Xu hướng du lịch đến với các tộc người thiểu số cùng những nét văn hoá chỉ có trong quá khứ
29/10/2024 | 20:03Xu hướng tìm về những nền văn hoá khác lạ, hay những nét văn hoá chỉ có trong quá khứ, ngày càng tỏ rõ hấp lực đối với con người trong xã hội hiện đại
Trong bài viết "Làng đời sống, làng du lịch…"của nhóm tác giả Nguyễn Phước Bảo Đàn, TS. Lê Anh Tuấn, ThS. Hoàng Thị Ái Hoa (Phân Viện Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế) có đề cập đến xu hướng du lịch đã và đang được nhiều du khách quan tâm và lựa chọn. Đó là du lịch đến với các tộc người thiểu số, chưa bị ảnh hưởng của sự văn minh đang được quan tâm chú ý ở nhiều nước.
Nhóm tác giả cho biết, trong khoảng thời gian gần đây, loại hình du lịch đến với các bản làng người thiểu số, đến với văn hoá các cộng đồng tộc người đã và đang là xu hướng của nhiều quốc gia lấy du lịch làm mũi nhọn, và trên thực tế, loại hình này ngày càng thu hút nhiều đối tượng du khách v.v...
Xu hướng tìm về những nền văn hoá khác lạ, hay những nét văn hoá chỉ có trong quá khứ, ngày càng tỏ rõ hấp lực đối với con người trong xã hội hiện đại. E. Cohen, trong một nghiên cứu ở Chiang Mai (Thái Lan), đã nhận định: "Những du khách tìm kiếm đầu tiên và trước nhất là cuộc sống của bộ tộc chân thực và chưa bị ảnh hưởng của sự văn minh, và họ cũng dễ dàng từ bỏ nếu thấy bất kỳ một yếu tố văn minh nào.
Từ đối tượng, nhu cầu, thị hiếu của du khách, trong rất nhiều dẫn chứng, khách hàng của những tour du lịch miền núi, ngoài bộ phận thích khám phá, phiêu lưu, có nhu cầu tìm về cội nguồn, những nền văn hoá đã mất, còn có sự tham gia của những người giàu có, mong muốn hưởng thụ một môi trường dễ chịu và an toàn, tìm về với thiên nhiên hoang dã, tạm thời lánh xa sự nhộn nhịp, náo nhiệt của xã hội công nghiệp hiện đại. Du lịch đến các tộc người thiểu số là phạm vi quan tâm của những du khách thích sự yên bình; số đông họ thuộc độ tuổi trung niên, tầng lớp trung lưu, những người phụ thuộc chủ yếu vào các cơ sở du lịch và thực hiện hành trình của mình với ước muốn về một môi trường dễ chịu và an toàn.
Lối sống, cung cách sinh hoạt trong bản làng, cùng vốn văn hoá truyền thống của cộng đồng các tộc người thiểu số được xem là tương phản sâu sắc với nền văn minh thành thị phương Tây hiện đại. Chính vì vậy, khi quảng bá cho những tour du lịch, một tờ quảng cáo ở Chiang Mai đã nói rõ: "Các thành phố đã trở nên nhàm chán? Mong đợi sự thay đổi? Chúng tôi biết rằng rất nhiều du khách đã nhàm chán với cuộc sống thành phố và đang tìm kiếm những nơi mới để mang lại cho họ sự mới mẻ".
Người ta cho rằng các tộc người miền núi là hiện thân của tính mới lạ đó, bởi rất nhiều nguyên nhân và văn minh chưa đến với họ. Tham quan và tìm hiểu đời sống văn hoá của các tộc người thiểu số được xem là một phát hiện văn hoá đối với những du khách đang tìm kiếm sự thay đổi. Nhiều du khách tham gia loại hình du lịch này, khi tiếp xúc với sản phẩm thủ công của các tộc người thiểu số được bày bán ở quầy hàng lưu niệm, hầu hết đều bị thuyết phục trước sự mộc mạc, vẻ hoang sơ, huyền bí, nhưng cũng không kém phần tinh tế, và tỏ rõ ước muốn được tận mắt quan sát.
Nắm bắt được thị hiếu này, nhiều quốc gia trên thế giới đã tổ chức và thực hiện thành công việc khai thác những giá trị văn hoá của các tộc người thiểu số phục vụ du lịch, nâng cao được nhiều chỉ số phát triển, cũng như góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn văn hoá truyền thống người thiểu số. Làng người Da đỏ ở Massachusete (Hoa Kỳ); làng người H'Mông, Karen, Shan, Lahu v.v. ở Chiangmai, Chang Rai (Thái Lan); làng Zhaoxing, Gaozeng v.v... [dân tộc Dong - tây nam Guizhou (Quý Châu - Trung Quốc); Làng Văn hoá Dân gian Trung Quốc v.v. là những ví dụ điển hình.
Hay ở Việt Nam, các địa danh như Bản Lác (Mai Châu); Tả Pìn, Nậm Toóng, Tả Van, Cát Cát v.v. (Sa Pa), thôn Dỗi (Nam Đông - Thừa Thiên Huế), Khu du lịch sinh thái Pan - Hau ở Thông Nguyên (Hoàng Su Phì, Hà Giang); Làng du lịch sinh thái Nậm An (Bắc Quang, Hà Giang); Làng du lịch sinh thái cộng đồng ở Đạ Chair (Đạ Sar, Lâm Đồng); Khu du lịch văn hóa - sinh thái ở Buôn Ðôn (Buôn Ðôn, Đắk Lắk); Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội); Làng Văn hoá Dân tộc thiểu số Bhờ Hôồng (Đông Giang - Quảng Nam); Làng Văn hoá Dân tộc thiểu số Đhờ Rôồng (Đông Giang - Quảng Nam); Làng Văn hoá Dân tộc thiểu số Làng Gừng (Đông Giang - Quảng Nam); Làng dệt thổ cẩm Zara (Nam Giang - Quảng Nam); Làng Prơ ning (xã Lăng), Làng Tà Vàng (xã Bha Lê), Làng Truyền thống Cơ tu (Tây Giang - Quảng Nam); Làng Teng (Ba Tơ - Quảng Ngãi) đã thể nghiệm bước đầu thành công trong việc giới thiệu văn hoá tộc người qua việc tham quan, cùng sinh hoạt với người dân bản và bán các sản phẩm thủ công truyền thống dưới hình thức hàng lưu niệm.
Có thể nói, với mô hình cũng như xu thế du lịch này đã và đang được ưa chuộng thì vấn đề đặt ra là làm sao mở rộng, phát huy khai thác hiệu quả bên cạnh việc giữ gìn những nét văn hoá đặc sắc cũng như cảnh quan còn nguyên bản mỗi nơi.