự đối với 1 Uỷ viên Bộ Chính trị; 10 Uỷ viên, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng là bộ trưởng, bí thư, phó bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ, chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

Chỉ đạo thực hiện nhiều cơ chế hiệu quả về phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, nhất là cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; cơ chế xử lý đồng bộ, kịp thời các sai phạm về tham nhũng, tiêu cực được phát hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

7 bài học kinh nghiệm qua 10 năm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - Ảnh 1.

Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 - Ảnh: TTXVN

Gắn PCTN với phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức để PCTN từ gốc.

Lập Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến các địa phương, tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn nữa trong PCTNTC ở địa phương, cơ sở. Tăng cường kiểm soát quyền lực, đẩy mạnh PCTNTC ngay trong chính các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTNTC.

Theo báo cáo của Bộ Chính trị, kết quả đạt được trong công tác PCTNTC thời gian qua đã khẳng định những mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng và Nhà nước về PCTNTC, nhất là chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Tuy nhiên, công tác PCTNTC vẫn còn có những hạn chế như xây dựng, hoàn thiện thể chế có nơi, có lúc còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTNTC có mặt còn hạn chế; Công tác cán bộ có mặt chưa đáp ứng yêu cầu, còn tình trạng khép kín; Việc thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực còn hình thức, kiểm tra, đánh giá chưa thường xuyên nên tác dụng phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực chưa cao; Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ nét; Hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và nhân dân trong PCTNTC chưa cao.

7 bài học kinh nghiệm qua 10 năm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác PCTNTC thời gian qua, Bộ Chính trị rút ra một số bài học kinh nghiệm, có ý nghĩa về lý luận và thực tiễn.

Một là, đấu tranh PCTNTC là nhiệm vụ hệ trọng, khó khăn, phức tạp, lâu dài; phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, tập trung, thống nhất của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC; với quyết tâm chính trị rất cao, hành động kiên quyết, kiên trì, thường xuyên, liên tục, không ngừng nghỉ ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; nhất là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm và làm đi đôi với nói của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người đứng đầu và lãnh đạo chủ chốt của cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị.

"Sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm và làm đi đôi với nói của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, trước hết là đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo là chỗ dựa vững chắc, sự bảo đảm về mặt chính trị, tạo nên động lực to lớn, nhân tố hàng đầu quyết định sự thành công trong cuộc đấu tranh PCTNTC", báo cáo nhấn mạnh.

Hai là, thực tế thời gian qua cho thấy, đằng sau những vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực, nhất là những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài đều có bóng dáng cán bộ, công chức làm ngơ, dung túng, tiếp tay, bao che, đồng phạm, thậm chí là chủ mưu.

Do đó, phải đặc biệt chú trọng công tác cán bộ; gắn PCTNTC với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phải đánh giá, lựa chọn, bố trí đúng cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý; phải tăng cường quản lý, giáo dục, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

7 bài học kinh nghiệm qua 10 năm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - Ảnh 2.

Các đại biểu dự Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 - Ảnh: Nhật Bắc

Ba là, phải kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; trong đó, phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài, phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách. Phải xây dựng cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng, tiêu cực", cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để "không dám tham nhũng, tiêu cực", xây dựng văn hóa liêm chính để "không muốn tham nhũng, tiêu cực" và cơ chế bảo đảm để "không cần tham nhũng, tiêu cực".

Kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; tiến hành đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng, kỷ luật hành chính của Nhà nước, kỷ luật của đoàn thể và xử lý hình sự; kỷ luật của Đảng phải thực hiện trước; lấy giáo dục, răn đe, phòng ngừa làm chính, kết hợp giữa trừng trị với khoan hồng; đồng thời bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung.

Bốn là, quyền lực luôn luôn có nguy cơ bị "tha hoá", tham nhũng, tiêu cực là một trong những "khuyết tật bẩm sinh" của quyền lực; do đó, phải tăng cường và nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức, viên chức; các lĩnh vực chuyên môn sâu, khép kín, bí mật, càng phải chú trọng kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, nhất là kiểm tra, giám sát từ bên ngoài. Đồng thời đẩy mạnh việc cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên "tự soi", "tự sửa".

Năm là, chú trọng nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò nòng cốt và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng của các cơ quan chức năng PCTNTC; bảo đảm sự liêm chính của đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan này.

Sáu là, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhất là vai trò, trách nhiệm của cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân và báo chí, doanh nghiệp, doanh nhân trong PCTNTC.

Bảy là, các giải pháp PCTNTC phải phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Phải PCTNTC cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài, kế thừa kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước; thường xuyên tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, không ngừng đổi mới tư duy, hoàn thiện lý luận về PCTNTC của Việt Nam.

Xuân Trường

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×