Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Xây dựng thương hiệu quốc gia qua điện ảnh: Phải có một tầm nhìn xa, chiến lược cụ thể và sự đầu tư rất bài bản

18/07/2022 | 07:43

Nhiều nhà làm phim cho rằng, điện ảnh có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy công nghiệp văn hóa, làm tăng nhận diện thương hiệu quốc gia. Tuy nhiên, quay trở lại câu chuyện xây dựng thương hiệu cho chính lĩnh vực điện ảnh, bên cạnh với một chiến lược bài bản, cần phải có một cuộc điều tra nghiêm túc để xem điện ảnh của chúng ta đang bị cản trở bởi điều gì và tính cạnh tranh đến đâu.

Xây dựng thương hiệu quốc gia qua điện ảnh: Phải có một tầm nhìn xa, chiến lược cụ thể và sự đầu tư rất bài bản - Ảnh 1.

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân.

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân được xem là một trong những người thành công nhất của thế hệ đạo diễn 6X đã có những chia sẻ với Báo điện tử Tổ quốc liên quan đến vấn đề xây dựng thương hiệu quốc gia về điện ảnh.

PV: Bộ VHTTDL đang xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2030, trong đó xác định điện ảnh là một trong những ngành mũi nhọn. Muốn xuất khẩu phim Việt thì phải đẩy mạnh thương hiệu quốc gia của điện ảnh Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần làm gì thưa ông?

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân: Từ hàng chục năm trước, chúng ta đã có chương trình chấn hưng điện ảnh nhưng vì nhiều nguyên nhân dẫn đến hiệu quả vẫn chưa rõ ràng. Bây giờ, chúng ta tiếp tục chủ trương đó, dù chậm so với các quốc gia nhưng tôi cho rằng đó là tín hiệu rất vui và là điều vô cùng cần thiết, đúng đắn.

Tuy nhiên, để làm được như mục tiêu đã đề ra thì cần phải được cụ thể hóa bằng các lộ trình, nếu không sẽ trở thành đánh trống bỏ dùi như trước đây.

Ở Hàn Quốc cách đây mấy chục năm, họ từng cử một thế hệ trẻ đang công tác ở lĩnh vực điện ảnh sang Mỹ học ở Hollywood về sản xuất phim, các ngành nghề liên quan đến điện ảnh. Tôi nhớ không nhầm thì thế hệ đó bây giờ cũng đã hơn 50 tuổi cả rồi, họ đều đang là những người thành danh, làm thay đổi cả nền điện ảnh của Hàn Quốc.

Nói như vậy để thấy rằng, yếu tố con người vẫn là đầu tiên. Từ con người sẽ tạo ra những tác phẩm hay, tốt. Để phát triển thương hiệu của điện ảnh Việt Nam, mục tiêu cơ bản vẫn là tạo ra tác phẩm được quốc tế quan tâm. Tôi nghĩ rằng, trước mắt vẫn phải xác định xây dựng thương hiệu ở trong khu vực đã sau đó hãy nghĩ đến thế giới.

Như bóng đá chẳng hạn, chúng ta không thể tham dự World Cup khi mà Việt Nam chỉ đứng thứ 3, 4 ở khu vực Đông Nam Á được. Chính vì vậy, muốn tham gia World Cup thì trước mắt mình phải đứng vững ở ngôi vị đầu tiên khu vực Đông Nam Á đã. Nói như vậy để thấy rằng, đối với điện ảnh chúng ta cũng phải có từng bước, từng mục tiêu rất cụ thể.

Nói tóm lại, chúng ta phải xây dựng con người, sau đó mới đến sản phẩm. Con đường đó dễ hiểu, dễ thấy nhưng để thực hiện được là điều không hề dễ. Điều đó buộc những nhà quản lý trong lĩnh vực này phải có một tầm nhìn xa, chiến lược cụ thể và sự đầu tư rất bài bản.

PV: Thực tiễn từ quá khứ cho thấy, điện ảnh Việt Nam đã từng sản xuất ra nhiều bộ phim kinh điển, được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao như: Bao giờ cho đến tháng Mười; Cánh đồng hoang; Em bé Hà Nội…Vì sao trong thời gian dài chúng ta không thể phát huy được những nền tảng đó?

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân: Trong một thập kỷ gần đây, ít nhất là đầu năm 2000, điện ảnh Việt Nam vẫn còn có một tiếng nói đáng kể trong khu vực. Bạn biết rằng, 4 kỳ liên hoan châu Á, Thái Bình Dương, chúng ta đạt giải phim tài liệu xuất sắc nhất. Hay như phim Đời cát do tôi làm đạo diễn cũng từng đoạt các giải phim hay nhất LHP châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 45 (1999); giải đặc biệt của Ban giám khảo LHP Amiens (Pháp) lần thứ 20…

Rồi các bộ phim của NSND Đặng Nhật Minh cũng được thế giới biết đến khi "Bao giờ cho đến tháng Mười" trở thành bộ phim Việt Nam đầu tiên được công chiếu tại Hoa Kỳ và nhận được giải thưởng của Ủy ban Bảo vệ hòa bình tại Liên hoan phim quốc tế Moskva diễn ra tại Liên Xô. Sau đó, với bộ phim "Thương nhớ đồng quê" đã giúp ông khẳng định vị trí của mình khi chiến thắng giải Kodak tại Liên hoan phim châu Á-Thái Bình Dương, giải châu Á hay nhất của NETPAC tại Liên hoan phim quốc tế Rotterdam cùng hàng loạt giải thưởng khác.

Thế nhưng, bẵng đi một thời gian, điện ảnh của Việt Nam đã không còn nhiều tác phẩm mang dấu ấn của chúng ta nữa. Tôi nghĩ đó là vấn đề liên quan đến xã hội hóa điện ảnh, khi mà chúng ta chạy theo số lượng, kèm theo đó là vấn đề thị trường nữa. Có thể thấy rằng, nếu tính về số liệu thì rõ ràng điện ảnh có sự phát triển khi số lượng phim nhiều hơn, khán giả đông hơn, tiền thu về nhiều hơn. Nhưng mặt trái của nó là điện ảnh bị thị trường thao túng.

Phát triển công nghiệp điện ảnh là đúng, nhưng bên cạnh đó còn vấn đề nghệ thuật điện ảnh nữa. Cái đó nó liên quan đến văn hóa, chính trị, xã hội, hình ảnh của đất nước. Rõ ràng, chúng ta đã quá thiên lệch, chạy theo thị trường. Như vậy, trong hơn một thập kỷ qua, hầu như điện ảnh Việt Nam đã không còn tiếng nói trong các liên hoan phim quen thuộc với chúng ta.

Đối với các phim thị trường của chúng ta thì gần như không thể bước chân ra khỏi biên giới. Chưa kể phong trào "remake" các phim của Hàn Quốc, Trung Quốc một cách tràn lan làm mất đi cái gốc của văn hóa, nghệ thuật, bản sắc của điện ảnh Việt Nam.

Không phủ nhận phim thị trường bắt buộc phải tồn tại vì đó là nhu cầu tất yếu của cuộc sống. Nhưng thị trường đó không thực chất mang lại lợi nhuận cho sự phát triển điện ảnh. Bởi, 65-70% hệ thống phát hành, rạp phim đều có vốn đầu tư từ nước ngoài.

Với những nhà quản lý thì phải nhìn ở góc độ điện ảnh mang lại gì cho dân tộc này, đó là lịch sử, hình ảnh, cuộc sống đương đại, đó là ý nghĩa chính trị lớn nhất. Người Hàn Quốc họ đã nhìn ra điều đó, từ đó họ phổ biến được văn hóa, kinh tế, thẩm mỹ trên toàn bộ châu lục.

PV: Có thể thấy rằng, điện ảnh Việt Nam đã đi chậm hơn so với các quốc gia trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc rất nhiều năm…theo ông chúng ta cần bắt đầu từ đâu và hướng đi nào là phù hợp trong thời điểm hiện nay?

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân: Đừng nói đến Hàn Quốc hay Trung Quốc, ngay cả với một số quốc gia Đông Nam Á chúng ta cũng đang bị tụt lại. Như Thái Lan, Philiplines, hiện nay họ đã có những nhà làm phim nổi tiếng với các bộ phim đình đám, có chỗ đứng và được thế giới đánh giá cao. Thậm chí cả Campuchia cũng đang trên đà này.

Việt Nam cũng đã từng có những nhà làm phim như vậy. Nhưng có một thực tế hiện là đại diện cho những nhà làm phim Việt Nam trên trường quốc tế hiện nay lại là những nhà làm phim độc lập chỉ trên dưới 30 tuổi.

Tôi nghĩ rằng, trước mắt chúng ta hãy trân trọng, nâng niu và có sự đầu tư xứng đáng cho những con người này vì họ là những nhà làm phim rất triển vọng đã được chứng thực bằng các tác phẩm đóng góp cho điện ảnh Việt Nam trong thời gian qua.

PV: Thời gian qua, một số nhà làm phim nước ngoài đã lựa chọn Việt Nam làm phim trường để quay một bối cảnh phim của họ. Ví như bộ phim nổi tiếng và ăn khách "Kong: Skull Island" chọn Ninh Bình làm bối cảnh, gần đây nhất, các diễn viên nổi tiếng Hàn Quốc cũng đến Đà Nẵng để quay phim của mình. Qua những bộ phim đó, hình ảnh của Việt Nam được đông đảo bạn bè thế giới biết đến với quốc gia có nhiều thắng cảnh vẫn giữ được vẻ hoang sơ cho đến hiện nay. Ông nghĩ sao về việc chúng ta xây dựng, quảng bá Việt Nam trở thành phim trường để kêu gọi các nhà điện ảnh nước ngoài?

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân: Đất nước chúng ta có tiềm năng rất lớn với thiên nhiên, thắng cảnh quá đẹp, hoàn toàn có thể trở thành một trường quay lớn là về ngoại cảnh cho các nhà làm phim nước ngoài.

Còn nhớ cách đây khoảng mấy chục năm, tôi từng có cơ hội để làm trợ lý cho một bộ phim nổi tiếng khi đạo diễn nước ngoài chọn Đà Nẵng làm bối cảnh quay. Thế nhưng, ở thời điểm đó họ gặp phải một số trục trặc về tính pháp lý nên họ đã đổi bối cảnh sang Thái Lan.

Tôi nghĩ rằng, chúng ta phải có ê-kip duyệt phim "mềm mại" với sự đồng nhất của các cơ quan Nhà nước. Thực tế, các nhà làm phim quốc tế và kể cả trong nước, họ rất ngại tính pháp lý.

Có thể thấy rằng, so với một số quốc gia trong khu vực thì trước đây, chúng ta từng đi trước họ khá xa, chúng ta đã từng có những trường quay, hãng phim lớn khi họ mới chỉ là đơn vị dịch vụ. Thế nhưng, bây giờ chúng ta lại tụt quá xa so với họ.

Tôi cho rằng, chúng ta phải mở cửa với thế giới. Nhưng khi mở cửa thì cũng phải chấp nhận trả giá. An toàn quá sẽ không hòa nhập được, quan trọng là chúng ta xác định được con đường đi đúng và kiên định với con đường đó. Có thể trên đường đi sẽ gặp phải vài "ổ gà", lúc đó chúng ta phải vá lại nó bởi không có con đường nào là bằng phẳng.

Xin cảm ơn đạo diễn Nguyễn Thanh Vân!

Đạo diễn Phan Đăng Di: "Cần có cuộc điều tra nghiêm túc về điện ảnh"

Điện ảnh xưa nay có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy công nghiệp văn hóa, làm tăng nhận diện thương hiệu quốc gia. Ở một số quốc gia, điện ảnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và các ngành liên quan. Việc cơ quan Nhà nước xác định điện ảnh là mũi nhọn trong Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa đó là bước thay đổi rất lớn. Tuy nhiên, quan trọng vẫn là thực hiện với chiến lược cụ thể, bài bản. Phải có một cuộc điều tra nghiêm túc, cụ thể về điện ảnh Việt Nam hiện tại xem tính cạnh tranh đến đâu, điều gì đang làm cản trở điện ảnh. Như vậy chúng ta sẽ thấy được những vấn đề cần khắc phục.

Ở Hàn Quốc, ngoài chiến lược bài bản họ còn nới lỏng tư duy, tính sáng tạo của nhà làm phim. Một điều đáng ghi nhận đó là khi Luật Điện ảnh được Quốc hội thông qua đã quyết định giữ lại Quỹ điện ảnh. Tuy nhiên, Quỹ này phải được vận hành rất tốt, theo hướng chọn đúng người tài, đúng người, đúng việc. Bồi dưỡng tài năng thông qua đào tạo, mở rộng giao lưu, đây là những việc cần làm ngay.


Thế Công (thực hiện)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×