Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Xung quanh việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung ương Cục Miền Nam, tỉnh Tây Ninh

27/09/2011 | 21:53

Hội thảo quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung ương Cục Miền Nam, tỉnh Tây Ninh vừa qua đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các cấp lãnh đạo, các nhà nghiên cứu và công chúng cho thấy tính chất quan trọng của sự việc này.

Hội thảo đề cập nhiều nội dung và nhiệm vụ trước mắt và lâu dài đặt ra đối với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh để huy động trí tuệ và nguồn lực với quyết tâm biến Khu di tích trở thành niềm tự hào, là trường học về giáo dục lịch sử truyền thống của dân tộc. Những yêu cầu đặt ra đó đang thôi thúc những người có trách nhiệm hướng tới một chương trình hành động cụ thể, khẩn trương, thiết thực và có ý nghĩa sâu sắc cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Các công việc bảo tồn, tôn tạo đã và đang triển khai như hồi ký về Trung ương Cục Miền Nam, bức tranh hoành tráng tái hiện chiều sâu của di tích gắn với bề dày lịch sử Việt Nam, việc tạo dựng các bia tưởng niệm và các công việc tôn tạo khác. Tuy nhiên, để nâng tầm cho di tích với ý nghĩa quốc gia thì hoạt động bảo tồn, tôn tạo không tách rời phát huy giá trị của di tích thông qua hoạt động du lịch. Hội thảo chứng kiến những khuynh hướng khác nhau với lo ngại về những hoạt động du lịch có tác động nhiều chiều đối với di tích làm cho mục tiêu bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khó đạt được.

Với tính chất nhạy cảm, những hành vi thiếu cân nhắc sẽ tác động tiêu cực tới di tích. Một mặt đòi hỏi công tác sưu tầm, biên tập và lưu giữ những nguồn thông tin, hình ảnh, hiện vật gắn với di tích cần khẩn trương thực hiện bởi lẽ những nhân chứng lịch sử không thể chờ đợi chúng ta. Mặt các công việc tái tạo, phục dựng di tích đòi hỏi những bước đi cẩn trọng để phản ánh đúng nguyên gốc của lịch sử. Sự hạn chế về kinh nghiệm, eo hẹp về kinh phí đang là khó khăn, thách thức trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích Trung ương Cục Miền Nam, tỉnh Tây Ninh trước những mong đợi của các bậc lão thành, các cấp lãnh đạo và toàn thể nhân dân.

Không thể phủ nhận những cố gắng to lớn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Uỷ ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh mà cụ thể là Ban quản lý các khu di tích tỉnh Tây Ninh cùng các Bộ, Ban, ngành liên quan để có được quần thể khu di tích như hôm nay. Nhưng những cố gắng đó chưa đủ để đáp ứng nguyện vọng của tất cả chúng ta và của chính khu di tích. Vấn đề đặt ra là giải pháp nào để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị cho Khu di tích một cách thiết thực, khả thi và bền vững.

Di tích bản thân nó phải có nội dung và muốn có giá trị nó phải “biết nói”. Ở đây di tích hàm chứa phần hữu hình “phần cứng” và phần vô hình “phần mềm” trong mỗi chi tiết của mình. Việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích phải tiến hành đồng thời cả phần cứng và phần mềm. Đối với phần mềm có ý nghĩa quyết định đến giá trị nhưng lại được thể hiện thông qua phần cứng hiện hữu và được cảm nhận bởi người thăm viếng.Từ triết lý đó, các công cụ, phương tiện truyền tải giá trị di tích phải tới được người chiêm ngưỡng di tích tức là khách tham quan. Như vậy, chính khách tham quan mới đích thực là người bảo tồn, tôn tạo và làm sáng tỏ giá trị của di tích. Hoạt động du lịch chính là con đường đưa khách tham quan đến với di tích để làm cho di tích có giá trị đúng với chính nó; làm cho di tích có hồn và sống lại với thời gian. Lật lại vấn đề, nếu không có khách tham quan, bản thân di tích sẽ không được chiêm ngưỡng, cảm nhận và biết đến rộng rãi và do vậy sẽ không phát huy được giá trị, thậm chí trở lên vô nghĩa, vô hồn. Khi đó, di tích không những nhanh chóng xuống cấp mà mai một và biến mất. Mặt khác, nếu không tổ chức tốt việc bảo tồn, tôn tạo gắn với tham quan du lịch, khai thác di tích không đúng quy cách, không có quy hoạch thì chính hoạt động khai thác tham quan “bừa bãi” sẽ nhanh chóng tàn phá di tích.

Những lý lẽ trên không mới chút nào. Tuy nhiên để biến thành hành động cụ thể trong quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung ương Cục Miền Nam, tỉnh Tây Ninh, cần cân nhắc những yếu tố sau:

Thứ nhất, hoạt động tham quan du lịch cần được tổ chức bài bản, chủ động quảng bá, thu hút khách từ xa. Hiện tại, các đoàn tham quan được tổ chức tự phát, mang tính nội bộ của cơ quan gửi khách tới mà chưa có thông tin giới thiệu cũng như sự kết nối, đón tiếp và phục vụ của Ban quản lý di tích đối với các kênh thu hút khách. Ban quản lý di tích cần có nghiên cứu đánh giá nhu cầu của các nhóm đối tượng khách để xây dựng nội dung thông tin quảng bá tới từng nhóm đối tượng khách, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, cựu chiến binh, đối tượng khách công đoàn, khách lễ hội và khách du lịch về nguồn. Những thông tin, hình ảnh, sách giới thiệu, hồi ký Trung ương Cục Miền Nam, thông tin hướng dẫn tham quan... phải được phổ biến rộng rãi thông qua các kênh thông tin đại chúng.

Riêng đối với đối tượng học sinh, sinh viên, nội dung thông tin về di tích Trung ương Cục Miền Nam phải được lồng ghép trong chương trình giáo dục lịch sử trong nhà trường. Nhà nước cũng cần có chính sách giáo dục thể hiện trong chương trình giáo dục đào tạo để khuyến khích và hỗ trợ các trường thực hiện giáo dục lịch sử tại thực địa khu di tích Trung ương cục Miền Nam cũng như các di tích lịch sử khác. Hoạt động tham quan di tích đó chính là nội dung bài giảng lịch sử sống động nhất cho học sinh, sinh viên.

Thứ hai, việc tổ chức dịch vụ phục vụ tham quan phải được kết nối giữa Ban quản lý di tích với các công ty lữ hành, các cơ quan đơn vị gửi khách tới, hệ thống hạ tầng giao thông, thông tin và hệ thống dịch vụ đi kèm: Nếu coi Khu di tích trở thành một trường học về giáo dục lịch sử thì “trường học” đó phải có nơi truyền tải và tiếp nhận thông tin về giá trị của di tích tới “người học” là khách tham quan; có nơi ăn, nghỉ, nơi giao lưu gắn với cộng đồng địa phương.

Đồng thời, việc bố trí nơi trưng bày, diễn giải, truyền tải, nơi ăn, nghỉ, dịch vụ phải hài hòa, không làm phá vỡ không gian di tích. Những công trình dịch vụ phải tách biệt với di tích nhưng đảm bảo sự tiếp cận thuận tiện. Những biển báo, chỉ dẫn tham quan và gìn gữ di tích phải được bố trí sao cho khách tham quan dễ tiếp thu và thực hiện. Nếu coi Khu di tích là một bảo tàng mở sống động thì việc tổ chức cho khách tham quan phải có quy trình và chương trình chi tiết được kết hợp giữa đại diện chủ nhân di tích với các nhà cung cấp dịch vụ để khách được đón tiếp và phục vụ chu đáo theo quy định hướng dẫn của Ban quản lý di tích.
Việc xây dựng các công trình dịch vụ phải tuân thủ đúng quy hoạch; hoạt động dịch vụ phải tuân thủ quy định của Khu di tích.

Như vậy Khu di tích cần có các khu chức năng như: khu đón tiếp; khu trưng bày, giới thiệu sơ đồ mạng lưới địa điểm, hiện vật di tích; khu dịch vụ ăn, nghỉ, giải trí và các hoạt động giao lưu kết nối với cộng đồng địa phương. Ở đây đối tượng thanh niên sinh viên với mục tiêu tham quan học tập lịch sử là tâm điểm thì nhất thiết phải có loại hình nhà nghỉ thanh niên (Youth Hostel). Đón tiếp các bậc lão thành, cựu chiến binh phải có nơi chăm sóc sức khỏe...

Việc kết nối mạng lưới giao thông thuận tiện là cần thiết vì vậy cần thiết có tuyến xe buýt thường xuyên từ Thị xã Tây Ninh tới Trung ương Cục cũng như từ Thành phố Hồ Chí Minh tới Thị xã Tây Ninh. Thông tin về di tích đi kèm với thông tin về các tuyến xe và dịch vụ tại Khu di tích phải được quảng bá từng bước trở lên quen thuộc với đại chúng.

Thứ ba, đảm bảo giá trị cảm nhận cho khách tham quan, giá trị thụ hưởng du lịch: Trước hết những hình ảnh, hiện vật của di tích phải được tôn tạo đúng nguyên gốc đồng thời phải được mô tả, diễn giải theo diễn biến lịch sử gắn với những thời điểm, chiến công, nhân chứng... Giá trị vô hình của di tích phải được biên tập và thể hiện thông qua các phương tiện nghe nhìn đa dạng. Giá trị hữu hình và vô hình của di tích phải được chuyển thể thành thông tin truyền tải tới khách tham quan. Hơn ai hết lực lượng thuyết minh viên tại di tích phải được đào tạo, trang bị đủ kiến thức, kỹ năng để hướng dẫn, thuyết minh làm cho khách cảm thụ được từng chi tiết của di tích. Những hoạt động tập thể, trình diễn, tái hiện lịch sử diễn ra tại di tích sẽ mang lại gía trị cảm nhận sâu sắc cho du khách.

Thứ tư,
nguồn thu từ khách tham quan và sự đáp lại “trả ơn” của khách tham quan đối với di tích: Việc tổ chức tham quan có quy trình chặt chẽ chu đáo được kiểm soát sức tải của di tích mang lại giá trị thụ hưởng cho khách tham quan. Đáp lại, khách tham quan sẽ là người chi trả cho dịch vụ tham quan, ăn, nghỉ, giải trí tại đây. Nguồn thu đó trở thành nguồn kinh phí chính cho việc quản lý, vận hành, bảo tồn, tôn tạo cho di tích. Sự đền ơn di tích sẽ được khách tham quan tự nguyện dâng hiến. Từ thực tế đó Khu di tích có thể hình thành “quỹ bảo tồn di tích”. Không thể ngờ vực, khi khách tới tham quan sau khi cảm nhận và hiểu về giá trị của di tích thì không một ai có thể từ chối đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào việc bảo tồn, gìn giữ, tôn tạo di tích.

Thứ năm, thổi hồn cho di tích với tình cảm thiêng liêng trong lòng khách tham quan: Tâm linh là thế giới tinh thần trong con người. Với quá khứ, con người luôn tìm tòi tới hiện thân giá trị phản ánh sự tồn tại của hiện tại gắn với quá khứ và tương lai. Mỗi con người khi tìm được trong mình sự dung cảm về quá khứ trước sự cảm nhận hiện hữu của di tích thì sẽ thấy di tích trở lên có ý nghĩa, có hồn và linh thiêng. Tổ chức họat động tham quan tại Khu di tích cần đạt tới những giá trị thiêng liêng mang đến cho du khách. Muốn vậy, từ việc thông tin, quảng bá tới việc đón tiếp, trưng bày, giới thiệu và phục vụ phải đạt tới mức tinh tế. Đồng thời xâu chuỗi những hoạt động đó phải gửi gắm một thông điệp khắc sâu trong lòng du khách. Thông điệp đó chính là hồn của di tích và là lý do để khách đến với di tích.

Thay lời kết, hoạt động tham quan du lịch sẽ là tác nhân chính tạo động cơ và nguồn lực cho việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung ương Cục Miền Nam, tỉnh Tây Ninh. Nơi đây sẽ là điểm sáng của hoạt động du lịch gắn với văn hóa lịch sử là bài học thành công trong công tác bảo tồn khi quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung ương Cục Miền Nam, tỉnh Tây Ninh đi vào hiện thực.

TS. Hà Văn Siêu
(Nguồn www.itdr.org.vn)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×