Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Yên Bái phát huy nguồn lực từ văn hóa dân tộc

17/04/2023 | 10:21

Xác định giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, Yên Bái có nhiều chính sách, tập trung nguồn lực để làm tốt việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn. Đến nay, toàn tỉnh có 132 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, 60 di sản văn hóa phi vật thể đã được bảo tồn.

Yên Bái phát huy nguồn lực từ văn hóa dân tộc - Ảnh 1.

Yên Bái phát huy nguồn lực từ văn hóa dân tộc - Ảnh 2.

Ông Phùng Thế Hoàng - Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) cho biết: "Những năm qua, ngành đã nỗ lực tham mưu và triển khai thực hiện hiệu quả nhiều nhóm nhiệm vụ và giải pháp trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Từ đó, đạt nhiều kết quả rất tích cực, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy phát triển du lịch”.

Đến nay, toàn tỉnh Yên Bái có 132 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng các cấp; trong đó, có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc gia, 119 di tích cấp tỉnh.

Hiện tại, có 7 di tích quốc gia đã được đầu tư tu bổ, tôn tạo; 71 di tích cấp tỉnh đã được tu bổ, tôn tạo và phục hồi từ ngân sách tỉnh và nguồn vốn xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân công đức, thiện nguyện; 91 di tích đã có biển chỉ dẫn.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, hàng năm, Bảo tàng tỉnh đã thực hiện tu bổ, tôn tạo các di tích vật thể trên địa bàn. Công tác tu bổ, tôn tạo được triển khai nghiêm túc, dưới sự quản lý của các cơ quan chuyên môn và theo quy định của Luật Di sản văn hóa (DSVH). Cơ bản hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh đã được bảo vệ, tu bổ đảm bảo sự tồn tại và tính nguyên gốc...

Hàng năm, Bảo tàng tỉnh tổ chức từ 5-7 cuộc nghiên cứu, điền dã, thám sát thăm dò khảo cổ học. Nổi bật là các nghiên cứu về nhóm di tích bãi đá khắc cổ ở huyện Mù Cang Chải, các di chỉ, di tích khảo cổ học thuộc thời đại Hậu kỳ Đá mới - Sơ kỳ Kim khí lưu vực sông Hồng, về các sự kiện, nhân vật lịch sử thời kỳ Cận - hiện đại…

Xác định DSVH là tài sản quý báu của cộng đồng các dân tộc, những năm qua, Yên Bái đã triển khai kịp thời, đồng bộ nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị DSVH nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân, giáo dục truyền thống, quảng bá hình ảnh, vùng đất, con người Yên Bái đến với du khách.

Yên Bái phát huy nguồn lực từ văn hóa dân tộc - Ảnh 3.

Du khách tham quan Di tích Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải.

Bên cạnh các hoạt động tu bổ, tôn tạo, tỉnh đã đầu tư kinh phí khảo sát, lập hồ sơ khoa học xếp hạng từ 7 - 8 di tích cấp tỉnh mỗi năm. Đối với văn hóa phi vật thể, hiện, tỉnh có 574 DSVH phi vật thể, 1 di sản được UNESCO ghi danh vào Danh sách DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại; 5 DSVH được Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia.

Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 60 DSVH phi vật thể đã được bảo tồn ở các cấp, trong đó có 1 văn hóa phi vật thể được ghi danh vào danh sách DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại, 4 DSVH phi vật thể được đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia, 4 DSVH phi vật thể được bảo tồn theo chương trình mục tiêu quốc gia về bảo tồn văn hóa và 51 DSVH phi vật thể được lập hồ sơ bảo tồn theo chỉ tiêu kế hoạch hằng năm.

Yên Bái đã triển khai nhiều hoạt động phong phú từng bước bảo tồn, phát huy giá trị DSVH và trao truyền những giá trị truyền thống. Theo đó, các chuyên đề, tổng hợp các tư liệu bảo tồn DSVH phi vật thể cấp tỉnh được xây dựng; các dự án bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số theo chương trình mục tiêu phát triển văn hóa được quan tâm triển khai; các đợt kiểm kê DSVH phi vật thể tại 9/9 huyện, thị xã, thành phố được tổ chức. Tỉnh đã xây dựng, triển khai hiệu quả các đề án bảo tồn các giá trị di sản văn hóa của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn.

Yên Bái phát huy nguồn lực từ văn hóa dân tộc - Ảnh 4.

Hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc được triển khai sâu rộng và tạo sự lan tỏa, nhất là trong thế hệ trẻ như: đưa các làn điệu dân ca, dân vũ phù hợp vào trường học; duy trì các câu lạc bộ tuyên truyền "Đất và người Yên Bái” tại các huyện, thị xã, thành phố; tiếp tục triển khai "Giờ ra chơi với các làn điệu dân tộc” tại các trường học...

Hệ thống thiết chế văn hóa được tăng cường đầu tư, nâng cao chất lượng. Hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật phát triển tích cực. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong quần chúng nhân dân được phát triển mạnh mẽ. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nâng lên rõ rệt.

Bên cạnh đó, các đợt tổng kiểm kê đã giúp đưa ra số liệu về từng tộc người và các nhóm địa phương tộc người trên địa bàn toàn tỉnh thông qua các loại hình như: tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống; tri thức dân gian...

Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả đạt được, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn còn một số khó khăn. Một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức rõ vai trò của DSVH trong phát triển kinh tế - xã hội, chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Yên Bái phát huy nguồn lực từ văn hóa dân tộc - Ảnh 5.

Hội thi khéo tay làm cốm tại Lễ hội Cơm mới đền Đông Cuông, huyện Văn Yên.

Nhận thức của người dân về công tác bảo tồn và phát huy giá trị DSVH, đặc biệt là DSVH phi vật thể của dân tộc còn nhiều hạn chế, chưa có ý thức trong việc bảo lưu, truyền bá văn hóa của dân tộc mình cho thế hệ kế tiếp. Việc khai thác tiềm năng, giá trị DSVH lớn để phát triển du lịch còn hạn chế. Nhiều DSVH phi vật thể có nguy cơ bị thất truyền.

Công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu DSVH chưa thường xuyên. Hạ tầng giao thông và hệ thống các thiết chế, cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa thiếu đồng bộ; nguồn kinh phí đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, tôn tạo di tích còn hạn chế; công tác xã hội hóa chưa đáp ứng so với yêu cầu.

Môi trường không gian duy trì văn hóa truyền thống đang dần bị hạn chế; nguyên vật liệu phục vụ các hoạt động văn hóa truyền thống ngày càng khan hiếm; nhiều loại hình văn hóa truyền thống đang bị mai một và mất đi; nguồn kinh phí, nhân lực còn hạn chế; một số địa phương chưa quan tâm sát sao trong công tác tuyên truyền về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn.

Thời gian tới, ngành VH-TT&DL sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, trao truyền trong lớp trẻ các loại hình văn hóa truyền thống của dân tộc; thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, phát huy vai trò của các nghệ nhân tiêu biểu trong cộng đồng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu văn hóa truyền thống các dân tộc của tỉnh thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa trong và ngoài tỉnh…

Yên Bái phát huy nguồn lực từ văn hóa dân tộc - Ảnh 6.

Đến với thị xã Nghĩa Lộ, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh sắc tuyệt đẹp của cánh đồng lúa lớn thứ 2 Tây Bắc - Mường Lò, dòng Nậm Thia hiền hòa hay những tuyến đường hoa ban rực rỡ mà còn được trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo cộng đồng dân tộc Thái nơi đây.

Một sớm cuối tuần đặt chân đến Mường Lò, dạo quanh một vòng bản làng, tìm hiểu văn hóa dân tộc nơi đây, chị Đinh Thu Hương đến từ thành phố Hà Nội chia sẻ: "Từng đi qua nhiều vùng đất Tây Bắc, tìm hiểu nhiều nét văn hóa dân tộc của các địa phương nhưng tôi thật sự ấn tượng với những nét văn hóa của người dân tộc Thái ở Mường Lò. Ấn tượng rõ nét nhất để lại trong tôi là sự trân quý, gìn giữ nét đẹp truyền thống của mỗi người. Nhiều nơi tôi đi qua, trẻ em đã không còn biết nói tiếng dân tộc mình. Ở đây thì khác, trẻ em đều nghe, nói được, thậm chí văn hóa truyền thống dân tộc Thái được dạy từ trong các nhà trường. Rồi đến trang phục, tiếng nói, chữ viết, nếp nhà sàn, món ăn hàng ngày cũng được gìn giữ, bảo tồn tốt”.

Anh Nguyễn Đức Lộc đến từ thành phố Đà Nẵng cho biết: "Đây là lần thứ 2 tôi trở lại thị xã Nghĩa Lộ để khám phá những nét đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái. Mỗi lần được hòa vào vòng xòe, tay trong tay bên ánh lửa hồng bập bùng xua tan màn đêm lạnh giá, tôi lại thấy thêm yêu vùng đất, con người nơi đây. Hy vọng, mỗi năm, tôi lại có điều kiện trở lại với du lịch Mường Lò một lần”.

Hiện nay, thị xã có trên 72.500 người, có 21 dân tộc anh em cùng sinh sống, dân tộc Thái chiếm gần 52% tổng dân số. Nhiều năm qua, xác định, văn hóa các dân tộc nói chung và dân tộc Thái nói riêng chính là một sản phẩm du lịch độc đáo để góp phần thúc đẩy phát triển du lịch.

Thị xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy nét đẹp truyền thống dân tộc. Hàng năm, thị xã quan tâm mở các lớp dạy chữ Thái cổ, dạy múa xòe, dạy chế tác và sử dụng khèn bè của người Thái; trong đó, chú trọng đến đối tượng là thế hệ trẻ. Đưa nghệ thuật xòe Thái vào các trường học, tạo thành nét sinh hoạt đặc sắc.

Yên Bái phát huy nguồn lực từ văn hóa dân tộc - Ảnh 7.

Bên cạnh đó, các em học sinh còn được phụ nữ ở các xã, phường dạy cách thêu thùa, may vá... để biết cách tạo nên những bộ trang phục dân tộc, những đồ lưu niệm được du khách yêu thích. Qua đó, giúp các em có hiểu biết cơ bản về văn hóa dân tộc Thái, thêm yêu, ý thức hơn trong việc giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc mình đồng thời phát triển nghề thủ công, may mặc ở địa phương. Thị xã còn thành lập Câu lạc bộ Bảo tồn tri thức bản địa. Đây là nơi tập hợp, đoàn kết những người am hiểu, nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân tộc.

Đặc biệt, để phát huy giá trị Nghệ thuật Xòe Thái - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, thu hút, giới thiệu văn hóa Thái đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước, đều đặn tháng 9 hàng năm, tại thị xã Nghĩa Lộ diễn ra Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò với "đặc sản” là diễu diễn đường phố và vòng đại xòe hấp dẫn.

Ông Đinh Anh Tuấn - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Bản sắc văn hóa của các vùng miền, các dân tộc, các quốc gia chính là điều tạo nên sức hấp dẫn với khách du lịch đến từ vùng miền, hay quốc gia khác. Thị xã Nghĩa Lộ, có thế mạnh là nơi hội tụ nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, đặc biệt là dân tộc Thái. Mường Lò vốn được mệnh danh là vùng đất tổ của người Thái đen.

Vì vậy, nhiều năm qua, thị xã đã xây dựng thương hiệu du lịch trên cơ sở bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là bước đi lâu dài, bền vững cho du lịch thị xã, hướng tới xây dựng Nghĩa Lộ trở thành thị xã văn hóa - du lịch, xứng tầm là trung tâm văn hóa - thương mại - du lịch phía Tây của tỉnh. Lượng khách đến thị xã ngày một đông, riêng 3 tháng đầu năm, thị xã đón 69.000 lượt khách du lịch, doanh thu đạt 47 tỷ đồng”.

Yên Bái phát huy nguồn lực từ văn hóa dân tộc - Ảnh 8.

Một lớp học chữ Thái cổ của học sinh Mường Lò.

Việc gìn giữ văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái gắn với du lịch của thị xã Nghĩa Lộ đã tạo nên chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Thời gian tới, cùng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, người dân Mường Lò cũng cần nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm, nhân lên niềm tự hào, chú trọng giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình, để bản sắc văn hóa ngày càng phát triển và du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Yên Bái phát huy nguồn lực từ văn hóa dân tộc - Ảnh 9.

Được ví như những người giữ hồn cốt quê hương, những nghệ nhân ưu tú vẫn miệt mài sưu tầm, truyền dạy các di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc mình cho thế hệ trẻ. Câu chuyện lưu giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc nhờ có họ mà trở nên thuận lợi hơn.

Từ bao đời nay, then đã trở thành một loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian truyền thống của người Tày xã Hưng Khánh, Trấn Yên.

Từ nhỏ, ông Hoàng Kế Quang ở thôn 6, xã Hưng Khánh đã được cha - vốn là một thầy then có tiếng trong vùng truyền dạy.

Mê hát then từ năm 12 tuổi, ông Quang thường xuyên tham gia những lễ hội và đắm say trong các làn điệu múa then, xòe then, khắp then, hát cọi... Yêu then, ông dành thời gian sưu tầm các làn điệu hát then của đồng bào Tày để truyền dạy cho con cháu. Ông đã giúp cho các khu dân cư thành lập đội văn nghệ.

Miệt mài truyền dạy cho học trò những điệu hát, múa then, xòe then và đánh đàn tính, ông mong muốn giúp các bạn trẻ thêm hiểu, thêm yêu nét đẹp văn hóa dân tộc mình. Cùng với cây đàn tính, nghệ nhân Hoàng Kế Quang đã tham gia rất nhiều hội diễn, liên hoan và giành không ít giải thưởng. Năm 2015, ông Quang được Chủ tịch nước ký tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian tỉnh Yên Bái vì đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc.

Yên Bái phát huy nguồn lực từ văn hóa dân tộc - Ảnh 10.

Nghệ nhân Ưu tú Triệu Quý Tín (bên phải) ở xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên dạy chữ viết, văn hóa truyền thống của người Dao cho thế hệ trẻ.

Nghệ nhân Ưu tú Lò Văn Biến ở bản Cang Nà, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ được coi là "pho sử sống” của văn hóa Thái. Nghệ nhân Lò Văn Biến đã dành hết tâm huyết để yêu, lan tỏa tình yêu văn hóa Thái đến với người Thái ở khắp các bản làng. Từ những hiểu biết sâu rộng về văn hóa Thái, ông đã có nhiều đóng góp trong việc khôi phục, gìn giữ nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo sinh hoạt Hạn khuống hay cách làm, thổi khèn bè…

Đáng ghi nhận hơn cả là công lao của ông trong việc khôi phục 6 điệu xòe cổ mang hồn cốt của đất Mường Lò. Nhờ vậy, đến nay, không khí của xòe, tinh thần của xòe đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người Thái Mường Lò.

Có thể khẳng định, nghệ nhân ưu tú có vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển di sản văn hóa phi vật thể. Họ là những hạt nhân cốt lõi của di sản văn hóa trực tiếp tham gia sáng tạo, lưu giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể từ thế hệ này sang thế hệ khác mà các di sản văn hóa phi vật thể không bị mai một và tiếp tục được cộng đồng trân trọng, giữ gìn.

Những năm qua, tỉnh đã quan tâm triển khai thực hiện việc trao tặng, vinh danh danh hiệu nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Qua vinh danh, ghi nhận, tôn vinh những công lao to lớn của nghệ nhân ưu tú có nhiều cống hiến trong hành trình miệt mài gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống dân tộc. Yên Bái hiện có 15 cá nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự Nghệ nhân Ưu tú di sản văn hóa phi vật thể. Các nghệ nhân ưu tú của tỉnh chủ yếu nắm giữ và thực hành các loại hình di sản văn hóa phi vật thể như: nghệ thuật trình diễn dân gian, lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng.

Việc phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú có ý nghĩa quan trọng, không chỉ là sự ghi nhận, đánh giá cao đối với những đóng góp to lớn của các nghệ nhân mà còn cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với những người tài năng và tâm huyết với di sản văn hóa dân tộc. Với các nghệ nhân ưu tú trước hay sau khi được tặng danh hiệu cao quý, họ vẫn luôn cháy bỏng đam mê, âm thầm gìn giữ và trao truyền những vốn quý của di sản văn hóa cho cộng đồng và thế hệ trẻ…

Theo Báo Yên Bái

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×