Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Xây dựng nghệ thuật sân khấu thành thương hiệu

15/04/2022 | 09:47

Nghệ thuật sân khấu cần phải có nghĩa vụ tham gia xây dựng giá trị và hệ giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật sân khấu của mình trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế để góp phần hoàn thiện các chuẩn mực con người Việt Nam, để phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của con người Việt Nam hiện đại.

Theo PGS.TS Trần Trí Trắc, nghệ thuật sân khấu cách mạng Việt Nam, từ năm 1945 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã đi từ nghiệp dư, với mưa rừng, suối lũ, cơm nắm, nước khe, hành quân không ngủ, vai súng, tay đàn biểu diễn dưới ánh sáng dầu lạc, dầu sở, ánh đuốc trên bãi rừng, khe suối... đến nay đã trở nên chuyên nghiệp, hiện đại, hoành tráng trong nhà hát với điện sáng rực rỡ muôn màu. Ở đó đã có hàng ngàn tác phẩm xuất sắc để đời, hàng ngàn nghệ sĩ - chiến sĩ nổi danh với trình độ chuyên môn cao, sâu và có tâm, có tài. Nhiều người trong số họ đã nhận giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật, được phong tặng các danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú. Đặc biệt, đã có không ít nghệ sĩ được đặt tên phố ở Hà Nội và nhiều thành phố khác trên cả nước.

Xây dựng nghệ thuật sân khấu thành thương hiệu - Ảnh 1.

Nghệ thuật sân khấu cần phải có nghĩa vụ tham gia xây dựng giá trị và hệ giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật sân khấu của mình trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nghệ thuật sân khấu Việt Nam đã có mặt ở trận địa phòng không, ở các tuyến lửa biểu diễn động viên đồng bào, đồng chí chiến đấu. Nghệ thuật sân khấu đã đi sâu vào cuộc sống, ca ngợi những tấm gương anh hùng, thôi thúc chiến sĩ ra trận, đã chia ngọt sẻ bùi với nhân dân lấp hố bom mở đường ra trận...

Khi dứt tiếng súng, có hòa bình, nghệ thuật sân khấu cách mạng lại có mặt ngay Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh để hòa chung tiếng hát mừng chiến thắng.

Bảy mươi sáu năm qua, các nghệ sĩ sân khấu Việt Nam là những chiến sĩ, đã đem tâm huyết, trách nhiệm cao cả của mình để xây dựng nghệ thuật sân khấu cách mạng Việt Nam, đã cố gắng phản ánh chân thực, sinh động những bước đi của dân tộc và đã lý giải được phần nào quá trình chuyển hóa tính cách của con người Việt Nam lớn lên từ nghèo khó, lạc hậu, phong kiến qua khói lửa chiến tranh lâu dài, tàn khốc để thành con người mới xã hội chủ nghĩa". Những sáng tạo của họ rất phong phú về đề tài, đa dạng về chủ đề và sinh động về thể tài. Do đó, dù là lịch sử, dã sử, huyền thoại hay hiện đại hoặc nước ngoài; dù là bi kịch, hài kịch hay chính kịch, tuồng, chèo, cải lương, kịch nói, kịch dân ca... thì đều là tâm huyết với nội dung anh hùng ca, thể hiện những hình tượng cao đẹp biết đứng lên bằng đôi chân của mình để làm chủ bản thân, làm chủ xã hội, vượt qua mọi thử thách của hoàn cảnh để xây dựng nên một hệ giá trị Việt Nam: anh hùng, giàu lòng nhân ái, bao dung, chân thành, tín nghĩa theo tinh thần "mình vì mọi người và mọi người vì mình".

Nghệ thuật sân khấu Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã đi đúng hướng và trở thành một trong những nền sân khấu tiên tiến, hiện đại của thế giới hiện nay. Nghệ thuật sân khấu cách mạng Việt Nam, từ năm 1945 cho đến nay, có 5 thành tố cơ bản mang tính nội sinh: tác giả, đạo diễn, diễn viên, khán giả và nhà quản lý. Năm thành tố này, trong nghệ thuật sân khấu, không thể thiếu, không thể yếu và luôn luôn có mối quan hệ thống nhất biện chứng với nhau trong quá trình hình thành, phát triển.

Từ thực tế hoạt động 76 năm qua đã cho thấy, thành tố Nhà quản lý giữ vai trò chủ thể với chức năng tối cao: đặt ra đường lối, thành lập đơn vị nghệ thuật, định hướng sáng tác, chi phối lương bổng, điều hành mọi tổ chức, biên chế nhân sự, khen thưởng, kỷ luật, duyệt vở diễn...

PGS.TS Trần Trí Trắc dẫn chứng: Lấy năm 1948, có nhà quản lý đã "khai tử tuồng", vì cho rằng, tuồng là của giai cấp phong kiến, phong kiến bị đánh đổ, thì tuồng của nó phải "đổ" theo. Do đó, nghệ sĩ Võ Sĩ Thừa đã bị công an bắt giam bởi hát tuồng! Hay tác phẩm Tình ca của nhạc sĩ Hoàng Việt, khi mới ra đời, bị một nhà quản lý cho là bi lụy, yếu đuối nên đã "lưu kho" hơn 10 năm. Hoặc tác phẩm Tiếng hát giữa rừng Pác Bó của Nguyễn Tài Tuệ, khi mới ra đời cũng bị cho rằng: đây là bài hát có chất "then Tày" dành cho người chết, nên đã bị "huýt còi". Trích đoạn Cu Sứt trong vở Kim Nham bị nhà quản lý nhận xét có nội dung "con bất hiếu với cha" nên đã gạt ra khỏi danh sách trích đoạn hay của chèo cổ. Đoàn Cải lương ở một tỉnh cạnh Thủ đô đã có 43 tuổi đời, được khán giả yêu thích, nhưng nhà quản lý đã yêu cầu chuyển sang hát chèo, thành Đoàn Chèo. Đoàn Kịch Nha Trang (3 tuổi đời), Kịch Đà Nẵng (8 tuổi đời), Kịch Bình Trị Thiên (13 tuổi), Kịch Quảng Trị (17 tuổi) đều bị các nhà quản lý "khai tử", dù có nhiều thành tích lớn, vì không phải là thể loại truyền thống của địa phương.

Đặc biệt, hiện nay, các nhà hát chèo, tuồng, cải lương, kịch... nổi tiếng của các tỉnh đã bị các nhà quản lý "giải thể" và sáp nhập vào Trung tâm văn hóa nghệ thuật tỉnh, bởi vì, các nhà quản lý phải tiến hành "cải cách hành chính" giảm biên chế, giảm đầu mối...

Nghiên cứu mô hình "sáp nhập" của nghệ thuật suốt thời gian qua, ta thấy:

(1) Trình độ, năng lực, bản lĩnh người quản lý khó ngang tầm với tổ chức "sáp nhập" mới. Bởi vì, không ai có toàn tài "tổng hợp" để quản lý một đơn vị "tổng hợp" có nhiều loại hình, thể loại (tuồng, chèo, cải lương, kịch, ca múa nhạc, thông tin, tuyên truyền, dân ca, điện ảnh...) và cũng chưa có ai được đào tạo kiểu quản lý "tổng hợp" như thế. Cho nên, đơn vị thường xuyên sinh ra mâu thuẫn giữa nhà quản lý với các nghệ sĩ, giữa các loại hình, thể loại với nhau, đi cùng muôn vàn phức tạp và khó có trình độ quản lý toàn tài nào giải quyết được những mâu thuẫn đó.

(2) Cùng một đầu mối, nhưng kinh phí chi tiêu cho việc dàn dựng tiết mục mới của mỗi loại hình, thể loại không thể bình quân như nhau, nên không tránh khỏi những mâu thuẫn về kinh tế giữa thể loại này với thể loại khác.

(3) Nhu cầu của khán giả về phương thức nghệ thuật không đồng nhất nên loại hình, thể loại này được khán giả mời hợp đồng biểu diễn nhiều hơn hoặc ít hơn, làm cho giá trị của nghệ sĩ được đề cao và hạ thấp khác nhau, tạo ra những mâu thuẫn đạo đức nghề nghiệp trong nội bộ.

(4) Do nhu cầu thẩm mỹ của khán giả khác nhau, nên các hợp đồng biểu diễn của từng loại hình, thể loại không ngang bằng nhau, dẫn đến thu nhập của nghệ sĩ nhiều ít chênh lệch nhau khá xa, tạo nên mâu thuẫn về kinh tế, phân biệt giàu nghèo, đẳng cấp giữa các nghệ sĩ của các thể loại. Đây là vấn đề vô cùng nan giải.

(5) Vì một đầu mối phải giảm biên chế nhiều, nên khi dựng vở lớn đi tham gia Liên hoan toàn quốc, có đơn vị đã dùng toàn bộ nhân lực "vào cuộc" và biến tác phẩm của đơn vị thành thể loại, loại hình mới, mất đi cái bản sắc, thương hiệu vốn có. Ví dụ như ở Liên hoan nghệ thuật sân khấu chèo, tuồng chuyên nghiệp toàn quốc năm 2019, diễn viên của thể loại ca mới, múa hiện đại, kịch, cải lương...cùng diễn với diễn viên chèo hoặc tuồng).

(6) Hiện nay, nghệ thuật sân khấu Việt Nam đang đứng trước một vấn đề vô cùng khó khăn, đó là tình trạng vắng khán giả! Trước tình hình văn hóa ngoại lai ngày một xâm lấn qua các kênh truyền hình, mạng internet... làm cho nghệ thuật sân khấu càng vắng khán giả hơn. Đặc biệt, từ khi các đoàn nghệ thuật "sáp nhập" đã tạo ra tình trạng "nhiều vở yếu, thiếu vở hay", dẫn đến càng ít khán giả hơn, nên các nghệ sĩ đã "chân ngoài dài hơn chân trong", làm đủ nghề mưu sinh, kiếm sống, biến thánh đường - ngôi nhà sáng tạo nghệ thuật chung nhiều khi bị "hoang vắng" thảm hại và khó có thể đưa nghệ thuật sân khấu tiến lên hiện đại ngang tầm với cách mạng công nghiệp 4.0.

Xây dựng nghệ thuật sân khấu thành thương hiệu - Ảnh 2.

Đứng trước tình cảnh của cơ chế tự chủ theo hình thức sáp nhập trên, chúng ta liên hệ tới các đơn vị nghệ thuật của Trung ương và Hà Nội thì nhận thấy rằng:

Thứ nhất, cùng thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, nhưng các đơn vị nghệ thuật sân khấu Trung ương và Hà Nội chưa vội vàng tiến hành "sáp nhập" ngay như các tỉnh. Vậy, ai sớm, ai muộn và ai đúng, ai sai khi thực hiện Nghị quyết của Đảng? Thiết nghĩ, các đơn vị nghệ thuật Trung ương và Hà Nội đã không sai.

Thứ hai, các đơn vị nghệ thuật sân khấu Trung ương và Hà Nội tuy không "sáp nhập" ngay như các tỉnh, nhưng họ vẫn thực hiện được các công việc của định hướng từ Nghị quyết số 19-NQ/TWlà: giảm biên chế, giảm đầu mối, giảm chi tiêu 10% ngân sách nhà nước, tổ chức không bị xáo trộn. Và các tiết mục của họ không hề bị biến đổi bản sắc loại hình, thể loại; không mất "thương hiệu đặc thù" vốn có, mà còn gặt hái thành công lớn ở các cuộc liên hoan cũng như nhận được sự hâm mộ của khán giả... Như vậy, hiển nhiên, thực hiện cơ chế tự chủ không nhất thiết phải tiến hành "sáp nhập các đơn vị" và điều này chưa chắc đã thực hiện được định hướng:tinh gọn, cơ cấu hợp lý, quản trị tiên tiến, hiệu quả, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải, trùng lặp... thúc đẩy đơn vị sự nghiệp công lập phát triển lành mạnh: nâng cao chất lượng các sản phẩm...

Thứ ba, cơ chế tự chủ của các đơn vị nghệ thuật sân khấu các tỉnh thời gian qua không phải từ nghệ sĩ, bằng nghệ sĩ, vì nghệ sĩ mà từ lãnh đạo, từ nhà quản lý các tỉnh theo tinh thần cải cách hành chính. Lãnh đạo quản lý các tỉnh bắt nghệ sĩ làm gì, làm thế nào thì nghệ sĩ phải chấp hành, dù việc làm đó chưa hoàn toàn hợp lý, hợp với ý Đảng, lòng dân. Bởi vì, các nghệ sĩ không được tự mình làm chủ trong cơ chế tự chủ về nhân sự, về hoạt động, về tổ chức, về tài chính, về sáng tạo. Vì vậy, cơ chế tự chủ theo Nghị quyết số 19-NQ/TW của Đảng thì cần phải tuân theo nguyên tắc: Đảng đề ra đường lối, đề ra lộ trình, còn nghệ sĩ tự giác làm và làm bằng chính tài năng sáng tạo của mình, để cơ chế tự chủ thành nghệ sĩ tự chủ.

Rất tiếc, phương châm này không được thực hiện đầy đủ nên nghệ thuật sân khấu Việt Nam thời gian qua đã không hoàn thành nhiệm vụ mà Nghị quyết số 19-NQ/TW đề ra là thúc đẩy các đơn vị sự nghiệp công lập nghệ thuật lành mạnh, nâng cao chất lượng và số lượng các sản phẩm. Cơ chế tự chủ trong nghệ thuật sân khấu Việt Nam hôm nay là vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế và đang đòi hỏi nghệ sĩ phải "lột xác" để thực hiện được mục đích tối cao là sân khấu phải thỏa mãn được nhu cầu mưu sinh về vật chất cho nghệ sĩ. Hiện nay, "sân khấu sáp nhập vào với các đơn vị khác" không thực hiện được mục đích này, nên cơ chế tự chủ trở thành vô nghĩa và vô tâm.

Như vậy, thông qua thực tế trên, rõ ràng nghệ thuật sân khấu Việt Nam đã thuộc về nhà quản lý, nên đây là hạn chế thuộc về cá nhân nhà quản lý. Bởi vì, nếu nhà quản lý nào am tường sâu sắc nghệ thuật sân khấu thì nghệ thuật sân khấu trong phạm vi quản lý của họ sẽ được phát triển toàn diện, mạnh mẽ. Sự thật này, ở phần trên đã minh giải và khẳng định hiển nhiên bằng thành tựu của nền nghệ thuật sân khấu cách mạng đó sao?

Xuất phát từ trình độ của nhà quản lý bị hạn chế, yếu kém, không có năng lực để thể hiện các nghị quyết đúng đắn của Đảng vào thực tiễn, nên chủ trương về xã hội hóa, về tự chủ của nghệ thuật sân khấu đầy lúng túng và dẫn đến thực trạng mâu thuẫn:

Mở nhiều trại sáng tác thường xuyên, nhưng nghệ thuật sân khấu vẫn "nhiều vở yếu, thiếu vở hay".

Tổ chức liên hoan, hội diễn, cuộc thi với nhiều huy chương vàng, bạc mà vẫn chưa có tác phẩm đỉnh cao, chưa có nhiều tác dụng tích cực đối với con người.

Phong tặng rất nhiều danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật mà nghệ thuật sân khấu vẫn không có khán giả.

Nhà nước đặt hàng tác phẩm với chi phí cao mà nghệ thuật sân khấu vẫn chưa được "tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc".

Nhà nước đầu tư tích cực cho sân khấu thử nghiệm trong và ngoài nước mà nghệ thuật sân khấu vẫn cũ kỹ, lạc hậu.

Nhà nước có các chính sách ưu đãi cho sự nghiệp đào tạo nghệ sĩ, nhưng các trường đại học sân khấu - điện ảnh, trung cấp văn hóa nghệ thuật vẫn không thu hút được nhiều sinh viên.

Nhà nước có nhiều chế độ ưu đãi nhằm nâng cao đời sống văn nghệ sĩ, nhưng không ít nghệ sĩ vẫn nghèo khó.

Xây dựng nghệ thuật sân khấu thành thương hiệu - Ảnh 3.

Cần đào tạo một đội ngũ quản lý ngành nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp, có trình độ cao

Ông chỉ ra những giải pháp cấp thiết như sau:

Một là, cần đào tạo một đội ngũ quản lý ngành nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp, có trình độ cao; vừa giỏi quản lý nhà nước, vừa tài quản lý sự nghiệp và biết vận dụng khéo léo các nghị quyết của Đảng vào thực tiễn sáng tạo của văn nghệ sĩ, khơi dậy khát vọng cho văn nghệ sĩ sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị lớn về tư tưởng và nghệ thuật, hữu ích cho "cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín thế giới" của đất nước ta.

Hai là, cần có kế hoạch tuyên truyền, đào tạo văn nghệ sĩ để văn nghệ sĩ nhận thức, thấm nhuần sâu sắc về đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, về những nội dung: khoa học, dân tộc, đại chúng, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, về cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về xã hội hóa sân khấu và sân khấu tự chủ... để nhiệt tình sáng tạo giải quyết những mâu thuẫn giữa phục vụ chính trị với thương mại; giữa tuyên truyền giáo dục với giải trí; giữa truyền thống với hiện đại; giữa dân tộc với quốc tế... Đặc biệt, Đảng cần giúp cho văn nghệ sĩ nhận thức được sự vận động lớn của dân tộc từ chiến tranh sang hòa bình, từ chế độ bao cấp đến cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, từ dân tộc đến hội nhập quốc tế, từ đói nghèo đến dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, từ văn hóa nông nghiệp lúa nước, trọng tĩnh, trọng tình sang công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kinh tế số, trọng động, trọng lý...

Ba là, cần đào tạo hai thành tố quan trọng của nghệ thuật sân khấu là tác giả và khán giả. Nếu hai thành tố này bị thiếu hoặc yếu thì các thành tố khác (đạo diễn, diễn viên, quản lý) cũng trở thành vô nghĩa. Vì, không có "bột" sao gột được nên hồ, không có khán giả thì diễn cho ai xem?

Bốn là, cần xây dựng Luật Nghệ thuật sân khấu, hệ thống chính sách mới cho phù hợp với nghệ thuật sân khấu trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế.

Không có những chính sách và lộ trình của nghệ thuật sân khấu thì mọi giải pháp đều trở nên vô nghĩa. Văn học, nghệ thuật nói chung và nghệ thuật sân khấu nói riêng muôn thưở phải mang trong mình chức năng thiêng liêng là nhân văn, thẩm mỹ, với trách nhiệm của văn nghệ sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Nghệ thuật sân khấu cần phải có nghĩa vụ tham gia xây dựng giá trị và hệ giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật sân khấu của mình trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế để góp phần hoàn thiện các chuẩn mực con người Việt Nam, để phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của con người Việt Nam hiện đại./.

Hồng Hà (lược ghi)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×