Xây dựng thương hiệu liên hoan phim Hà Nội: Cần sự phối hợp đồng bộ
29/08/2018 | 08:38Còn quá sớm để khẳng định Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội có thể trở thành một “Cannes” phiên bản Việt trong tương lai gần, nhưng với sự đầu tư và phối hợp đồng bộ uy tín và sự lan tỏa của liên hoan trên trường quốc tế sẽ không ngừng gia tăng.
Cần nhìn nhận đúng sự phát triển của Liên hoan phim
Có thể nhận thấy, so với kỳ Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần đầu tiên được tổ chức (năm 2010), đến nay, Liên hoan Phim đã có sự phát triển vượt bậc về cả số lượng phim và số lượng quốc gia tham dự. Theo bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Trưởng Ban tổ chức Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ V, năm nay đã có hơn 500 phim truyện, phim ngắn của gần 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham dự như: Trung Quốc, Hongkong (Trung Quốc), Nhật Bản, Philippin, Campuchia, Iran, Hàn Quốc, Nga, Pháp, Hà Lan, Italy, Bỉ, Bồ Đào Nha, Mexico, Ecuado, Peru, Mỹ, Úc…
Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ IV. Nguồn: hanoimoi.com.vn
Bà Lan cho biết, điểm đặc sắc nhất của Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ 5 là ở chất lượng phim. Liên hoan tập hợp được một loạt những bộ phim rất xuất sắc, những bộ phim lớn của quốc tế. Trong đó, có cả những bộ phim kinh điển, từng là tác phẩm lớn của điện ảnh thế giới và những bộ phim mới đây được trao giải Oscar cho phim nước ngoài hay nhất, những bộ phim được giải cành cọ vàng, giải gấu vàng…
Một điểm rất thú vị nữa là hai tiêu điểm của liên hoan phim là điện ảnh Iran, điện ảnh Balan. Đây không phải là điện ảnh của nước lớn nhưng lại có những thành công quốc tế vang dội, tính nhân văn cao. Trong liên hoan phim này cũng có sự góp mặt của những bộ phim kinh điển của Ba Lan, của Iran vào chùm phim tiêu điểm và còn có những phim mới của hai nền điện ảnh này. Tôi nghĩ sẽ rất thú vị, quan trọng nữa là chúng ta có thể học tập được rất nhiều ở nền điện ảnh của những nước không lớn nhưng lại có thành công quốc tế vang dội – bà Lan nhận định.
Bên cạnh việc giới thiệu những bộ phim chất lượng, một yếu tố khiến Liên hoan phim thêm sức hút còn từ sự tham gia của nhiều tên tuổi nghệ sĩ trong nước và quốc tế. Còn nhớ trong kỳ Liên hoan phim lần thứ I đã có sự tham gia của cả những tên tuổi gạo cội của thế giới đạo diễn Philip Noyce của Hollywood, bà Hellen Harrington, Giám đốc tổ chức các sự kiện Viện Hàn lâm Điện ảnh Hoa Kỳ, nữ diễn viên Hàn Quốc Kang Soo Yeon, nam diễn viên Trung Quốc Trương Gia Huy … hay như tại Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ IV có sự tham gia của đạo diễn gạo cội Régís Wargnier và nữ diễn viên Catherine Deneuve của phim Đông Dương (từng được đề cử Oscar).
Có ý kiến cho rằng, những “ngôi sao” này đã bước qua đỉnh cao danh vọng và thiếu sức hút. Tuy nhiên, việc mời được một “ngôi sao” quốc tế không hề là vấn đề đơn giản, bởi bên cạnh sự yêu thích của nghệ sĩ đối với liên hoan phim diễn ra tại Việt Nam còn đòi hỏi sự “đầu tư” thích đáng từ phía Ban Tổ chức.
Mặt khác, Bà Ngô Phương Lan cũng chỉ ra khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội còn ở sự cách nhau giữa các lần tổ chức. “Các liên hoan phim quốc tế trên thế giới thường được tổ chức hàng năm. Riêng tại Việt Nam tổ chức 2 năm một lần, đây là điều rất khó cho liên hoan phim trong việc xây dựng thương hiệu. Mỗi khi muốn “hâm nóng” tên của liên hoan thì còn khó gấp đôi.”
Mặt khác, tất cả các liên hoan phim trên thế giới đều có Ban tổ chức chuyên nghiệp trong khi tại nước ta chưa thực hiện được điều này. Sự chia sẻ giữa công tác quản lý nhà nước với việc tổ chức sự kiện điện ảnh là thách thức đối với cơ quan như Cục Điện ảnh – Bà Lan cho hay.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan và Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Tô Văn Động tại họp báo giới thiệu Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ V. Ảnh: Gia Linh
Muốn xây dựng thương hiệu mạnh thì phải có sự đồng bộ
Sức hút của một Liên hoan Phim Quốc tế không chỉ được xây dựng một sớm, một chiều mà cần thời gian. Chia sẻ về nhận định “phải chăng Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội” còn thiếu sức hút, NSND Vương Duy Biên nhận định: “Tất cả các Liên hoan Phim quốc tế, mục đích lớn nhất là hội nhập. Với tiềm lực của chúng ta, tôi nghĩ rằng mình kỳ vọng không nhiều ở lần thứ 5 này nhưng chúng ta vẫn phải làm. Như với Liên hoan phim Cannes, họ làm đến lần thứ 71, có nghĩa 71 năm họ làm liên hoan phim thì mới tạo dựng được thương hiệu như ngày nay. Đối với Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội, tôi nghĩ phải đến lần thứ 50 thì Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội sẽ rất hoành tráng. Nói như thế để thấy được rằng, cứ mỗi lần tổ chức phải là một lần cố gắng, một lần nhích lên về mặt tổ chức, quảng bá, tuyên truyền, về chất lượng của liên hoan.”
Ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở VHTH Hà Nội cho biết: Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội là sự kiện để quảng bá hình ảnh hà nội, con người Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung. Chúng ta muốn xây dựng thương hiệu thì phải có đầu tư và giải pháp đồng bộ. Xây dựng thương hiệu thì không thể chỉ 5 lần tổ chức là thành thương hiệu, chắc phải còn nhiều lần nữa mới trở thành thương hiệu của liên hoan phim nói chung, Hà Nội nói riêng. Muốn xây dựng thương hiệu, muốn quảng bá hình ảnh thì nhà nước phải có trách nhiệm, phải đầu tư.
Sự đồng bộ này thể hiện ở đâu? Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL, NSND Vương Duy Biên, thứ nhất, phải đồng bộ từ chủ nhà tức là Hà Nội, như anh Tô Văn Động nói, phải quyết tâm và đầu tư cho Liên hoan sau khi xác định được ý nghĩa của nó đối với Hà Nội.
Thứ hai là công tác truyền thông, truyền thông không chỉ có liên hoan mới truyền thông mà truyền thông phải âm ỉ, liên tục, để xây dựng công chúng cho điện ảnh thì người ta mới hướng về kỳ liên hoan.
Thứ ba, để có liên hoan chất lượng phải đầu tư nội dung, đầu tư cho điện ảnh, đầu tư phim. Có phim hay mới khoe được với đấu trường quốc tế.
Cho nên các giải pháp này phải đi cùng với nhau. Từ Trung Ương tức là quyết định những chính sách đầu tư cho điện ảnh, cho làm phim để tạo nên những bộ phim chất lượng đến địa phương cũng cần có chung nhận thức đó. Các nghệ sĩ điện ảnh, các nhà làm phim cũng phải tích cực hoạt động để có tác phẩm mới giới thiệu trong các liên hoan./.
Gia Linh