Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc luôn là mục tiêu nhất quán của Đảng và Nhà nước

19/03/2020 | 14:35

Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội luôn là mục tiêu chung mà Đảng, Nhà nước đã xác định và đặt ra.

Xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc luôn được đặt ra

Trong bài nói chuyện tại Hội nghị thảo luận Dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình tháng 01/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình".

Hiến pháp sửa đổi năm 2013 tiếp tục khẳng định gia đình là tế bào của xã hội. Luật Hôn nhân và gia đình ban hành năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) đề cao vị trí, vai trò của gia đình trong đời sống xã hội, giữ gìn những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc, xóa bỏ những tập tục lỗi thời lạc hậu về hôn nhân và gia đình, nâng cao trách nhiệm của cá nhân và xã hội trong việc củng cố thiết chế gia đình, trong đó đặc biệt quan tâm bảo vệ hạnh phúc cá nhân và hạnh phúc gia đình với cấu trúc hôn nhân "một vợ, một chồng". Luật Bình đẳng giới (năm 2007); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (năm 2008); Pháp lệnh Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; Chiến lược quốc gia về xây dựng gia đình Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020, tầm nhìn 2030 đều hướng đến mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bồi đắp thêm những giá trị chuẩn mực gia đình Việt Nam.

Xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc luôn là mục tiêu nhất quán của Đảng và Nhà nước - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tại Quyết định số 629/QĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 29/5/2012 phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 cũng đã nêu rõ quan điểm: Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc là một trong các mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, đồng thời cũng là trách nhiệm của mọi gia đình trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước… Với mục tiêu chung của Chiến lược là xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội.

Trong Hội thảo khoa học "Gia đình Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế" được tổ chức vào ngày 4/10/2019, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - ông Nguyễn Thanh Long một lần nữa khẳng định quan điểm: "Gia đình là một thiết chế xã hội quan trọng đối với sự phát triển xã hội, cộng đồng và mỗi cá nhân, đặc biệt là đối với trẻ em, người cao tuổi, người ốm đau, bệnh tật; là môi trường lưu giữ và phát triển các giá trị văn hóa của dân tộc. Phát triển gia đình là nhiệm vụ có tính chiến lược của sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam. Đảng và Nhà nước luôn khẳng định xây dựng gia đình là vấn đề lớn, hết sức hệ trọng của dân tộc và của thời đại, đầu tư cho gia đình là đầu tư cho sự nghiệp phát triển bền vững. Trong Cương lĩnh chính trị, Đảng ta đã xác định mục tiêu "Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách".

Nhiều văn bản chỉ đạo hướng đến mục tiêu xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no

Trong năm 2019, lần đầu tiên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành và tổ chức thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình nhằm ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình, nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững, cũng như hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội. 12 tỉnh, thành đại diện cho các vùng miền trên cả nước được Bộ lựa chọn thí điểm, nhiều tỉnh/thành khác cũng đã chủ động thực hiện thí điểm theo hướng dẫn của Bộ và thu được nhiều kết quả tích cực. Từ những kết quả đạt được, năm 2020 Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tiếp tục được thực hiện thí điểm tới các tỉnh thành trên cả nước.

Ngày 23/ 12/ 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1863/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 – 2025. Theo đó, nhiều mục tiêu cụ thể được đưa ra như: Phấn đấu 100% gia đình có trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em bằng các hình thức khác nhau; 100% học sinh được hướng dẫn, giáo dục kiến thức, kỹ năng sống và kỹ năng tự bảo vệ trước các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục với nội dung phù hợp với lứa tuổi; Phấn đấu 100% cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, cộng tác viên, tình nguyện viên được nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em; dịch vụ bảo vệ trẻ em, đặc biệt là dịch vụ bảo vệ trẻ em trong trường hợp khẩn cấp được củng cố và phát triển ở tất cả các tỉnh, thành phố…

Xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc luôn là mục tiêu nhất quán của Đảng và Nhà nước - Ảnh 3.

Ngày 4/2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 08/CT-TTg về Đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Tại Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra những yêu cầu cụ thể đối với các Bộ (VHTTDL, Công an, Tài chính, Y tế, Giáo dục và Đào tạo…) cùng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhằm đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình trong thời gian tới.

Như vậy có thể thấy công tác gia đình luôn nhạn được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của các cấp, nhằm hướng đến mục tiêu chung là xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội.

Nhị Xuân

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×