Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Xây dựng sản phẩm du lịch mới gắn với bảo tồn giá trị di sản văn hóa

19/02/2020 | 17:40

Kế hoạch thực hiện Dự án Làng bích họa Trường Lệ; nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng; triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 gây ra tại các di tích, danh thắng, khu du lịch là những điểm tin văn hóa, du lịch tiêu biểu tại Thanh Hóa.

Xây dựng sản phẩm du lịch mới gắn với bảo tồn giá trị di sản văn hóa - Ảnh 1.

Ảnh minh họa/reatimes.vn

Du lịch tạo điểm nhấn bằng các sản phẩm mới

Báo Thanh Hóa có bài "Tạo điểm nhấn từ sản phẩm du lịch mới". Theo đó, trong vài năm trở lại đây, đô thị du lịch biển Sầm Sơn đã từng bước tìm tòi và hướng đến xây dựng những sản phẩm du lịch mới, nhằm bổ trợ cho sản phẩm nghỉ dưỡng biển. Điển hình là carnival đường phố và lễ hội tình yêu (năm 2019). Gần đây nhất, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 14/KH-UBND ngày 15/1 về việc thực hiện Dự án Làng bích họa Trường Lệ, đường Trung Mới, phường Trường Sơn, TP Sầm Sơn. Hình thức thực hiện gồm tranh hội họa hiện thực và tranh hiện thực 3D, tranh trang trí, tranh Graffiti (nghệ thuật đường phố), nghệ thuật sắp đặt kết hợp tranh trang trí và tranh Graffiti. Các bức họa phải đảm bảo sự hài hòa giữa giá trị nghệ thuật với việc bảo vệ cảnh quan môi trường tự nhiên và không gian văn hóa của toàn bộ khu vực di tích và danh thắng Sầm Sơn.

Theo dự kiến, làng bích họa Trường Lệ sẽ có chiều dài khoảng 700m, với diện tích dự kiến khoảng 1.808m2; bắt đầu từ Hòn Trống Mái - đền Cô Tiên, qua làng Trung Mới và đến ngã ba giao với đường Tô Hiến Thành. Với mục đích quảng bá những hình ảnh đẹp và tạo ra sản phẩm du lịch mới, độc đáo cho du lịch Sầm Sơn. Đồng thời, góp phần nâng cao ý thức cộng đồng trong việc gìn giữ giá trị di sản văn hóa.

Các di tích, danh thắng, khu, điểm du lịch ứng phó với nCoV

Ngay sau khi có chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và của Chủ tịch UBND tỉnh về phòng, chống dịch nCoV, cũng như công văn của Sở VHTTDL, BQL các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã triển khai, thực hiện nghiêm túc. Đến thời điểm hiện nay, các khu, điểm du lịch, di tích, danh thắng ở Thanh Hóa đã tập trung thực hiện công tác đảm bảo vệ sinh, phun thuốc khử trùng môi trường tại di tích; tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh, các biển bảng thông báo; thành lập các ban chỉ đạo thường trực 24/24h về phòng chống dịch bệnh.

Sở VHTTDL cũng thành lập Đoàn kiểm tra, tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong hoạt động lễ hội, di tích lịch sử văn hóa và việc thực hiện dừng các lễ hội, kể cả lễ hội đã khai mạc, tạm dừng mọi hoạt động tập trung đông người tại di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Các đơn vị trực thuộc đã thực hiện nghiêm việc tạm dừng tổ chức các buổi biểu diễn, tham gia biểu diễn nghệ thuật, các giải thi đấu thể dục, thể thao, buổi chiếu phim lưu động; giảm quy mô và lượng người tham gia các hoạt động trưng bày, giới thiệu sách, báo, hiện vật tại Bảo tàng.

Phát huy vai trò của người dân trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa

Trong thời gian qua, hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có những chuyển biến tích cực và đang có một chỗ đứng quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân. Toàn tỉnh hiện có 5.590 nhà văn hóa, 4.650 đội văn nghệ quần chúng ở 27 huyện, thị, thành phố; mỗi tổ, đội quần chúng có từ 20 đến 30 hạt nhân văn nghệ là các diễn viên không chuyên, cán bộ nghỉ hưu, đoàn viên, thanh niên, người lao động của địa phương.

Ở hầu hết các ngành và địa phương trong tỉnh, phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng được tổ chức đa dạng về hình thức, phong phú hấp dẫn về nội dung, phù hợp với phong tục tập quán của từng địa phương trong các dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm, sự kiện trọng đại.

Bên cạnh đó, Trung tâm văn hóa tỉnh cũng đầu tư nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa nghệ thuật; tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống của địa phương; tổ chức các lớp bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật cho cán bộ cơ sở, đồng thời chú trọng việc xây dựng, đào tạo đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ có chuyên môn nghiệp vụ. Từ đó tạo điều kiện để mọi người sáng tác, biểu diễn những tiết mục văn nghệ mang đặc thù riêng với từng vùng, miền, phát huy vai trò của người dân trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa./.

Thanh Thủy (t/h)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×