Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

50 năm giữ vững lời thề làm theo Di chúc Bác Hồ

10/08/2019 | 11:10

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vĩnh biệt chúng ta, ngày 2/9/1969, trong giờ phút thiêng liêng tiễn biệt Người, giữa quảng trường Ba Đình, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn thay mặt toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tuyên đọc năm lời thề.

Năm lời thề danh dự vang lên đau thương, hào sảng, tha thiết, chất chứa bao tình cảm với người chiến sĩ cách mạng lỗi lạc, vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu đã ra đi, tỏ rõ quyết tâm đoàn kết một lòng nguyện thực hiện lời Người căn dặn trong Di chúc. 50 năm qua, mỗi bước đi của dân tộc luôn gắn liền với tư tưởng và cuộc đời cách mạng vô cùng sôi nổi, đẹp đẽ của Người. Lý tưởng cùng muôn vàn tình thân yêu Người để lại mãi soi đường chỉ lối cho Đảng, cho nhân dân quyết đem lá cờ bách chiến bách thắng của Người tới đích cuối cùng.

50 năm giữ vững lời thề làm theo Di chúc Bác Hồ - Ảnh 1.

Ảnh tư liệu

1. Giương cao mãi mãi ngọn cờ độc lập dân tộc, quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước để thoả lòng mong ước của Người

Để hiện thực hóa niềm tin cuộc kháng chiến chống Mỹ "nhất định thắng lợi hoàn toàn" (1)  trong Di chúc, nhân dân cả nước đồng lòng vượt mọi gian khổ, quyết thắng giặc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: "Chúng con chiến đấu hy sinh/ Tấm lòng son sắt, đinh ninh lời thề" (2). Niềm tin cùng hình ảnh bất tử của Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn dắt quân dân đến trận tấn công cuối cùng vào sào huyệt quân thù. Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, người trực tiếp chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn nhớ lại: "Trong khu rừng căn cứ Lộc Ninh, giữa tiếng ầm vang của hàng đoàn xe tăng, xe kéo pháo chạy ngoài đường, tiếng chuông reo của hàng chục máy điện thoại, tiếng thảo luận của các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần, đêm nằm suy nghĩ chúng tôi nhớ đến những lời dạy của Bác Hồ khi Người còn sống, nhớ rõ những lời dặn thiêng liêng trong Di chúc của Người. Nhắc đến cuộc đời của Bác hy sinh tất cả cho sự nghiệp cách mạng, nhớ đến tên Bác đã được đặt cho thành phố Sài Gòn, Bộ chỉ huy chiến dịch nhất trí gửi một bức điện về Bộ Chính trị đề nghị được đặt tên chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn với ý nghĩa và quy mô lớn nhất trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc: Chiến dịch Hồ Chí Minh" (3). Ngày 30/4/1975, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên thành phố Sài Gòn. Ở bên kia bán cầu, ngày 12/5/1975, tạp chí Time dành gần như toàn bộ số báo hôm đó nói về sự kiện quan trọng nhất thế giới bấy giờ: chiến tranh Việt Nam đã kết thúc. Trang bìa tạp chí có bức họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản đồ Việt Nam màu đỏ, ngôi sao vàng ở vị trí của Sài Gòn được chú thích: "Ho Chi Minh City" và dòng tít lớn: "The Victor" (Người chiến thắng).

Sau bao đợi chờ, gian khổ, hy sinh, lời thề đầu tiên trước anh linh Hồ Chủ tịch đã trọn vẹn. Tình cảm của nhân dân đối với Người được Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn thể hiện sâu sắc trong Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ IV (tháng 12/1976): "Trong giờ phút quang vinh này, chúng ta vô cùng xúc động tưởng nhớ tới Bác Hồ muôn vàn kính yêu, vì Bác của chúng ta không còn nữa để tham dự Đại hội lịch sử này. Nhưng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta rất tự hào đã thực hiện một cách xuất sắc Di chúc thiêng liêng của Bác. Điều mong muốn và lời căn dặn thiết tha nhất của Bác hôm nay đã trở thành sự thật. Đế quốc Mỹ đã vĩnh viễn cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta đã hoàn toàn độc lập, thống nhất và đang tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đồng bào Nam Bắc đã sum họp một nhà. Đại biểu tình cảm sâu sắc nhất của đồng bào và chiến sĩ cả nước, Đại hội xin kính dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại chiến công thắng Mỹ, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Bác" (4). Sau khi miền Nam giải phóng, kiên định lý tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn, đất nước bước ngay vào công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế, nỗ lực trên con đường công nghiệp hoá - "con đường ấm no thật sự của nhân dân".

2. Đem hết sức mình tiếp tục phấn đấu thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa cao đẹp mà Người đã vạch ra cho giai cấp công nhân và nhân dân ta, đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho đồng bào

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, "Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ" (5). Với ham muốn tột bậc "làm cho dân có ăn. Làm cho dân có mặc. Làm cho dân có chỗ ở. Làm cho dân có học hành" (6), Di chúc viết năm 1968 dày đặc những dòng chữ chồng chéo lên nhau, gạch xóa, vòng xuống, vòng lên, mực xanh lẫn mực đỏ căn dặn ngay sau khi cuộc chống Mỹ cứu nước hoàn toàn thắng lợi, phải "mau chóng hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra", "phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót, sai lầm"; "phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân" (7).

Thực hiện lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, cách mạng Việt Nam đã trải qua nhiều thử thách to lớn, nặng nề, phức tạp. Đảng lãnh đạo nhân dân thực hiện nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc trong hoàn cảnh đặc biệt: tiếng súng ở miền Nam vừa chấm dứt, chiến tranh lại diễn ra ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Mỹ và các nước tư bản bao vây, cấm vận, cô lập Việt Nam. Chúng ta tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội từ nền kinh tế phổ biến là sản xuất nhỏ, nông nghiệp là chủ yếu, hậu quả chiến tranh tàn phá nặng nề trên phạm vi cả nước chưa khắc phục được. Cùng lúc đó, ta lại mắc phải sai lầm chủ quan duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan. Hậu quả là kinh tế phát triển chậm, sản xuất trì trệ, khủng hoảng trầm trọng. Bên cạnh khó khăn trong nước, tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, khủng hoảng dẫn đến tan rã chế độ xã hội chủ nghĩa ở một số nước Đông Âu và Liên Xô. Thực tế đó cho thấy mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu cũ không còn thích hợp, đòi hỏi Đảng phải có bước đi mới "chiến đấu chống lại những gì cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi". Đại hội Đảng lần thứ VI (tháng 12/1986) đưa ra đường lối đổi mới và được Đại hội VII (tháng 6/1991), Đại hội VIII (tháng 6/1996), Đại hội IX (tháng 4/2001) tiếp tục hoàn thiện, phát triển. Đường lối đổi mới tìm ra con đường đi lên xã hội chủ nghĩa phù hợp với điều kiện đất nước. Sự cộng hưởng giữa trách nhiệm, quyết tâm chính trị của Đảng với ý nguyện lòng dân tha thiết đã làm cho tư duy đổi mới nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống, lôi cuốn, thúc đẩy tất cả nhập cuộc với đổi mới, hành động để đổi mới. Qua hơn 30 năm đổi mới và gần 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991), Việt Nam đã thu được những thành tựu quan trọng. Đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, tạo được tiền đề cần thiết chuyển sang thời kỳ phát triển mới - đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời giải quyết hiệu quả quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; mở rộng cơ hội phát triển cho mọi thành phần kinh tế, khuyến khích, phát huy sáng tạo nhân dân. Từ năm 2009, Việt Nam đã ra khỏi danh sách nước nghèo trên thế giới. An sinh xã hội cơ bản được đảm bảo, đặc biệt là giảm nghèo, giải quyết việc làm, phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội, chính sách ưu đãi người có công, phúc lợi xã hội, tạo điều kiện để người dân hưởng thụ nhiều hơn về văn hóa, y tế, giáo dục.

Qua những chặng đường đầy thử thách, ghi nhớ lời căn dặn "phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân", Đảng luôn nỗ lực thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa cao đẹp, cố gắng "làm trọn nhiệm vụ người đày tớ trung thành tận tụy" làm cho hạnh phúc nhân dân mãi nảy nở như hoa mùa xuân.

3. Hết lòng hết sức giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình, tǎng cường sức chiến đấu của Đảng, làm hạt nhân cho khối đoàn kết toàn dân, bảo đảm cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam hoàn toàn thắng lợi

Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức chăm lo xây dựng Đảng thành khối đoàn kết, thống nhất vững mạnh. Trong Di chúc, Người cǎn dặn các đồng chí từ Trung ương đến chi bộ phải gìn giữ truyền thống đoàn kết cực kỳ quý báu như "giữ gìn con ngươi của mắt mình" và phải có tình thương yêu đồng chí. Đồng chí Vũ Kỳ kể lại buổi sáng ngày 10/5 và 11/5/1966, Bác đọc chăm chú từng câu, từng chữ trong Tài liệu tuyệt đối bí mật nhưng không viết gì thêm, có lúc cầm bút lên lại đặt xuống. Trong những ngày từ 12-14/5/1966, Bác ghi một câu đặc biệt quan trọng ở phần kết: "Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng". Bác viết liền sau đó: "Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau". Sau một năm, Bác chỉ dặn thêm chúng ta một câu như thế. Chỉ một câu thôi nhưng suy cho cùng đó là điểm cơ bản nhất của vấn đề đoàn kết. Bởi nếu không xuất phát từ "tình đồng chí thương yêu lẫn nhau" thì dù có "tự phê bình và phê bình", "có tinh thần đấu tranh thẳng thắn" cũng không hiệu quả (8).

Thấm nhuần tư tưởng đoàn kết nhất trí trong Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ Đại hội IV đến Đại hội XII đều nhấn mạnh thực hiện nghiêm túc, hiệu quả tự phê bình và phê bình, không ngừng xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu trong những tình hình mới, giữ vững niềm tin nhân dân. Khi để xảy ra khuyết điểm, sai lầm, thái độ của Đảng luôn thẳng thắn tự phê bình để tiến bộ. Báo cáo chính trị thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ V nêu rõ: "Chúng ta chú trọng kiểm điểm những mặt yếu kém, phân tích sâu sắc những sai lầm và khuyết điểm" (9), nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đổi mới tư duy lý luận, giải quyết những vấn đề gay gắt, nóng bỏng đang đặt ra cho công cuộc xây dựng XHCN. Diễn văn khai mạc Đại hội Đảng lần thứ VII (tháng 6/1991) khẳng định: "Giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, Đảng và nhân dân ta tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, quyết tâm thực hiện những mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Đó là sự lựa chọn duy nhất đúng" (10). Nếu công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây hết sức gian khổ, ác liệt thì nhiệm vụ xây dựng đất nước cũng cực kỳ phức tạp. Xã hội không còn thuần nhất như trước, nâng cao ý thức tự phê bình và phê bình "như rửa mặt mỗi ngày" trong cán bộ, đảng viên thật khó không kém. Để đưa tự phê bình và phê bình thành nền nếp trong sinh hoạt Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: "Mỗi người phải có tinh thần tự giác rất cao, có tình thương yêu đồng chí thật sự và phải có dũng khí đấu tranh thẳng thắn, chân tình. Quá trình kiểm điểm phải thực sự nghiêm túc, không làm lướt, làm qua loa, chiếu lệ" (11). Tại hội nghị tiếp xúc cử tri quận Ba Đình năm 2018, Tổng Bí thư thông báo kết quả kiểm điểm cấp Trung ương: chưa bao giờ Đảng có cuộc phê bình và tự phê bình kéo dài như thời gian qua - từ đầu tháng 5 đến tháng 7. Việc kiểm điểm công phu từ khâu chuẩn bị lấy ý kiến, tài liệu (có bộ hơn 2.000 trang), trung ương tiến hành trong 21 ngày; 4 lãnh đạo cấp cao kiểm điểm trong 5 ngày. Ban Chấp hành Trung ương dành 5 ngày góp ý, bỏ phiếu… Kết quả kiểm điểm cơ bản đạt yêu cầu, song không phải là kết quả cuối cùng, việc tự phê bình và phê bình phải làm đi làm lại, thường xuyên" (12). Giữ vững lời thề đoàn kết, thường xuyên, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, 50 năm qua, Đảng luôn nỗ lực xứng đáng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, để Đảng do Người sáng lập "vĩ đại vì bao trùm cả nước" mà "gần gũi tận trong lòng của mỗi đồng bào", "ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng không có lợi ích gì khác" như Người hằng mong muốn.

4. Luôn luôn phát huy tình cảm quốc tế trong sáng của Hồ Chủ tịch, thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc Đông Dương; ra sức ủng hộ phong trào cách mạng của nhân dân các nước, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người xây nhịp cầu hữu nghị mãi mãi nối liền bàn tay, khối óc và trái tim của nhân dân Việt Nam với bạn bè năm châu bốn biển. Cho đến những ngày cuối đời, Người vẫn vun đắp cho tình hữu nghị quốc tế, vẫn nhắc nhở trung thành với nguyên tắc cao cả của chủ nghĩa quốc tế vô sản. Di chúc Người để lại không những phản ánh tâm hồn cao đẹp, đạo đức trong sáng, "muôn vàn tình thân yêu" của lãnh tụ với Tổ quốc, với nhân dân, mà với cả phong trào cách mạng thế giới, với bạn bè khắp năm châu, với tất cả những ai đang đấu tranh cho tự do, độc lập, cho hoà bình, công lý, cho cơm áo và hạnh phúc con người. Sáng ngày 13/5/1965, Người viết về phong trào cộng sản thế giới: "Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế", "Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác Lê nin và chủ nghĩa quốc tế vô sản có lý có tình" (13).

Theo lý tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam luôn tích cực củng cố sự đoàn kết nhất trí của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trên cơ sở của chủ nghĩa Mác Lê nin, chủ nghĩa quốc tế vô sản; ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và CNXH. Chúng ta đã tăng cường liên minh chiến đấu, hình thành thế liên hoàn vững chắc chưa từng có của cách mạng Đông Dương, tăng cường đoàn kết chiến đấu, hợp tác toàn diện với Liên Xô, gia nhập Hội đồng tương trợ kinh tế, mở rộng hợp tác với các nước XHCN anh em. Lăng của Chủ tịch Hồ Chí Minh giữa Thủ đô là "biểu hiện sáng ngời của mối tình Xô – Việt đời đời bền vững" và tượng đài hùng vĩ nhất để kỷ niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tình hữu nghị Đông Dương là những thắng lợi lịch sử ba nước giành được: Việt Nam thống nhất trên nền tảng xã hội chủ nghĩa, cách mạng dân tộc dân chủ thắng lợi ở Lào và Lào bước vào con đường xây dựng CNXH, cách mạng Campuchia thắng lợi, chấm dứt chế độ Pôn-pốt đẫm máu, tạo điều kiện cho nhân dân Campuchia xây dựng lại cuộc sống mới. Dưới ngọn cờ hữu nghị quốc tế do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, Việt Nam luôn kề vai sát cánh với các lực lượng tiến bộ, sẵn sàng góp sức vì hòa bình, ổn định và phát triển của các quốc gia, khu vực. Tháng 2/2019, việc Việt Nam được các bên đề nghị là nước chủ nhà Hội nghị cấp cao Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai đã thể hiện uy tín và những đóng góp tích cực vào các công việc chung. Một sự kiện quốc tế hàng đầu với kỳ vọng lớn về nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên tổ chức tại Hà Nội vào dịp Thủ đô kỷ niệm 20 năm UNESCO trao danh hiệu Thành phố vì hòa bình khẳng định hình ảnh thân thiện, an toàn và vai trò một quốc gia thành viên Liên hợp quốc có trách nhiệm, tích cực đóng góp vào nỗ lực hòa giải, kiến tạo hòa bình ở khu vực và thế giới. Dù bối cảnh quốc tế nhiều thay đổi song Đảng vẫn kiên định chân lý Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các chiến sĩ xuất sắc đấu tranh cho sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản đã chứng minh bằng cả cuộc đời cách mạng của mình: người nào yêu Tổ quốc, yêu nhân dân mình tha thiết thì cũng không khi nào phản bội lại các lý tưởng của tình đoàn kết quốc tế và ngược lại chỉ những người theo chủ nghĩa quốc tế một cách kiên định thì mới là người yêu nước chân chính, mới đem lại lợi ích to lớn cho Tổ quốc mình, nhân dân mình. Thực hiện lời dặn của Người, nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình đang bền bỉ nỗ lực góp phần vun đắp cho tình hữu ái quốc tế mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

5. Suốt đời học tập đạo đức, tác phong của Người, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, rèn luyện mình thành những chiến sĩ trung thành với Đảng, với dân, xứng đáng là đồng chí, là học trò của Hồ Chủ Tịch. Noi gương Người, toàn thể nhân dân ta, thanh niên ta nguyện ra sức trau dồi mình thành những con người mới, làm chủ đất nước, làm chủ xã hội mới, mang lá cờ bách chiến bách thắng của Hồ Chủ tịch tới đích cuối cùng

Trong loạt bài "Di sản của Hồ Chí Minh" đăng trên tờ World Daily (Mỹ), số ra ngày 20/9/1969 có đoạn: "Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật vĩ đại nhất trong thời đại mà cuộc đời và các tác phẩm còn sống mãi. Nhà lãnh đạo Việt Nam vĩ đại này đã để lại một di sản tinh thần thôi thúc ý chí mọi người và thúc đẩy những hành động lớn lao trong sự nghiệp tự do và chủ nghĩa cộng sản!" (14). Với nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng sáng ngời về đạo đức cách mạng, tấm gương hy sinh, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người không chỉ đấu tranh, mưu cầu cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, mà còn để lại mai sau di sản tinh thần vô giá tiếp tục soi sáng sự nghiệp đấu tranh vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đó là di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức Hồ Chí Minh, phong cách Hồ Chí Minh. Trong cách mạng giải phóng dân tộc hay trong xây dựng CNXH, khẩu hiệu "Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta" luôn là tiếng nói của tình cảm, lý tưởng và trí tuệ.

Để gắn học tập theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, Đảng đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết quan trọng. Ngày 27/3/2003, Ban Bí thư khoá IX ban hành Chỉ thị 23-CT/TW về đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới. Trước yêu cầu tăng cường công tác tư tưởng, năm 2006, Bộ Chính trị quyết định tổ chức cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn dân, tạo sự chuyển biến về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sâu rộng. Sau khi cuộc vận động kết thúc, Bộ Chính trị tiếp tục lần lượt ban hành Chỉ thị 03-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (năm 2011) và Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (năm 2016). Thiết thực học tập và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên cạnh nghiên cứu sâu về tư tưởng, cần quan tâm tìm hiểu cuộc sống đời thường đã trở thành kinh điển để lại cho đời sau không chỉ hình bóng và tư tưởng của một con người mà còn in dấu của một trong những thời kỳ hào hùng nhất lịch sử dân tộc. Khi soi vào cuộc đời rất bình dị nhưng vô cùng vĩ đại ấy, chúng ta cảm nhận được tầm vóc của một danh nhân, thật lớn lao mà gần gũi, sống động mà thuyết phục và tìm thấy nhiều bài học lớn. Những đức tính quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh không tự nhiên mà có. Người đã không ngừng học tập, lao động, chiến đấu và nâng mình lên, từng bước hấp thụ tinh hoa dân tộc, tinh hoa nhân loại mà trở thành bất tử. Rèn luyện theo gương Hồ Chủ tịch, nhân dân ta, thanh niên ta đã đoàn kết nỗ lực, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Trong lao động, sản xuất, chiến đấu, học tập xuất hiện nhiều điển hình hăng hái xung phong, vượt khó vươn lên, nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nhiều giải thưởng trên các lĩnh vực… có sức lan tỏa mạnh mẽ để hàng ngày giáo dục lẫn nhau, để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới, mang lá cờ bách chiến bách thắng của Người đến đích cuối cùng.

Qua nửa thế kỷ, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là văn kiện lịch sử chứa đựng giá trị tư tưởng to lớn của một trí tuệ mẫn tiệp, nhìn xa trông rộng và thấm đẫm chủ nghĩa nhân văn cao cả cho mọi thời đại. Vĩnh biệt Người, Đảng và nhân dân luôn giữ vững những lời thề: Xây dựng đất nước phồn vinh, Nhân dân hạnh phúc; Giữ gìn khối đoàn kết toàn dân, tăng cường sức chiến đấu của Đảng; Góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội và suốt đời học tập đạo đức, tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trau dồi thành những con người mới, làm chủ đất nước, làm chủ xã hội mới. Trên hành trình thực hiện lời thề sông núi, tư tưởng, đạo đức, phong cách của vị lãnh tụ "thể phách đã mất mà tinh anh muôn thuở vẫn còn" mãi mãi là sao sáng dẫn đường cho Đảng, cho dân. Nghĩ về Chủ tịch Hồ Chí Minh lại thấy lòng trong sáng hơn, lời thề son sắt 50 năm vẫn thúc giục cả dân tộc bền lòng vững bước "nguyện cùng Người vươn tới mãi/ Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn" (15).

Nguyễn Thị Thu Hằng
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Chú thích:

(1) Bác Hồ viết Tài liệu tuyệt đối bí mật, NXB Lý luận chính trị, tr45

(2) Trích thơ "Sáng tháng Năm", Tố Hữu

(3) E.Cô-bê-lép, Đồng chí Hồ Chí Minh, NXB Thanh niên, tr531

(4) E.Cô-bê-lép, Đồng chí Hồ Chí Minh, NXB Thanh niên, tr533-534

(5) Báo Cứu quốc số 139, ngày 11/1/1946

(6) Báo Cứu quốc số 139, ngày 11/1/1946

(7) Trích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

(8) Vũ Kỳ, Thư ký Bác Hồ kể chuyện, NXB Chính trị quốc gia, tr333-334

(9) Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam trong sạch, vững mạnh, NXB Thông tin và truyền thông, tr289

(10) Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam trong sạch, vững mạnh, NXB Thông tin và truyền thông, tr300

(11) Tự phê bình và phê bình – Vũ khí sắc bén ngăn chặn suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống cho cán bộ, đảng viên hiện nay, Trang tin điện tử Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 6/3/2013

(12) Nêu gương tự phê bình và phê bình và xây dựng Đảng về đạo đức, Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam ngày 26/10/2018

(13) Trích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

(14) Chủ tịch Hồ Chí Minh trong con mắt người nước ngoài, Trang tin điện tử Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 22/1/2013

(15) Trích thơ Bác ơi, Tố Hữu

.

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×