Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Xây dựng thương hiệu quốc gia trong lĩnh vực mỹ thuật: Không ai có thể làm một mình

13/07/2022 | 08:30

Hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn cho rằng, để xây dựng thương hiệu quốc gia trong lĩnh vực mỹ thuật thì phải có lộ trình tổng thể và sự chung tay của rất nhiều nghệ sĩ ở tất cả các lĩnh vực.

Câu hỏi làm thế nào để xây dựng thương hiệu quốc gia cho mỹ thuật Việt Nam, phát huy những thế mạnh của mỹ thuật, góp phần vào sự phát triển chung của văn hóa Việt Nam là trăn trở của những họa sĩ gạo cội. Dù mỹ thuật đương đại Việt Nam từng có một thế hệ vàng với nhiều dấu ấn từ rất sớm nhưng đến nay, chúng ta vẫn chưa thực sự có được một nền mỹ thuật đỉnh cao. Phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc đã có cuộc trao đổi với họa sĩ Lương Xuân Đoàn – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam về vấn đề này.

Xây dựng thương hiệu quốc gia trong lĩnh vực mỹ thuật: Không ai có thể làm một mình - Ảnh 1.

Hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - (Ảnh: HNM)

- Thế hệ họa sĩ Đông Dương đã trưng bày tác phẩm mỹ thuật Việt Nam ở Paris những năm 1930. Đây có thể coi là thế hệ vàng, là thời kỳ phát triển nhất của mỹ thuật hiện đại Việt Nam, thưa ông?

Bắt đầu từ năm 1925, người Pháp mở trường mỹ thuật ở Việt Nam, từ đó đã hình thành thế hệ vàng đầu tiên, những người đặt nền móng cho nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Đó là những nền cốt đầu tiên của mỹ thuật Việt Nam và họ đã tạo ra được dấu ấn rất dài.

Sau năm 1945, cũng chính thế hệ vàng này đi theo kháng chiến, trở thành những họa sĩ chiến trường, tạo nên dấu ấn cho nền mỹ thuật cách mạng Việt Nam mà người ngã xuống đầu tiên của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam chính là danh họa Tô Ngọc Vân.

Sau khi cách mạng thành công năm 1945, bước vào giai đoạn toàn quốc kháng chiến thì thế hệ các họa sĩ Đông Dương lại tiếp tục đi theo cuộc kháng chiến cứu nước.

Việc tham gia của các nghệ sĩ Đông Dương là rất nhanh, họ đã thay đổi nghệ thuật, từ "nghệ thuật salon" với chỉ phong cảnh, thiếu nữ thị thành đã bắt đầu chuyển sang những hình ảnh mới của người Việt mới. Đó là hình ảnh những chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài 9 năm, rồi những bà cụ ở nông thôn miền Bắc… tất cả đều được phản ánh hết sức trung thực qua những ký hoạ.

Người đầu tiên khởi xướng ký họa nông thôn, ký họa chiến trường, chiến sĩ cũng chính là danh họa Tô Ngọc Vân và sau này tranh ký họa tiếp tục được những thế hệ sau thực hiện rất thành công ở các chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Cùng với tranh cổ động của các họa sĩ Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sáng, Lương Xuân Nhị, Tô Ngọc Vân… những người tham gia kháng chiến rất sớm, đã hình thành nên nền mỹ thuật cách mạng Việt Nam với nhiều dấu ấn.

Tất cả những điều đó đã cho thấy sự nhạy cảm, tâm hồn của các nghệ sĩ thế hệ Đông Dương là nhập cuộc rất nhanh với đời sống dân tộc.

- Tranh của Việt Nam đã được quốc tế hóa từ những năm 1930, tuy nhiên đến nay có thế thấy dấu ấn mỹ thuật Việt Nam trên thị trường quốc tế còn khiêm tốn, thưa ông?

Châu Âu biết đến mỹ thuật Đông Dương đầu tiên là từ những họa sĩ xa xứ như ông Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, bà Lê Thị Lựu… đó là những người đã đi sang Pháp trước thời kỳ kháng chiến và là những họa sĩ Việt kiều, thế giới trong bối cảnh lúc bấy giờ mới chỉ biết đến tranh của họ là chính.

Xây dựng thương hiệu quốc gia trong lĩnh vực mỹ thuật: Không ai có thể làm một mình - Ảnh 2.

Tác phẩm “Điểm tâm” của họa sĩ Lê Phổ.

Còn khi thế hệ vàng Đông Dương hình thành thì tranh của các ông Nguyễn Phan Chánh, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị… cũng đều xuất hiện ở Paris cũng như giành những giải thưởng rất cao trong nước thời kỳ Pháp thuộc. Thời kỳ mỹ thuật Đông Dương những năm 1930, những tác phẩm đầu tay của các họa sĩ bậc thầy thế hệ Đông Dương đã khẳng định tên tuổi của họ.

Sau này, khi Việt Nam bước vào 2 cuộc kháng chiến ròng rã kéo dài, các nghệ sĩ Đông Dương đã đi theo 2 cuộc kháng chiến trường kỳ và trở thành những nghệ sĩ - chiến sĩ, lúc này họ lại có một sứ mệnh khác. Sau đó, khi mỹ thuật đổi mới thì thế giới đã lại phát hiện ra một Việt Nam khác, thời kỳ của một thế hệ đổi mới.

Tuy nhiên, khi tranh thời kỳ đổi mới của Việt Nam bắt đầu bước ra thế giới thì ngay từ rất sớm Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Singapore đã mua gần hết những bức tranh có giá trị nhất của mỹ thuật đổi mới Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã không kịp đánh giá, lưu giữ lại và trong nước đã không còn những tác phẩm tốt nhất.

Đặc biệt, khoảng 3 - 4 thập kỷ gần đây, vấn nạn tranh giả đang diễn ra rất trầm trọng ở Việt Nam và chưa có cách xử lý. Tranh giả đã làm ảnh hưởng tới hình ảnh của mỹ thuật Việt Nam trên thị trường thế giới.

- Như ông nói, tranh giả, tranh nhái vẫn đang là vấn nạn bức xúc, cản trở sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam, làm thế nào để khắc phục điều này?

Hiện chưa có một hành lang pháp lý đủ mạnh để xử lý triệt để vấn đề tranh giả, tranh nhái. Chúng ta mới có Nghị định số 113 của Chính phủ quy định nhưng cũng chỉ mang tính chất thời đoạn chứ chưa có một luật riêng, chưa đủ siết chặt để giảm bớt vấn nạn này chứ chưa nói cấm hoàn toàn.

Tranh giả đang ngày càng trở nên tinh vi hơn. Chúng ta không vội mừng khi những sàn đấu giá nổi tiếng trên thế giới đấu giá những bức tranh của họa sĩ Việt bởi không có gì chứng minh những tác phẩm được đấu giá là những tác phẩm chân bản, nguyên tác của các tác giả. Đặc biệt là các họa sĩ Đông Dương, tranh của thế hệ vàng Đông Dương đang bị làm giả một cách trầm trọng.

Tranh giả đã kéo lùi sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam và điều này rất khó khắc phục.

Chúng ta vẫn ước ao có một sàn đấu giá nội địa chuyên nghiệp, nhưng khi có sàn rồi thì lại đưa lên toàn tranh giả, khiến các sàn chỉ tồn tại được một thời gian ngắn, đó là điều hết sức đáng tiếc. Để có được sàn đấu giá nội địa chuyên nghiệp thì đòi hỏi một thị trường nội địa phải lành, sạch và chuyên nghiệp. Nếu theo tình hình hiện nay thì việc có được một sàn đấu giá nội địa vẫn chỉ là ước ao.

Hội Mỹ thuật Việt Nam hiện chỉ có thể lên tiếng cảnh báo và bảo vệ quyền lợi của hội viên chứ không có chức năng giải quyết trực tiếp, vì giải quyết trực tiếp là thẩm quyền các cơ quan nhà nước.

Trong hoàn cảnh hiện nay khi chế tài xử phạt, hành lang pháp lý còn chưa đủ để dọn rác tranh giả thì chưa thể xây dựng mới một thị trường nội địa lành, sạch và chuyên nghiệp.

- Bên cạnh tranh giả, tranh nhái, theo ông còn những nguyên nhân nào khiến mỹ thuật Việt Nam chưa thể vươn ra thế giới?

Có thể nói ở nước ta hiện nay, công chúng của mỹ thuật còn mỏng, nhu cầu đến bảo tàng còn ít, chủ yếu là người nước ngoài, điều này cũng gây khó khăn, trở ngại.

Bên cạnh đó, thế giới càng phẳng bao nhiêu, văn hóa càng theo hướng toàn cầu hóa bao nhiêu thì lại càng tạo ra áp lực bấy nhiêu đến mỹ thuật Việt Nam.

Hiện nay đào tạo của Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề, giáo trình đang cũ, không còn đáp ứng thời kỳ mới, xu thế mới. Đương nhiên học hành chỉ là "mượn cửa", điều quan trọng vẫn phải là do tài năng bẩm sinh, nhưng đào tạo chưa tốt thì cũng hạn chế sự phát lộ tài năng của các nghệ sĩ.

Cho nên theo tôi có nhiều chiều, nhiều vấn đề, nhiều gạch đầu dòng mà chúng ta chưa thế giải quyết được. Những vấn đề tưởng chừng vụn nhưng không hề vụn, không giải quyết được những cái nhỏ nhất thì không thể giải quyết được những vấn đề tổng thể, những vấn đề toàn cảnh của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam hay của cả nền văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 21.

Có những khó khăn vô hình mà lĩnh vực nào cũng có, vấn đề là cởi nút như thế nào thì phải do bản thân người nghệ sĩ quyết định.

- Có ý kiến cho rằng tâm lý rụt rè đã không tạo được cơn sóng lớn cho mỹ thuật Việt Nam ra biển cả, ông có đồng tình với quan điểm này?

Đây là vấn đề vướng ở nhận thức, quan niệm của chính cá nhân nghệ sĩ. Nghệ sĩ trẻ thì chưa đủ trải nghiệm về cuộc sống, về hiện thực cho nên chưa đủ tự tin ở mình. Ngoài ra có thể vướng ở trong mối quan hệ đồng nghiệp, do sự khác biệt ở các thể hệ, gây áp lực tâm lý và điều đó khiến các nghệ sĩ tự làm khó mình.

- Dấu ấn của mỹ thuật Việt Nam hiện nay là gì, đâu là thế hệ sẽ gánh vác sứ mệnh mỹ thuật đương đại Việt Nam, thưa ông?

Hiện nay, mỹ thuật đương đại chưa có dấu ấn gì thực sự đặc sắc nhưng chúng ta đang ghi nhận xu thế phát triển của điêu khắc đương đại Việt Nam.

Nếu như ở thập niên 80 hội họa bùng nổ, phát triển rất mạnh, người ta biết đến hội họa Việt Nam chứ chưa biết đến điêu khắc đương đại Việt Nam thì bước sang thập niên gần đây, điêu khắc đương đại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, vượt qua hội hoạ.

Nhắc đến mỹ thuật đương đại là nhắc đến thế hệ họa sĩ 7x, 8x, 9x đang bắt đầu vào cuộc và sứ mệnh đã trên vai họ. Mỹ thuật đương đại Việt Nam ngoài phản ánh chân thực hiện thực đất nước, nhất là trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hóa thì cũng đã đa dạng hơn. Các nghệ sĩ trẻ lựa chọn khuynh hướng sáng tác mà trong thời của công nghệ và thế giới phẳng, họ tiếp cận thế giới rất nhanh, tạo nên sự biến đổi ngôn ngữ, thay đổi cách nhìn, thay đổi cách phản ánh hiện thực.

- Đảng, Nhà nước đã có đường lối rất rõ ràng, xuyên suốt về phát triển văn hoá, văn nghệ nhưng có vẻ chúng ta vẫn chưa có được một nền nghệ thuật đỉnh cao, thưa ông?

Đường lối của Đảng về phát triển văn học nghệ thuật thời kỳ đổi mới đã chảy từ những năm 80 của thế kỷ trước đến giờ và không suy chuyển, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt và nghị quyết của mỗi thời kỳ đều đáp ứng yêu cầu phát triển.

Trước đây chúng ta có Nghị quyết 05 từ năm 1987 của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (sau đề cương văn hóa năm 1943) là Nghị quyết đầu tiên của Bộ Chính trị cởi trói, trao tự do sáng tác cho nghệ sĩ, tôn trọng tự do sáng tạo của người nghệ sĩ và chấp nhận mọi khuynh hướng, phong cách.

Sau đó đến Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, rồi tiếp đến là Nghị quyết số 23, 33… đó là cả một lộ trình của Đảng qua từng giai đoạn với văn hoá, văn học nghệ thuật Việt Nam.

Tuy nhiên, đường lối văn nghệ là ở trên văn bản, còn muốn đường lối ấy sống động, đi vào đời sống thực tiễn thì phải do hoạt động sáng tác của chính người nghệ sĩ. Nếu không thể chế được nghị quyết, không có chương trình để biến nghị quyết thành hiện thực cuộc sống thì không thể tạo được điều kiện thúc đẩy phát triển.

Quan điểm xuyên suốt của Đảng luôn là mở, tự do sáng tác. Tuy nhiên cái khó là không phải cứ mở như vậy, tự do như vậy là sẽ có nghệ thuật đỉnh cao. Không có rào chắn mà nghệ thuật không hay được thì đấy là do nghệ sĩ, chứ không phải do đường lối, do chiến lược.

Không có nghệ sĩ thì không thể có nền nghệ thuật, không có sự chuyển giao, khẳng định sớm với những thế hệ đến sau thì nghệ thuật không thể tiếp nối. Do vậy, vai trò của nghệ sĩ là rất quan trọng. Điều này đòi hỏi các nghệ sĩ ngoài việc học hành bài bản phải biết cách tự nâng năng lượng sáng tạo của mình trên nền cốt văn hóa truyền thống.

- Làm thế nào để tranh Việt Nam thực sự có vị trí trên thị trường mỹ thuật quốc tế? Góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia trong lĩnh vực mỹ thuật, thưa ông?

Hãy bắt đầu từ những gì tạo nên hình ảnh mới, ngôi vị mới của văn học nghệ thuật Việt Nam, trước tiên là phải củng cố vị thế ở trong nước. Đừng đặt mục tiêu bước quá nhanh ra thế giới mà hay trở lại một hình ảnh mới của nền văn học nghệ thuật Việt Nam để thế giới ngó vào.

Ngay cả trên thế giới hiện nay cũng đang trong khủng hoảng về xu thế thay đổi của văn học nghệ thuật, mỗi quốc gia đều đang có sự lúng túng, ngừng trệ nhất định vì hoàn cảnh chính trị của từng quốc gia.

Tôi nhắc lại là vận mệnh của nghệ thuật quốc gia phụ thuộc vào thế hệ nghệ sĩ của quốc gia đó. Họ có đạt tới thế hệ nghệ sĩ tài năng, đi được đường dài hay không, chứ nếu chỉ ngắn ngủi vài năm thì không giải quyết được vấn đề.

Để nền văn học nghệ thuật của Việt Nam có thương hiệu thì phải nhờ chính các nghệ sĩ ở từng lĩnh vực chung tay góp vào. Không cá nhân nào có thể làm một mình mà phải có lộ trình tổng thể, sự đóng góp của các loại hình khác nhau mới có thể làm nên ngôi vị mới của nền văn hóa quốc gia Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông!

Xuân Trường (thực hiện)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×