Xây dựng đời sống văn hóa gắn với phát triển du lịch tại Hà Giang
25/04/2022 | 13:24Đồng bào dân tộc Mông có hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng. Thời gian qua, việc bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mông trong phát triển du lịch có nhiều chuyển biến tích cực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang.
Tại Hà Giang, đồng bào dân tộc Mông có hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng. Đây là nguồn tài nguyên du lịch quan trọng, là tiềm năng, lợi thế phát triển mạnh mẽ và tạo sinh kế cho người dân. Bên cạnh đó, vùng đồng bào dân tộc Mông còn là vùng văn hóa đa dạng với nhiều sắc thái văn hóa đặc sắc, hấp dẫn. Đây là nguồn lực văn hóa giàu giá trị, trực tiếp tạo nên các sản phẩm du lịch di sản mang tính đặc thù, như lễ hội Khèn Mông, nghệ thuật thổi và múa Khèn Mông, ngày hội văn hóa dân tộc Mông... Các loại hình canh tác trên hốc đá, trên ruộng bậc thang đều tạo ra vẻ đẹp hấp dẫn của du lịch trải nghiệm... Như vậy, tính đa dạng, phong phú của các giá trị văn hóa tộc Mông đã tạo nên sức hút cho phát triển du lịch.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang, bảo tồn giá trị văn hóa trong phát triển du lịch ở vùng đồng bào dân tộc Mông đã tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân. Trước hết, du lịch văn hóa góp phần chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân tộc tham gia vào các chuỗi du lịch, chuyển đổi hình thức kinh tế từ độc canh cây ngô, lúa sang làm du lịch. Tiêu biểu như điểm du lịch cộng đồng dân tộc Mông Pả Vi Hạ, trung bình mỗi năm đón trên 100.000 lượt khách du lịch đến tham quan và lưu trú, doanh thu ước đạt hơn 7,4 tỷ đồng.
Để đạt được những kết quả đạt được như trên, bên cạnh sự quan tâm và những cơ chế chính sách kịp thời của Trung ương và của tỉnh Hà Giang trong công tác bảo tồn văn hóa dân tộc Mông, ngành văn hóa, thể thao và du lịch Hà Giang cũng đã chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực hàng năm thông qua các lớp tập huấn về nghiệp vụ, kỹ năng trong vận hành khai thác du lịch; qua đó đã nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn gắn với phát triển du lịch trong đó có đồng bào dân tộc Mông.
Bên cạnh đó, nhờ phát triển du lịch, nhiều giá trị văn hóa trước đây bị mai một nay đã được phục hồi, như nghề làm Khèn (Đồng Văn), dệt lanh (Lùng Tám, Cán Tỷ huyện Quản Bạ) và các loại hình văn hóa dân gian. Du lịch đã khơi dậy niềm tự hào của người dân về văn hóa truyền thống dân tộc, quảng bá hình ảnh của quê hương, đất nước và con người nơi đây đến với cả nước và quốc tế.
Tại hội thảo “Bản sắc văn hóa dân tộc Mông và vai trò của phụ nữ trong phát triển du lịch và kinh tế - xã hội tại Hà Giang” mới được tổ chức, bà Triệu Thị Tình – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang cho biết đến nay Hà Giang đã có 02 làng văn hóa du lịch, 07 làng nghề truyền thống dân tộc Mông được tỉnh công nhận, bên cạnh đó còn rất nhiều sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, đồ thủ công mỹ nghệ, các khu điểm du lịch mang phong cách văn hóa kiến trúc đặc trưng dân tộc Mông.
Giá trị văn hóa tộc người bổ sung các loại hình dịch vụ mới cho du lịch. Ở một số làng du lịch cộng đồng, người dân tổ chức nhiều trò chơi, trò diễn dân gian, thậm chí có nơi còn tổ chức cho nam, nữ thanh niên du khách đi cà kheo tham quan một số điểm du lịch. Dịch vụ ẩm thực cũng thực sự trở thành một lĩnh vực có nhiều sáng tạo phát huy giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống.
Đến với các làng người Mông, du khách còn được thưởng thức các món ẩm thực đặc trưng của từng tộc người. Không chỉ được thưởng thức mà du khách còn được tham gia trải nghiệm, làm bếp với các món thắng cố, mèn mén, ủ men rượu của người Mông. Không chỉ tổ chức trải nghiệm việc ngủ trong những căn nhà truyền thống, một số điểm du lịch còn có sáng kiến tổ chức ngủ lều, ngủ tại những cánh rừng... Có thể thấy, trong tất cả các khâu kinh doanh du lịch, văn hóa đều đóng vai trò quan trọng, góp phần tăng sức hút du khách, tạo nên nét đặc thù, bản sắc riêng trong phát triển du lịch.
Bà Triệu Thị Tình cho rằng, những người dân ở địa phương là chủ nhân của các điểm du lịch cần được khuyến khích tự nguyện tham gia hoạt động du lịch văn hóa một cách sáng tạo. Cần xây dựng các ban quản lý du lịch văn hóa, có quy chế hoạt động thiết thực, dân chủ để bảo đảm hoạt động du lịch hiệu quả; người dân địa phương được hưởng lợi phù hợp, góp phần xóa đói, giảm nghèo đa chiều bền vững.
Ngoài ra, các địa phương cần tiến hành xây dựng, hoàn thiện việc quy hoạch các điểm du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, không để người dân tự phát, tự xây dựng các điểm du lịch cộng đồng, du lịch lưu trú tại gia (homestay). Cần cân nhắc việc triển khai hoạt động du lịch tại một số di tích, di sản văn hóa dễ bị tổn thương, biến dạng trong quá trình phát triển. Trong quy hoạch du lịch, phải đặc biệt khuyến khích phát triển các loại hình du lịch có trách nhiệm gắn với văn hóa cộng đồng, tôn trọng tính đa dạng văn hóa, tính chỉnh thể nguyên hợp của các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Mông nói riêng./.