4 thác nước "đẹp như tranh vẽ" của Việt Nam xuất hiện trên tem bưu chính
18/08/2022 | 16:33Bộ tem “Thác nước Việt Nam” đã giới thiệu vẻ đẹp của 4 thác nước nổi tiếng dọc mảnh đất hình chữ S.
Mới đây, ngày 15/8, với mục đích quảng bá hình ảnh đất nước, con người và danh lam thắng cảnh của Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam vừa chính thức phát hành bộ tem “Thác nước Việt Nam”, bao gồm thác Dải Yếm (tỉnh Sơn La), thác Mây (tỉnh Thanh Hoá), thác Pongour (tỉnh Lâm Đồng) và thác Suối Tranh (tỉnh Kiên Giang). Được biết, bộ tem gồm 4 mẫu tem do họa sỹ Nguyễn Đức Lân thiết kế trên khổ tem 43x32(mm).
Thác Dải Yếm
Nằm ở xã Mường La, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, thác Dải Yếm còn có các tên gọi khác là “thác Nàng”, “thác Bản Vặt”. Sở hữu khung cảnh thiên nhiên hữu tình, ngọn thác này được xem là biểu tượng, là "viên ngọc quý" của cao nguyên Mộc Châu. Thác cao khoảng hơn 100 m và được chia thành hai phần.
Người dân bản Vặt - một bản của người Thái có lịch sử rất lâu đời - truyền tai nhau về truyền thuyết của thác Dải Yếm. Sở dĩ cái tên này xuất phát từ câu chuyện của một cặp đôi người dân tộc Thái phải chia xa vì chiến tranh. Tuy nhiên, sau chiến tranh, chàng trai chẳng trở về còn cô gái ngày ngày leo lên đỉnh dòng thác chờ đợi với lời hứa son sắt khi xưa. Một hôm, cô gái bị trượt chân rơi xuống, dân làng tìm chẳng thấy cô đâu mà chỉ thấy dải yếm thêu tên hai người mắc vào cành cây. Dải yếm chính là biểu tượng cho tình yêu của đôi trai gái...
Thác Mây
Nằm ở thôn Đăng Thượng, xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá, thác Mây còn gọi là thác “chín bậc tình yêu” nằm giữa cánh rừng nguyên sinh đổ xuống từ đỉnh núi Thạch Lâm với độ cao khoảng 100 m, với 9 bậc thác gối lên nhau tạo nên những con nước mềm mại như đường lượn sóng của một dải lụa trắng. Ngoài chín bậc thác chính tại đây còn có bậc thác cha, thác mẹ và thác con. Hai bên là những cây cổ thụ to luôn tỏa bóng mát xuống dòng thác.
Theo người dân nơi đây tương truyền rằng, thác Mây vốn là một dòng nước chảy êm ả. Nhưng một ngày nọ, có 9 nàng tiên bay ngang qua và bị "hút hồn" bởi vẻ đẹp của thác nên đã dừng xuống tắm. Đang vui vẻ chơi đùa, 9 nàng tiên nhận được lệnh quay trở lại cung của Ngọc Hoàng nên các nàng vội vã bay về trời, để lại 9 dấu chân chính là 9 bậc thác nối liền nhau.
Thác Pongour
Với tên gọi khác là thác Bảy Tầng, nằm ở vùng đất xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, thác Pongour sở hữu vẻ đẹp tuyệt vời như một bức tranh thủy mặc. Khu thung lũng hạ lưu của thác cũng là địa điểm thích hợp cho cắm trại và nghỉ dưỡng.
Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa, vùng đất Phú Hội - Tân Hội - Tân Thành bấy giờ do một nữ tù trưởng người K’Ho xin đẹp tên là Kanai cai quản. Nàng có tài chinh phục thú dữ phục vụ lợi ích con người, trong đó có bốn con tê giác to lớn khác thường, luôn tuân lệnh Kanai dời non ngăn suối, khai phá nương rẫy trồng bắp, gieo lúa và sẵn sàng xung trận chiến đấu chống kẻ thù, bảo vệ buôn làng. Nhờ đó, cuộc sống cộng đồng ngày càng sung túc, thanh bình.
Mùa xuân năm ấy, đúng ngày rằm tháng Giêng, nàng nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng. Bốn con tê giác quanh quẩn đêm ngày không rời thân chủ nửa bước, chẳng buồn ăn uống cho đến chết... Bỗng một sáng bình minh vừa hé, mọi người hết sức ngạc nhiên khi thấy nơi nàng yên nghỉ sừng sững ngọn thác đẹp tuyệt trần. Thì ra, suối tóc Kanai đã hoá thành làn nước trong xanh, mát rượi, tung bọt trắng xoá.
Thác Suối Tranh
Tọa lạc tại ấp suối Mây, xã Dương Tơ, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, thác Suối Tranh bắt nguồn từ các dòng suối nhỏ trên dãy núi Hàm Ninh. Năm 1963, trong một lần đi qua nơi này, nhà thơ Đông Hồ đã quá ấn tượng với vẻ đẹp đẹp như tranh vẽ của dòng suối này nên đã đặt tên là Suối Tranh. Dù không phải là một thác nước lớn nhưng khung cảnh tuyệt đẹp của thác Suối Tranh hấp dẫn du khách ngay từ lần đầu ghé thăm.