Xây dựng dự thảo Nghị định về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh
08/07/2024 | 20:20Chiều 8/7, tại Hà Nội, đã diễn ra phiên họp lần thứ nhất của Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 22/2022/NĐ-CP ngày 25/3 năm 2022, bị bãi bỏ một phần bởi Nghị định số 131/2022/NĐ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh (sau đây gọi là Dự thảo Nghị định). Ông Phạm Cao Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VHTTDL chủ trì cuộc họp.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 32/2012/NĐ-CP nhằm cắt giảm, minh bạch hóa các thủ tục hành chính; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ VHTTDL để thực hiện mục tiêu "rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thành phần hồ sơ và tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau" tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021- 2030 và Nghị quyết số 131/NQ- CP ngày 06 tháng 10 năm 2022 Về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Thứ hai, ban hành Nghị định sửa đổi nhằm thực hiện nhiệm vụ tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09 tháng 11 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới: "Tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả các lĩnh vực, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước".
Thứ ba, Luật Điện ảnh năm 2022, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2023 và văn bản hướng dẫn thi hành đã có quy định điều chỉnh về việc xuất khẩu, nhập khẩu phim. Do vậy, cần bãi bỏ những quy định về xuất khẩu, nhập khẩu phim khỏi đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 32/2012/NĐ- CP do quy định này không còn phù hợp với Luật Điện ảnh. Cụ thể: khoản 2 Điều 7 Nghị định số 32/2012/NĐ-CP quy định: "Các loại văn hóa phẩm dưới đây phải được cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch giám định trước khi xuất khẩu Các loại phim của các cơ quan, tổ chức hoặc phim hợp tác cung cấp dịch vụ làm phim cho nước ngoài chữa được công bố, phổ biến." Trong khi khoản 1 Điều 17 Luật Điện ảnh năm 2012 quy định: "Tổ chức, cá nhân chỉ được xuất khẩu phim đã được cấp Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng". Mặt khác, "phim của các cơ quan, tổ chức hoặc phim hợp tác cung cấp dịch vụ làm phim cho nước ngoài chưa được công bố, phổ biển" quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 32/2012/NĐ-CP bản chất là những phim chưa hoàn chỉnh, chưa phải là tác phẩm điện ảnh, gồm những đoạn dữ liệu ghi hình, ghi tiếng, ghi tư liệu để đưa sang nước ngoài làm hậu kỳ, phục vụ dựng thành một bộ phim (phim hợp tác cung cấp dịch vụ làm phim cho nước ngoài) chưa được công bố, phổ biến. Đây là sản phẩm của một trong những công đoạn sản xuất phim. Nội dung sản phẩm này phải tuân thủ khoản 1 Điều 9 Luật Điện ảnh về những nội dung bị nghiêm cấm trong hoạt động Điện ảnh. Do vậy, cần quy định về giám định văn hóa phẩm này trước khi xuất khẩu tại Nghị định.
Thứ tư, dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) dự kiến được trình Quốc hội thông qua vào tháng 10 năm 2024 sẽ điều chỉnh nội dung về việc đưa di vật, cổ vật ra, vào lãnh thổ Việt Nam. Mặt khác, Nghị định số 32/2012/NĐ-CP có một số quy định chưa thống nhất với pháp luật về di sản văn hóa. Cụ thể: tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 32/2012/NĐ-CP quy định trước khi xuất khẩu di vật, cổ vật phải thực hiện thủ tục giám định. Điều 20 và 21 Nghị định số 98/2010/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, theo đó xuất khẩu di vật, cổ vật được phải được cấp phép. Luật Di sản văn hóa hiện hành không quy định về cấp phép nhập khẩu di vật, cổ vật. Trên thực tế, nhằm thực hiện chính sách tại Điều 8 và Điều 9 Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) thì Nhà nước khuyến khích việc sưu tầm đưa di vật, cổ vật Việt Nam từ nước ngoài trở về nước. Tuy nhiên, theo điểm c khoản 1 và điểm d khoản 2 Điều 8 Nghị định số 32/2012/NĐ-CP, thì việc mang di vật, cổ vật vào Việt Nam phải thực hiện thủ tục cấp phép nhập khẩu. Thủ tục cấp phép nhập khẩu di vật, cổ vật nhằm kiểm soát nội dung văn hóa phẩm, đồng thời bảo đảm thực hiện đúng mục đích sử dụng là "không kinh doanh. Vì vậy, để tránh Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 32/2012/NĐ-CP được ban hành trái Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), cần rà soát để quy định những nội dung về di vật, cổ vật tại Nghị định chỉ có hiệu lực đến thời điểm Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được ban hành.
Thứ năm, cần sửa đổi thủ tục hành chính nhập khẩu văn hóa phẩm cho phù hợp với Luật Hải quan năm 2014.
Cũng theo ông Sơn, mục đích ban hành văn bản nhằm hoàn thiện, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nhập khẩu, xuất khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh theo quy định của pháp luật; Đáp ứng nhu cầu phát triển của công nghiệp văn hóa, công nghệ số 4.0 và những thay đổi của xã hội; Bảo đảm không có sự chồng chéo trong quy định của pháp luật về xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm trên cơ sở rà soát loại bỏ quy định thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Điện ảnh và dự kiến bãi bỏ những quy định pháp luật sẽ được điều chỉnh bởi Luật Di sản văn hóa (sửa đổi, dự kiến được trình Quốc hội thông qua vào tháng 10 năm 2024), bảo đảm sự phù hợp với các quy định của Luật Hải quan năm 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Bố cục Dự thảo Nghị định ngoài phần căn cứ pháp lý, nội dung được chia thành 4 điều bao gồm: Điều 1 sửa đổi, bổ sung các quy định của Nghị định số 32/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 22/2022/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2022 của Chính phủ và đã bị bãi bỏ một phần bởi Nghị định số 131/2022/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh.
Điều 2 bãi bỏ, thay thế một số cụm từ, điểm, khoản, điều của Nghị định số. 32/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 22/2022/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2022 của Chính phủ và đã bị bãi bỏ một phần bởi Nghị định số 131/2022/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh.
Điều 3 quy định trách nhiệm tổ chức thực hiện. Điều 4 quy định hiệu lực thi hành.
Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị liên quan đã đóng góp 12 ý kiến nhằm hoàn thiện Dự thảo Nghị định.
Theo ông Phạm Cao Thái, sau phiên họp, Tổ Biên tập sẽ ghi nhận, tổng hợp các ý kiến góp ý, hoàn thiện Dự thảo Nghị định, trình Lãnh đạo Bộ xem xét. Sau đó, Dự thảo Nghị định tiếp tục được đăng tải trên Cổng thông tin Bộ VHTTDL, Cổng Thông tin Chính phủ để lấy ý kiến rộng rãi trước khi hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ./.