Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Xây dựng, phát triển gia đình Việt Nam là gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc

14/05/2022 | 17:03

Ngày 14/5, phát biểu tại Phiên họp toàn thể lần thứ 6 Ủy ban Xã hội của Quốc hội diễn ra tại TP Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng khẳng định, cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình nhằm phát triển gia đình Việt Nam hướng tới là gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc.

Xây dựng, phát triển gia đình Việt Nam là gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc - Ảnh 1.

Phiên họp toàn thể lần thứ 6 Ủy ban Xã hội của Quốc hội diễn ra tại TP Đà Nẵng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, trong quá trình xây dựng luật và các dự án luật, lãnh đạo Bộ VHTTDL đã tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của vấn đề xây dựng pháp luật, chủ động phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội ngay từ đầu để tiếp thu các gợi ý, tổng kết thực tiễn và chỉnh sửa các điều luật phù hợp.

Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) do Bộ VHTTDL soạn thảo cũng được tiếp cận trên tinh thần đó. Dự thảo Luật (sửa đổi) gồm 6 chương, 62 điều, tăng 16 điều so với Luật hiện hành.

Bộ trưởng khẳng định: Việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình nhằm cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; đáp ứng yêu cầu phát sinh trong thực tiễn, khắc phục những bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành.

"Hơn nữa, Hiến pháp năm 2015 xác định rất rõ quyền con người. Vì vậy, yếu tố đầu tiên phải dựa vào những cơ sở chính trị và cơ sở Hiến pháp. Cần tuân thủ Hiến pháp, cụ thể hóa những quy định của Hiến pháp bằng bộ luật", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

Xây dựng, phát triển gia đình Việt Nam là gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại phiên họp.

Thực tế, thời gian qua, công tác phòng chống bạo lực gia đình vẫn chưa đạt hiệu lực, hiệu quả như mong muốn. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, dự thảo sửa đổi Luật lần này cố gắng sửa đổi, khắc phục 4 điểm nghẽn trong thực hiện:

Một là, ở Luật hiện hành, cơ quan soạn thảo nhận thấy các biện pháp nặng tính hành chính, thiếu tính khả thi, vì đối tượng áp dụng khá rộng và có tính đặc thù như người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ…

Hai là, các biện pháp xử lý, giáo dục người có hành vi vi phạm bạo lực gia đình chủ yếu dựa vào các điểm chế tài được nêu trong Bộ Luật hình sự, Luật Xử phạt vi phạm hành chính, chưa có quy định nào cụ thể để hỗ trợ người tham gia phòng chống bạo lực gia đình.

Ba là, việc xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành chưa được nêu trong bộ luật.

Bốn là, các điều kiện để bảo đảm thực hiện phòng chống bạo lực gia đình chưa phù hợp, nhất là tinh thần xã hội hóa.

Trên cơ sở đó, việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình dựa vào 3 quan điểm lớn: Tiếp tục thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng và Nhà nước để xây dựng gia đình Việt Nam và công tác phòng chống bạo lực gia đình; trong đó, làm rõ và đầy đủ các nội hàm về quyền con người được nêu trong Hiến pháp 2015 để xây dựng, phát triển gia đình Việt Nam hướng tới là gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc. Tuân thủ các cam kết điều ước quốc tế. Kế thừa các chế định cơ bản của luật hiện hành, chỉ sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh và khắc phục những bất cập phát sinh.

Xây dựng, phát triển gia đình Việt Nam là gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc - Ảnh 3.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề cập về những điểm đổi mới của dự luật sửa đổi, đáng chú ý là tính kế thừa của dự án cũ, tuân theo nguyên tắc lấy phòng ngừa là chính, nhưng trong phòng ngừa có yếu tố chống, trong chống có phòng ngừa.

Bên cạnh đó, thay đổi về tên gọi, từ "nạn nhân bạo lực gia đình" sang "người bị bạo lực gia đình", tức không chỉ thay đổi về tên gọi mà còn thay đổi về nội hàm, khái niệm để làm thay đổi nhận thức; qua đó khẳng định quyền con người, xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với người yếu thế.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Hòa giải được xác định là biện pháp phòng ngừa, không thể thay thế biện pháp hành chính và xử phạt. Ngoài ra, luật sửa đổi còn bổ sung quy định cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Công an cấp xã trong phòng, chống bạo lực gia đình phù hợp với chức năng bảo đảm an ninh trật tự cơ sở của Công an cấp xã. Bổ sung hẳn một chương mới về điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng chống bạo lực gia đình.

Trong nội dung sửa đổi còn khuyến khích xã hội hóa, tạo ra hành lang pháp lý để có sự tham gia của các tổ chức xã hội nghề nghiệp. "Toàn xã hội cùng Đảng, Nhà nước để tiếp cận vấn đề phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc bởi gia đình là tế bào xã hội, là cái gốc của sự phát triển", Bộ trưởng nói.

Xây dựng, phát triển gia đình Việt Nam là gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng cho biết, dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cần tập trung vào các vấn đề về phạm vi sửa đổi, các hành vi bạo lực để bảo đảm bao quát các trường hợp bạo lực trong gia đình phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay; nghiên cứu quy định cụ thể về xã hội hóa trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và cơ chế phối hợp liên ngành bảo đảm cho hoạt động quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, dự thảo Luật phải bảo đảm tính khả thi cao của các quy định, kịp thời bảo vệ người bị bạo lực gia đình và người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình; đồng thời góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình và dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đức Hoàng

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×