Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh về chính sách đối với thương binh liệt sĩ và người có công với cách mạng

07/07/2019 | 07:10

"Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" là giá trị đạo đức và lối ứng xử cao đẹp trong đời sống văn hóa của người Việt.

Truyền thống tốt đẹp này đã và đang được nhân dân phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa, đúc kết truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời của dân tộc thành một trong những nội dung tư tưởng của Người. Người cũng là tấm gương sáng thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các thương, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.

50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh về chính sách đối với thương binh liệt sĩ và người có công với cách mạng - Ảnh 1.

Ảnh tư liệu/bqllang.gov.vn

Năm mươi năm trước, ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của nhân dân Việt Nam qua đời. Trong thời khắc "người tuôn nước mắt, trời tuôn mưa", hàng chục vạn đồng bào tụ họp trên Quảng trường Ba Đình, cùng hàng chục triệu người Việt Nam từ mọi miền của đất nước, thành kính đón nhận Di chúc Người để lại. Di chúc được Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết từ năm 1965, khi Người tự cảm nhận sức khỏe của mình đã giảm sút. Tuy cảm thấy "tinh thần vẫn sáng suốt, thân thể vẫn khỏe mạnh", nhưng Người dự báo "Ai đoán biết tôi sẽ sống và phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng được mấy năm mấy tháng nữa". Từ dự cảm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Tài liệu tuyệt đối bí mật, để lại muôn vàn tình thân yêu và những lời căn dặn tâm huyết cho Đảng, cho nhân dân.

Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn canh cánh trong lòng về việc đền ơn đáp nghĩa với thương binh và gia đình liệt sĩ. Tháng 5-1968, mặc dù đang ốm mệt, Người vẫn đọc lại bản thảo Di chúc và viết bổ sung thêm một số nội dung gồm 6 trang viết tay, trong đó có đoạn về thương binh, liệt sĩ: "Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét"(1).

Thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các thương binh, liệt sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Công trạng to lớn của các liệt sỹ đã ghi sâu vào lòng toàn dân và non sông đất nước. Máu nóng của các liệt sỹ đã nhuộm lá quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sỹ sẽ muôn đời lưu truyền sử xanh"(2). Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến những người đã cống hiến xương máu, hy sinh tính mạng bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Dù bận việc quốc gia đại sự nhưng Người vẫn luôn dành thời gian, thăm hỏi, động viên các đồng chí thương binh, liệt sỹ cùng gia đình. Những tình cảm thiêng liêng Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho thương binh, liệt sỹ được thể hiện một cách nhất quán, cụ thể, thiết thực trong rất nhiều bài nói, bài viết và việc làm của Người. Nhằm chia sẻ nỗi đau của hàng triệu thân nhân liệt sĩ, những bậc ông bà, cha mẹ, những người chồng, người vợ và những người con đã không thể gặp lại những người thân của mình, ngày  7-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Thông báo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi. Ngày 7-1-1947, Bác Hồ gửi thư chia buồn tới Bác sĩ Vũ Đình Tụng, khi vừa biết tin con trai của Bác sĩ, hi sinh trong trận chiến đấu chống trả cuộc tấn công của quân Pháp vào Hà Nội. Bác viết: "Tôi được báo cáo rằng: Con của Ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi mất đi một đoạn ruột. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi, tinh thần họ luôn luôn sống với non sông Việt Nam. Những thanh niên đó là anh hùng dân tộc. Đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên họ...". Bác sĩ Vũ Đình Tụng kể lại rằng khi đọc xong bức thư của Bác, ông vô cùng xúc động. Trong lúc chiến tranh đang diễn ra ác liệt, Bác Hồ bận trăm nghìn việc đại sự, thế mà Bác vẫn nghĩ đến một gia đình bé nhỏ có tang đau lòng như hàng vạn gia đình khác. Tôi thấy nỗi đau thương và hy sinh của gia đình mình trở thành nhỏ bé trong cái tình thương mênh mông và sự hy sinh cao cả của Bác Hồ với dân tộc. Tôi tự nhủ mình sẽ phải làm công việc để xứng đáng với sự hy sinh của các con và khỏi phụ lòng Bác"(3). Nhân ngày thương binh, liệt sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường gửi quà là những đồ dùng thiết yếu (quần áo, khăn mặt, vải, thuốc men, chăn...). Người còn tiết kiệm tiền lương gửi vào quĩ thương binh toàn quốc. Việc làm thiết thực của Người tạo thành một phong trào xã hội rộng lớn với nhiều hình thức phong phú, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, hòa bình lập lại ở miền Bắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc trở về sống và làm việc tại Thủ đô Hà Nội. Chiều ngày 31-12-1954, Người đã dẫn đầu đoàn đại biểu của Đảng, Chính phủ tới đặt vòng hoa ở Đài liệt sĩ Hà Nội. Trong buổi lễ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc: "Trong lúc cả nước vui mừng thì mọi người đều thương tiếc các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì dân tộc. Bác thay mặt nhân dân, Chính phủ và bộ đội kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn bất diệt của các liệt sĩ…Một nén hương thanh. Vài lời an ủi" (4).

Đón "Tết Hòa bình", tối giao thừa năm 1956, Người đi thăm và chúc Tết các đồng chí thương binh ở Trường Thương binh hỏng mắt tại phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Bác Hồ đã nói chuyện thân mật với các chiến sĩ, khen ngợi những thành tích công tác, học tập vươn lên của thương binh. Kết thúc buổi nói chuyện, Bác nói: "Tại mái trường này các chú được học chữ, học nghề để tiếp tục phục vụ nhân dân. Như vậy, thương binh tàn nhưng không phế"(5).

Để giáo dục đạo lý uống nước, nhớ nguồn, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi chính quyền các cấp, các tầng lớp nhân dân và đoàn thể hãy thể hiện tình cảm thương yêu, trách nhiệm và bổn phận của mình bằng những việc làm thiết thực nhất đối với thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Chính quyền, đồng bào và các đoàn thể nhân dân trong mỗi xã cần tổ chức phong trào "đón anh em thương binh về làng" bằng cách trích một phần ruộng công để gặt hái, hoa lợi để nuôi thương binh, tạo công ăn việc làm cho anh em thương binh. Anh em thầy thuốc và chị em cán hộ cứu thương phải hết lòng săn sóc thương binh một cách chu đáo. Các cháu nhi đồng toàn quốc thi đua giúp đỡ các thương binh và gia đình liệt sĩ.

Hằng năm, cứ vào dịp tháng 7, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại gửi thư thăm hỏi thương binh, gia đình liệt sĩ, khẳng định công lao, đóng góp và động viên: "Các đồng chí đã anh dũng giữ gìn non sông, các đồng chí sẽ trở nên người công dân kiểu mẫu ở hậu phương, cũng như các đồng chí đã từng là chiến sỹ kiểu mẫu ở ngoài mặt trận", để mỗi "thương binh tàn nhưng không phế". Thư của Người giản dị, chân thành, là những lời động viên, kêu gọi mộc mạc nhưng cụ thể, thiết thực. Người không quên nhắc nhở "Các thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ: thì cần phải biết ơn sự săn sóc của đồng bào; cần phải cố gắng tăng gia sản xuất, tự lực cánh sinh, tuỳ theo khả năng mà tham gia các công tác trong xã, chớ nên yêu cầu quá đáng, ra vẻ "công thần"(6). Trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khi sang thăm nước Pháp, Người đã viếng thăm và đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm chiến sĩ tử trận tại Biarit, mộ chiến sĩ vô danh tại Khải Hoàn Môn, mộ liệt sĩ bị phát xít Đức bắn trên đồi Valêriêng. Người nói "Trông thấy nghĩa sĩ Pháp vì độc lập và tự do mà bị người Đức tàn sát, lại nhớ đến nghĩa sĩ Việt cũng vì độc lập, tự do mà cũng bị người khác tàn sát, khiến cho người ta thêm nỗi cảm động ngậm ngùi"(7). Tình yêu thương, nhân ái của vị lãnh tụ kính yêu đã không bị một danh giới địa lý hay chính trị nào giới hạn mà trở thành yếu tố của lý tưởng chung: Bình đẳng và bác ái giữa hai dân tộc Việt - Pháp. Từ đó, Người khẳng định: Dù ở đâu, bất cứ nơi nào: Độc lập - tự do đều do xương máu của các nghĩa sĩ và sự đoàn kết của toàn dân mà xây nên. Vậy nên, những người chân chính yêu chuộng độc lập, tự do của nước mình, thì cũng phải kính trọng độc lập, tự do của dân tộc khác.

Ghi nhớ công lao của các liệt sĩ, Người ký và ban hành các sắc lệnh về chế độ: "Hưu bổng, thương tật và tiền tuất cho thân nhân tử sĩ"; thành lập sở, ty thương binh, cựu binh ở khu và tỉnh, đặt ra Bảng vàng danh dự, Bằng gia đình vẻ vang và truy tặng, phong tặng các danh hiệu anh hùng, huân, huy chương cho các liệt sĩ, thương binh. Vào các dịp lễ tết Chủ tịch Hồ Chí Minh thường đặt vòng hoa viếng các anh hùng liệt sĩ.

Trong suốt 50 năm qua, tư tưởng nhân văn cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh, liệt sĩ cũng như tấm gương của Người trong công tác thương binh, liệt sĩ đã được Đảng và Chính phủ ta vận dụng, kế thừa, phát huy và cụ thể hóa thành nhiều chương trình, chính sách giúp đỡ thương binh, liệt sĩ và thân nhân gia đình người có công với cách mạng.

Tại Đại hội lần thứ VI, Đảng ta chỉ rõ phải: "Thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình cán bộ, chiến sĩ chiến đấu ngoài mặt trận, gia đình có công với cách mạng..."(8). Đại hội VII của Đảng tiếp tục khẳng định quan tâm chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng, "vừa là trách nhiệm của Nhà nước, vừa là trách nhiệm của toàn dân; sớm ban hành chế độ toàn dân đóng góp vào quỹ đền ơn, trả nghĩa để chăm lo đời sống thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng"(9). Đến Đại hội VIII, Đảng ta chỉ rõ: "Tổ chức tốt việc thi hành Pháp lệnh về người có công, bảo đảm cho những người có công với đất nước và cách mạng có đời sống vật chất và tinh thần ít nhất bằng mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; bồi dưỡng và tạo điều kiện cho con em những người có công với cách mạng tiếp nối sự nghiệp của cha anh. Mở rộng phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ..."(10). Tại Đại hội IX, Đảng khẳng định: "Chăm lo tốt hơn đối với các gia đình chính sách và những người có công với cách mạng, bảo đảm tất cả các gia đình chính sách đều có cuộc sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình so với người dân địa phương trên cơ sở kết hợp 3 nguồn lực: Nhà nước, cộng đồng và cá nhân các đối tượng chính sách tự vươn lên"(11). Nghị quyết Đại hội XI chỉ rõ: "Huy động mọi nguồn lực xã hội cùng với Nhà nước chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của những người và gia đình có công. Giải quyết dứt điểm các tồn đọng về chính sách người có công, đặc biệt là người tham gia hoạt động bí mật, lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong các thời kỳ cách mạng và kháng chiến...". Đến Đại hội XII, Đảng ta yêu cầu: "Thực hiện tốt chính sách chăm sóc người có công; giải quyết tốt lao động, việc làm và thu nhập của người lao động; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội; coi trọng chăm sóc sức khỏe nhân dân"(12); "Tiếp tục hoàn thiện chính sách xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội đến mọi người dân; tạo điều kiện để trợ giúp có hiệu quả cho tầng lớp yếu thế, dễ tổn thương hoặc những người gặp rủi ro trong cuộc sống. Phát triển và thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm xã hội…"(13). 

Thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, ngày 18-6-2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung chính sách ưu đãi người có công lần thứ ba; ngày 15-11-2007, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 25/2007/TT-BLĐTBXH, hướng dẫn bổ sung việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Để đánh giá toàn diện, đầy đủ việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công, ngày 27-10-2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng chương trình phối hợp, triển khai rà soát đối với 7 đối tượng: liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, người có công giúp đỡ cách mạng và cựu thanh niên xung phong. Trên cơ sở rà soát, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện việc triển khai thực hiện chính sách đối với người có công. Bộ Quốc phòng phối hợp với các bộ, ngành đề xuất với Đảng, Nhà nước tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chính sách đối với người có công với cách mạng, ban hành nhiều chủ trương, chính sách mới, phù hợp, như sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Tuyên dương Danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng"; Chỉ thị của Bộ Chính trị, các văn bản, quy định của Chính phủ về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; các chủ trương, chính sách lớn đối với người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. 

Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" trong những năm qua phát triển mạnh mẽ cả bề rộng lẫn chiều sâu. Việc xã hội hóa công tác "Đền ơn đáp nghĩa" mang lại những kết quả to lớn, thực sự huy động được sức mạnh của toàn xã hội tự nguyện tham gia phong trào, gánh vác trách nhiệm cùng Nhà nước chăm lo đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công. Từ năm 2010 đến năm 2018, đã lập hồ sơ, đề nghị xác nhận gần 600 liệt sĩ; cấp giấy chứng nhận thương binh cho gần 5.000 trường hợp, hơn 1.300 bệnh binh, bảo đảm chặt chẽ, chính xác; kịp thời khắc phục, chấn chỉnh những sai sót, tiêu cực trong tổ chức thực hiện; tham gia xác lập hồ sơ, đề nghị và tổ chức chu đáo việc phong tặng, truy tặng đối với gần 73.000 bà mẹ Việt Nam anh hùng,... Cùng với đó, công tác tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ được các đơn vị, địa phương hết sức chú trọng; công tác thông tin, tuyên truyền được quan tâm đẩy mạnh; tổ chức và bảo đảm được thực hiện tốt hơn, công tác đối ngoại, hợp tác về lĩnh vực này được xúc tiến và mở rộng. Từ khi thực hiện Đề án  tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đến nay các đơn vị, địa phương trong cả nước đã tìm kiếm, cất bốc, quy tập được gần 9.200 hài cốt (trong nước gần 4.500, ở Lào gần 1.500, Cam-pu-chia hơn 3.100). Việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng được chỉ đạo tích cực và triển khai toàn diện, đồng bộ với nhiều nội dung, hình thức phong phú, phù hợp với thực tế của đơn vị, địa phương và nguyện vọng của đối tượng chính sách…

Nhiều công trình ghi công liệt sỹ - những người anh hùng "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" đã trở thành di tích lịch sử, công trình văn hóa, biểu tượng của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc truyền thống yêu nước, cách mạng, thu hút đông đảo đồng bào, chiến sỹ cả nước và bạn bè quốc tế đến thăm viếng, tưởng niệm, như Nghĩa trang Điện Biên Phủ, Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9, Đền Tưởng niệm liệt sỹ Bến Dược - Củ Chi, Khu Tưởng niệm liệt sỹ thanh niên xung phong ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Lam Hạ…

Nhờ các giải pháp tích cực, đến nay, cả nước có 97% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình nơi cư trú. Xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương tiêu biểu của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với ý chí và nghị lực đã nỗ lực phấn đấu, vượt khó vươn lên trong lao động, sản xuất, kinh doanh, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đi đầu trên trận tuyến chống đói nghèo, lạc hậu, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Ngoài những kết quả đã đạt được, chính sách hậu phương đối với người có công với đất nước còn một số hạn chế cần tiếp tục giải quyết: Nhiều trường hợp người tham gia cách mạng bị chết, bị thương hoặc mất tin chưa được các cơ quan có trách nhiệm kết luận, hàng vạn người mẹ, người vợ liệt sĩ vẫn mong đợi thông tin chính thức về phần mộ của người thân... Chế độ trợ cấp ưu đãi còn thấp; những sai sót, nhầm lẫn, tiêu cực trong thực hiện chính sách, chế độ xảy ra ở một số nơi đã gây phiền hà cho người hưởng chính sách.

Từ thực trạng trên, trong thời gian tới, nhằm khắc phục những hạn chế, thiếu sót còn tồn tại, đồng thời để thực hiện tốt tư tưởng nhân văn cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và chủ trương của Đảng đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục quán triệt, chủ động tuyên truyền và vận dụng sáng tạo thực hiện tư tưởng nhân văn cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh, gia đình liệt sĩ trong thời kỳ mới.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước ta, tích cực triển khai đồng bộ, thống nhất và kịp thời tất cả chính sách ưu đãi đối với thương binh, gia đình liệt sĩ. Tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách, bảo đảm đầy đủ yêu cầu về phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn nhằm thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta đối với thương binh, gia đình liệt sĩ.

Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về chủ trương, chính sách, pháp luật đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, về truyền thống đạo lý "uống nước nhớ nguồn", xã hội hóa công tác chăm sóc thương binh, gia đình chính sách và người có công; tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình tình nghĩa, như: xây dựng "Quỹ đền ơn đáp nghĩa", nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa…; chăm sóc, giúp đỡ thương, bệnh binh nặng, bố mẹ liệt sĩ già yếu, cô đơn, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, ưu tiên đào tạo và tạo việc làm đối với con thương binh, bệnh binh, con liệt sĩ và người có công.

Bốn là, tập trung nguồn lực giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn đọng trong công tác chính sách sau chiến tranh. Hoàn thành cơ bản công tác xác nhận thương binh, liệt sĩ và một số đối tượng khác; tiếp tục tiến hành khảo sát, tìm kiếm, phát hiện, quy tập hài cốt liệt sĩ, nhất là ở các xã biên giới, các vùng căn cứ cách mạng, các phần mộ liệt sĩ trên đất nước bạn…

Năm là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, động viên và tạo điều kiện để thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công tích cực tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất kinh doanh; góp phần ổn định và nâng cao đời sống của chính các đối tượng, gia đình chính sách, xứng đáng người công dân kiểu mẫu, gia đình cách mạng gương mẫu.

Để hiện thực hóa mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh là làm cho thương binh, gia đình liệt sĩ được "Yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần và có dịp tham gia hoạt động ích lợi cho xã hội". Toàn Đảng, toàn dân ta cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác "Đền ơn đáp nghĩa" đối với những người và gia đình có công với đất nước, thực hiện những mục tiêu về công tác thương binh liệt sỹ và người có công là nâng cao mức sống về vật chất, tinh thần, cơ bản bảo đảm gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn; giảm bớt một phần khó khăn trong cuộc sống cho thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Đó là tình cảm, trách nhiệm và cũng là bổn phận của toàn xã hội.

Lê Thị Cẩm Tú-Nguyễn Thị Thanh Huyền
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Chú thích:

 (1). Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh một văn kiện lịch sử, Nxb CTQG, HN. 2009, tr.52.

 (2), (4). Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, HN. 2011, t.9, tr. 223

 (3). 117 Chuyện kể về Tấm gương đạo đức HCM, Nxb CTQG

 (5). Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, HN. 2011, t.5, tr. 584.

 (6) Hồ Chí Minh với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ, Nxb QĐND, HN 1987

 (7) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, HN. 2011, t.4, tr.306

 (8), (9). Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, HN. 2006, t.7, tr.558

(10). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb CTQG, HN. 1996, tr, 115

 (11). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, HN. 2001, tr. 301l

 (12), (13). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng TW Đảng, HN. 2016, tr. 31, 137.

.

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×