Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Xây dựng khu công viên văn hóa lịch sử gắn với đền thờ Đức vua Trần Nhân Tông

19/08/2013 | 10:02

(VP) - Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 6708/VPCP_KGVX cho ý kiến về dự án xây dựng khu công viên văn hóa lịch sử và đền thờ Đức vua Trần Nhân Tông tại thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.

Theo văn bản, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân hoan nghênh ý tưởng của Trung tâm UNESCO nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam về việc xây dựng khu công viên văn hóa lịch sử gắn với đền thờ Đức vua Trần Nhân Tông.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân giao UBND tỉnh Sơn La chủ trì, phối hợp với Trung tâm UNESCO nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam lập dự án xây dựng đền thờ Đức vua Trần Nhân Tông tại thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. Đồng thời lấy ý kiến thẩm định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về quy mô và nội dung chuyên môn của dự án theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa và phê duyệt theo thẩm quyền.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Trung tâm UNESCO nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam làm việc cụ thể với Ban Tôn giáo tỉnh Sơn La và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La làm rõ mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng ngôi đền để phù hợp, hài hòa trong tổng thể khu công viên văn hóa lịch sử.

Đức vua Trần Nhân Tông (1258-1308) được sử sách ca ngợi là một trong những vị vua anh minh, nhân cách nhất trong lịch sử Việt Nam. Ông có công lãnh đạo mở mang bờ cõi đất nước, trấn an, dẹp loạn, định hình và củng cố, ổn định cương vực lãnh thổ đối với nhiều vùng, trong đó có vùng Tây Bắc Việt Nam.

Ông còn có công lãnh đạo cuộc kháng chiến oanh liệt đánh thắng quân Nguyên-Mông lần thứ 2 và lần thứ 3, góp phần quyết định làm thay đổi cục diện thế giới lúc bấy giờ. Có công sáng lập, phát triển Thiền phái Trúc Lâm trong đạo Phật ở Việt Nam. Vì vậy, ông là người duy nhất được người dân tôn kính gọi là Đức Vua-Phật Hoàng.

Ông còn là một nhà sáng tác và là tác giả của nhiều tác phẩm về Phật học cũng như nhiều bài thơ Thiền xuất sắc trong dòng văn học thời Lý-Trần. Ông là đỉnh cao của tư tưởng dân chủ, hoà hợp, hoà giải, đoàn kết dân tộc, thu phục nhân tài thời bấy giờ.

Sau khi đánh thắng giặc Nguyên Mông lần thứ 2, đất nước đi vào phát triển ổn định, ông nhường ngôi cho con ở tuổi chưa đầy 40 để làm Thái Thượng hoàng một số năm rồi xuất gia để tập trung phát triển Phật giáo mang bản sắc Việt Nam. Không màng tham quyền cố vị, từ bỏ ngai vàng cùng vinh hoa phú quý là một nhân cách hiếm có từ cổ chí kim ở nước ta và trên thế giới. Nhân dân ta lập đền thờ, tượng đài và đặt tên đường phố mang tên ông ở nhiều nơi.

Dự án xây dựng khu công viên văn hóa lịch sử và đền thờ Đức vua Trần Nhân Tông được thực hiện sẽ là một điểm nhấn có giá trị về văn hoá, lịch sử, tâm linh, có giá trị giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc; giáo dục tinh thần đoàn kết các dân tộc; giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh người hiền tài… cho các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau.

HCTC


Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×