Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về văn học nghệ thuật: Tôn vinh những cuộc đời cống hiến

23/02/2022 | 15:34

27 tác phẩm, cụm tác phẩm được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh; 144 tác phẩm, cụm tác phẩm đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật sau khi được đăng tải lấy ý kiến trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ VHTTDL đang được Hội đồng cấp Nhà nước hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xét trình Chủ tịch nước. Một lần nữa, công chúng được gặp gỡ những tên tuổi gạo cội của nền văn học nghệ thuật nước nhà trong danh sách đề nghị xét tặng các Giải thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước.

Xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về văn học nghệ thuật: Tôn vinh những cuộc đời cống hiến - Ảnh 1.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.

Và thêm một lần nữa, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật được đón chờ như một sự kiện tôn vinh xứng đáng nhất dành cho những cuộc đời tận tâm cống hiến.

Những tên tuổi gạo cội

Danh sách đề nghị xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh" về văn học, nghệ thuật năm 2021 gồm 27 hồ sơ, trong đó: Lĩnh vực Âm nhạc (5 hồ sơ); Lĩnh vực Điện ảnh (1 hồ sơ); Lĩnh vực Múa (5 hồ sơ); Lĩnh vực Mỹ thuật (5 hồ sơ); Lĩnh vực Nhiếp ảnh (2 hồ sơ); Lĩnh vực Sân khấu (3 hồ sơ); Lĩnh vực Văn học (6 hồ sơ).

Danh sách đề nghị xét tặng "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật năm 2021 gồm 144 hồ sơ, trong đó: Lĩnh vực Âm nhạc (37 hồ sơ); Lĩnh vực Điện ảnh (21 hồ sơ); Lĩnh vực Kiến trúc (1 hồ sơ); Lĩnh vực Múa (15 hồ sơ); Lĩnh vực Mỹ thuật (12 hồ sơ); Lĩnh vực Nhiếp ảnh (15 hồ sơ); Lĩnh vực Sân khấu (10 hồ sơ); Lĩnh vực Văn học (26 hồ sơ); Lĩnh vực Văn nghệ dân gian (7 hồ sơ).

Đây là những hồ sơ được ít nhất 80% tổng số thành viên Hội đồng cấp Nhà nước có mặt tại cuộc họp bỏ phiếu đồng ý, đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xét trình Chủ tịch nước tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật.

Công chúng yêu mến văn học, nghệ thuật một lần nữa được gặp những tên tuổi gạo cội, nổi tiếng trong danh sách các hồ sơ được đề nghị xét tặng các Giải thưởng cao quý lần này. Danh sách đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh có nhà văn Kim Lân, nhà thơ Hoàng Trung Thông, nhà văn Bùi Hiển, nhà thơ Thanh Thảo, Nguyễn Khoa Điềm; nhạc sĩ Hồng Đăng, Văn Ký, Phạm Minh Tuấn; họa sĩ Bùi Trang Chước, Trần Huy Oánh, Lê Công Thành, nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành… Danh sách đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước có tên nhạc sĩ Đoàn Bổng, Y Phôn KSơr, NSND Nguyễn Thước, KTS Hoàng Thúc Hào…

Nhạc sĩ Hồng Đăng được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh với cụm tác phẩm gồm các ca khúc Lênh đênh, Đêm hành hương về huyền thoại, Buổi tối chuyện một căn nhà nhỏ, Khao khát, Gửi một câu hát cho Tokyo. Người yêu nhạc Việt ấm lòng gọi tên ông, người nhạc sĩ vẫn luôn được nhớ đến với các ca khúc lãng mạn nổi tiếng như Hoa sữa, Lênh đênh, Biển hát chiều nay… Năm 2001, nhạc sĩ Hồng Đăng cũng đã được vinh danh với Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm Biển hát chiều nay, Hoa sữa, Quà tháng năm, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ và hợp xướng Lửa rực cháy. Tháng 10.2021, tác giả của những giai điệu Hoa sữa nồng nàn cũng đã được trao Giải thưởng Lớn "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" bởi những cống hiến xuất sắc cho nền âm nhạc Thủ đô.

Cũng trong lĩnh vực âm nhạc, nhạc sĩ Văn Ký được đề nghị truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh với các tác phẩm: Giao hưởng thơ Ru con, Ca khúc Tiến lên thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh, Hà Nội mùa xuân… Tên tuổi của ông gắn liền với những ca khúc đậm chất trữ tình, trong sáng và được nhiều công chúng yêu thích như: Tây Nguyên bất khuất, Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi, Nha Trang mùa thu lại về, Trời Hà Nội xanh, Hà Nội mùa xuân, Bài ca hy vọng… Nhạc sĩ Văn Ký đã viết khoảng 400 nhạc phẩm, trong đó có ca khúc, ca kịch, nhạc múa, giao hưởng... Với những cống hiến của mình, nhạc sĩ đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật vào năm 2001.

Lĩnh vực văn học đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho những tên tuổi gạo cội như nhà văn Kim Lân (Nguyễn Văn Tài) với hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng gồm 3 truyện ngắn: Ông Cản ngũ, Con chó xấu xí, Ông lão hàng xóm; nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm với tập thơ Nguyễn Khoa Điềm thơ tuyển; nhà thơ Hoàng Trung Thông (Đặc Công, Bút Châm) với các tập thơ: Đường chúng ta đi, Những cánh buồm, Đầu sóng, Tiếng thơ không dứt; nhà văn Bùi Hiển với tập truyện ngắn: Trong gió cát, tập truyện Hoa và thép, tập truyện Tâm tưởng...

Trong số những tên tuổi này, tác giả Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân là một trong các tác giả được nhiều thế hệ độc giả yêu mến. Ông bắt đầu viết truyện ngắn từ năm 1941. Kim Lân viết nhiều về nông thôn Việt Nam, về cuộc sống lam lũ vất vả của người nông dân thời kỳ đó. Ông nổi tiếng với các tác phẩm văn học như Vợ nhặt, Làng… Sau Cách mạng Tháng Tám, Kim Lân tiếp tục làm báo, viết văn. Ông vẫn chuyên về truyện ngắn và vẫn viết về làng quê Việt Nam. Trong cả hai giai đoạn sáng tác, tuy viết không nhiều nhưng giai đoạn nào Kim Lân cũng có những tác phẩm hay. Là một cây bút truyện ngắn vững vàng, ông đã viết về cuộc sống và con người ở nông thôn bằng tình cảm, tâm hồn của một người vốn là con đẻ của đồng ruộng. Ngoài sáng tác văn học, nhà văn Kim Lân còn tham gia đóng phim và kịch. Bút danh Kim Lân của ông được lấy từ tên của nhân vật Đổng Kim Lân trong Tuồng Sơn Hậu, một vai ông đã từng diễn. Một số vai tiêu biểu ông tham gia diễn xuất có thể kể đến như vai lão Hạc trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy, Lý Cựu trong phim Chị Dậu, cụ lang Tâm trong phim Hà Nội 12 ngày đêm… Năm 2001, nhà văn Kim Lân được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Đợt xét tặng này, công chúng yêu văn học Việt Nam chờ đợi Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý gọi tên ông.

Xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về văn học nghệ thuật: Tôn vinh những cuộc đời cống hiến - Ảnh 2.

Nhà văn Kim Lân.

Tôn vinh những cuộc đời cống hiến

Trong danh sách đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, lĩnh vực điện ảnh có 1 hồ sơ của NSƯT Phan Thế Dõng (Trần Nhu, Nguyệt Hải) với các phim tài liệu Du kích Củ Chi, Hạt lúa vành đai, Đội nữ pháo binh Long An. Lĩnh vực múa có NSND Đặng Hùng (Đặng Phải, Bồng Sơn) với các tiết mục múa: Nước về, Vũ khúc Raklây, Óng ánh tơ vàng; NSND Vũ Việt Cường với tiết mục múa Mâm vàng, tổ khúc múa Sài Gòn ngày ấy, kịch múa Chuyện tình non sông; PGS. TS.NSND Ứng Duy Thịnh với kịch múa Đất nước, sách Con đường dân gian đến sáng tạo múa chuyên nghiệp, kịch múa Ngọn lửa…

Lĩnh vực mỹ thuật có hồ sơ của họa sĩ Nguyễn Văn Chước (Bùi Trang Chước) với cụm tác phẩm: Thiết kế mẫu "Huân chương": Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động; thiết kế mẫu Quốc huy Việt Nam; tác phẩm: Khu gang thép Thái Nguyên; họa sĩ Trần Huy Oánh với sách tranh truyện: Bác Hồ sống mãi (Tất cả vì Tổ quốc thân yêu), tập tranh Ký họa thời chiến; nhà điêu khắc Lê Công Thành với các tác phẩm Tượng Quảng trường mẹ Âu Cơ, Chim Hòa Bình, Tượng thờ Bác Hồ…

Lĩnh vực nhiếp ảnh có hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng của nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành, với bộ ảnh Hai người lính, gồm 4 ảnh: Tay bắt mặt mừng, Hai người lính, Cầu Quảng Trị, Những bàn tay lưu luyến; nhà nhiếp ảnh Võ Nguyên Nhân (Võ An Khánh) với bộ ảnh: Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang (10 ảnh)…

Ở lĩnh vực sân khấu có các tác giả Hoàng Châu Ký với sách Tuồng cổ, Kịch bản sân khấu Thanh gươm chủ chiến, kịch bản sân khấu Trần Quý Cáp; tác giả Nguyễn Xuân Trình với các kịch bản sân khấu Quê hương Việt Nam, Bạch đàn liễu, Đợi đến mùa xuân; tác giả Nguyễn Xuân Đức với 3 kịch bản sân khấu: Ám ảnh, Những mặt người thấp thoáng, Nhiệm vụ hoàn thành và Tuyển tập kịch Chứng chỉ thời gian.

Danh sách 144 hồ sơ đề nghị xét tặng "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật năm 2021 cũng bao gồm những tên tuổi đã có nhiều cống hiến, đóng góp xuất sắc cho nền văn học nghệ thuật nước nhà.

Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật là những phần thưởng cao quý dành cho những tác phẩm đặc biệt xuất sắc, có giá trị cao về văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng; là sự ghi nhận và đánh giá của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với văn nghệ sĩ, trí thức đã có nhiều cống hiến, vì sự phát triển của nền văn học nghệ thuật nước nhà. Qua các lần trao giải, những Giải thưởng cao quý này đã tôn vinh hàng trăm tác phẩm, cụm tác phẩm của các tác giả, những tên tuổi đã có nhiều cống hiến. Đợt xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2021, thêm một lần nữa, công chúng yêu mến những tên tuổi, những tác phẩm sống cùng năm tháng đang mong chờ một cuộc tôn vinh trang trọng, như những trái ngọt dành tặng những cuộc đời tận tâm cống hiến. 

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×