Xây dựng hình ảnh và thương hiệu đặc trưng của du lịch Tây Ninh
30/08/2024 | 10:34Di sản văn hoá nói chung, di tích nói riêng là sự kết tinh của quá trình lao động, sáng tạo không ngừng nghỉ của thế hệ cha ông đi trước. Do vậy, bảo tồn, gìn giữ giá trị các di tích vừa là trách nhiệm, vừa là giải pháp nhằm góp phần xây dựng và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong bối cảnh hiện nay.
Giáo dục thế hệ trẻ tình yêu quê hương
Tại Tây Ninh, các di sản văn hoá được nhận diện giá trị, bảo tồn và phát huy, góp phần không nhỏ vào việc giáo dục lịch sử, vun đắp truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Việc nhận diện giá trị văn hoá của di tích đã và đang thể hiện ngày càng rõ vai trò trong giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện, hình thành nên nguồn nhân lực đóng góp trực tiếp, quyết định vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Trong phiên chất vấn lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch tại kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh, các đại biểu quan tâm đến việc phân bổ ngân sách để trùng tu, bảo tồn; tình trạng thiếu thuyết minh viên; số hoá dữ liệu di tích lịch sử; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với di tích… Giám đốc Sở VHTTDL Trần Anh Minh cho biết, phát huy giá trị của các di tích lịch sử, văn hoá, ngành đã tham mưu UBND tỉnh đưa 10 di tích tiềm năng vào kế hoạch quảng bá du lịch. Hiện nay, một số di tích đang gấp rút được đầu tư, ngành phối hợp với Saigontourist để quảng bá các di sản, di tích trên địa bàn tỉnh ra tỉnh bạn và thế giới.
Những năm gần đây, Tây Ninh có nhiều tấm gương trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá đã được biểu dương, lan toả trong đời sống xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá. Hoạt động giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế có bước phát triển mới, góp phần quảng bá các giá trị văn hoá Việt Nam nói chung và di sản văn hoá Tây Ninh nói riêng ra thế giới.
Cô Phạm Thị Diễm An - giáo viên Trường mầm non Hoa Mai (huyện Tân Biên) là một trong những gương điển hình về việc giáo dục thế hệ trẻ tình yêu quê hương, đất nước qua những di tích lịch sử, qua từng điệu múa dân tộc. “Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tân Phong - nơi toạ lạc của nhiều di tích lịch sử - văn hoá, tôi mang trong mình tình yêu nước nồng nàn cùng niềm tự hào về mảnh đất và con người nơi đây. Chính vì thế, tôi luôn giáo dục các bé thiếu nhi hiểu được những nét đẹp văn hoá, mang đậm bản sắc dân tộc” - cô Diễm An chia sẻ.
Trong các hoạt động ngoại khoá, cô Diễm An sẽ đưa các bé đến tham quan di tích tháp cổ Chót Mạt, để các bé có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của kiến trúc tháp cổ, đồng thời được nghe về lịch sử của ngôi tháp này, được đặt bàn tay nhỏ bé lên từng viên gạch rêu phong để cảm nhận sự kỳ bí nơi đây. Đặc biệt, cô Diễm An còn dạy cho các bé điệu múa Chăm cổ, điệu múa Apsara. Cô còn tự tay thiết kế và chăm chút từng bộ trang phục, từng chiếc mũ múa cho các con, thổi hồn vào điệu múa và đưa các con đi biểu diễn nhiều nơi để các bé thêm hiểu biết và tự hào về các di tích lịch sử văn hoá của Tây Ninh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, nhiều cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng sử dụng hiệu quả di sản văn hoá trong việc giáo dục thế hệ trẻ, chẳng hạn, Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen thường biểu diễn múa trống Chhay-dăm và trình diễn nghệ thuật đờn ca tài tử để phục vụ du khách. Hay tại xã Trường Tây, thị xã Hoà Thành, cô Cao Thị Thu Loan (sinh năm 1983) tổ chức lớp dạy múa trống Chhay-dăm cho các em thiếu nhi là đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn… Những lớp truyền dạy, các không gian di sản văn hoá tại các điểm/khu du lịch như trên không chỉ trở thành sản phẩm văn hoá - thương mại góp phần tạo ra sự tăng trưởng kinh tế, mà còn lan toả giá trị di sản, phát triển xã hội hài hoà, nhân văn và đậm đà bản sắc dân tộc.
Phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế của các di sản
Theo Sở VHTTDL, để phát huy hơn nữa những tiềm năng, lợi thế của di sản văn hoá trong phát triển du lịch, thời gian tới, Tây Ninh tiếp tục khai thác, phát huy các giá trị di sản văn hoá đã được kiểm kê, hình thành nhằm xây dựng, tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo của tỉnh như du lịch tâm linh, sinh thái, di sản, văn hoá, lễ hội, ẩm thực, làng nghề... Ngoài ra, thông qua du lịch, Tây Ninh đẩy mạnh việc đầu tư, tôn tạo hệ thống các di tích, các công trình kiến trúc nghệ thuật của tỉnh; nâng cao nhận thức của cộng đồng, người dân trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá đặc trưng dân tộc, giá trị các di sản văn hoá phi vật thể.
Tỉnh cũng đẩy mạnh công tác kiểm kê các loại hình văn hoá dân tộc truyền thống để chọn lọc các loại hình tiêu biểu, đặc trưng, đặc sắc vừa bảo tồn vừa phát huy giá trị kết nối phát triển du lịch, qua đó phát triển, đa dạng hoá các sản phẩm du lịch đi đôi với bảo tồn, phát huy giá trị di tích văn hoá, lịch sử; xây dựng hình ảnh và thương hiệu đặc trưng của du lịch Tây Ninh trên bản đồ du lịch Việt Nam, khu vực và quốc tế.
Quảng bá, tuyên truyền các lễ hội, di sản văn hoá vật thể và phi vật thể, các đặc sản ẩm thực, các làng nghề truyền thống của tỉnh; phát huy thương hiệu điểm đến Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam - thủ đô cách mạng miền Nam; chỉnh trang, trùng tu tôn tạo các di tích, xây dựng bãi đỗ xe, khu vực phục vụ ăn uống, bán đồ lưu niệm để phát huy tối đa giá trị của di tích.
Bên cạnh đó, tỉnh liên kết, hỗ trợ các doanh nghiệp để phát triển sản phẩm địa phương, phát huy giá trị của mãng cầu Tây Ninh, muối ớt Tây Ninh, bánh tráng phơi sương Trảng Bàng...; tổ chức lễ hội để vinh danh các đặc sản địa phương, các làng nghề truyền thống; tăng cường thông tin, quảng bá các giá trị văn hoá đặc trưng, tiêu biểu, truyền thống dân tộc; có chính sách khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng, hình thành các điểm đến, tăng cường liên kết, phát triển các tuyến điểm du lịch; bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch cộng đồng.