Xúc động những bộ phim khắc họa chân dung Bác Hồ
21/05/2025 | 13:59Trong khuôn khổ chương trình Những ngày phim Việt Nam kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp nối các buổi chiếu phim, ngày 20-21/5, tại rạp Ngọc Khánh (523 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội), khán giả đã tiếp tục được thưởng thức hai bộ phim "Hà Nội mùa đông năm 46" và "Thầu Chín ở Xiêm".
Phim truyện Hà Nội mùa đông năm 46 được sản xuất năm 1997 do NSND Đặng Nhật Minh đạo diễn. Tác phẩm kể về mùa đông năm 1946, thực dân Pháp khiêu khích, leo thang phá hoại nền dân chủ non trẻ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Để có thêm thời gian củng cố lực lượng, xây dựng chính quyền, chính phủ lâm thời tạm ký hòa ước với Pháp. Nhưng "chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa". Và đến ngày 19/12/1946, toàn quốc kháng chiến…

Quang cảnh buổi chiếu phim
Bộ phim có sự tham gia của NSƯT Tiến Hợi, diễn viên Ngô Quang Hải, Võ Hoài Nam, Hoa Thúy, Quách Thu Phương, Mai Thu Huyền…
Bộ phim đã đạt được nhiều giải thưởng như: Giải Bông sen bạc; Đạo diễn xuất sắc nhất; Giải quay phim xuất sắc nhất; Giải nhạc sĩ xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 12 năm 1999; Giải A của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 1997 cho thể loại phim truyện nhựa; Giải B của Bộ Quốc phòng trao tặng cho các tác phẩm văn học, nghệ thuật Việt Nam xuất sắc về đề tài quốc phòng và lực lượng vũ trang…
Còn phim truyện "Thầu Chín ở Xiêm" là tác phẩm của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, sản xuất năm 2015. Bộ phim xoay quanh những diễn biến cuộc sống của Nguyễn Ái Quốc giai đoạn 1928-1929. Lúc này, Người đã trải qua 17 năm hoạt động ở nhiều quốc gia, về đến Thái Lan và có mật danh là Thầu Chín. Bộ phim có sự tham gia diễn xuất của Mạnh Trường, Văn Phượng…

Nhiều khán giả đã có mặt từ rất sớm, háo hức chờ đón được xem các bộ phim
Tại rạp Ngọc Khánh vào những buổi chiếu phim, nhiều khán giả đã có mặt từ rất sớm, háo hức chờ đón được xem các bộ phim trên màn ảnh rộng.
Ông Tiến Dũng (62 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: "Cả ba bộ phim Hẹn gặp lại Sài gòn, Hà Nội mùa đông năm 1946, Thầu chín ở Xiêm được chiếu trong dịp này tôi đã đều được xem trước đó. Nhưng đến hôm nay khi xem lại, những thước phim ấy vẫn khiến cho tôi rất xúc động. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải cảm ơn các nhà làm phim đã thực hiện những bộ phim này, họ đã khắc họa hình tượng của Bác rất chân thật, qua đó giúp cho nhân dân có thể hiểu về con người của Bác dù chưa được gặp Bác bao giờ. Tôi mong trong thời gian tới, Viện Phim Việt Nam sẽ tổ chức thêm nhiều hoạt động chiếu phim như này hơn nữa để qua đó tuyên truyền cho nhân dân, đặc biệt thế hệ trẻ hiểu hơn về con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về cách mạng Việt Nam".
Khép lại Những ngày phim Việt Nam kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tập phim đã gây xúc động cho nhiều người xem, đặc biệt các bạn trẻ. Bởi, nhờ những tác phẩm điện ảnh này họ mới có cơ hội được tìm hiểu về hành trình đấu tranh bảo vệ nền độc lập tự do cho đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của các thế hệ cha anh../.