Xây dựng đội ngũ trí thức ngành sáng tạo ra các sản phẩm VHNT đạt được đỉnh cao nghệ thuật, kỷ lục thể thao quốc gia và quốc tế, thu hút nhiều khách du lịch
03/07/2010 | 11:51(VP) - Đó là mục tiêu của Đề án "Xây dựng đội ngũ trí thức ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến năm 2020" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 958/QĐ-TTg, ngày 24/6/2010.

Gặp mặt cá nhân tiêu biểu xuất sắc ngành VHTTDL năm 2008
Hiện ngành VHTTDL có 45.091 trí thức. Ngoài ra ước tính còn có khoảng 30.000 trí thức là giáo viên dạy thể dục, dạy nhạc, họa ở 12.961 trường phổ thông, giáo viên thể dục ở 345 trường cao đẳng, đại học trong toàn quốc và 5.000 trí thức hoạt động về văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch thuộc các ngành khác. Về trình độ đào tạo, có 9 tiến sĩ khoa học, chiếm 0,02%; 384 tiến sĩ, chiếm 0,85%; 1.610 thạc sĩ, chiếm 3,57%; 37.330 trí thức trình độ đại học, chiếm 82,79% và 5.758 trí thức trình độ cao đẳng, chiếm 12,77% tổng số trí thức thống kê được trong ngành. |
Việc triển khai thực hiện “Xây dựng đội ngũ trí thức ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến năm 2020” là trách nhiệm không chỉ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Các Bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh/thành phố có trách nhiệm phối hợp và tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, Đề án cũng nêu rõ "trí thức và đội ngũ trí thức ngành VHTTDL phải có bổn phận và ý thức, trách nhiệm trong công tác xây dựng đội ngũ trí thức văn hóa nghệ thuật, gia đình, thể dục thể thao và du lịch là điều kiện để đảm bảo chất lượng đội ngũ trí thức của ngành".
Đề án cũng xác định các nhiệm vụ cụ thể của các cơ quan trong giai đoạn 2010-2020:
- Xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch 5 năm và hàng năm về phát triển đội ngũ trí thức ngành VHTTDL phù hợp với Chiến lược phát triển văn hóa, Chiến lược phát triển thể dục thể thao, Chiến lược phát triển du lịch, Chiến lược cán bộ, Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội;
- Xây dựng chính sách, cơ chế đặc thù đào tạo tài năng nghệ thuật, năng khiếu thể thao; đào tạo giáo viên dạy nhạc, họa, thể dục ở các trường phổ thông; huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức ngành VHTTDL. Thực hiện cải cách hành chính trong công tác quản lý đội ngũ trí thức ngành VHTTDL;
- Xây dựng các chế độ, chính sách tôn vinh đối với cán bộ tri thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân, đối với tập thể và cá nhân tham gia xây dựng đội ngũ tri thức ngành VHTTDL.
- Xây dựng chính sách, cơ chế để phát triển và quản lý tốt công tác xuất bản các sản phẩm, công trình của trí thức ngành VHTTDL và truyền thông về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với trí thức ngành VHTTDL, đối với văn nghệ sĩ, nghệ nhân và tài năng về văn hóa, nghệ thuật, thể thao
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tổ chức sơ kết việc thực hiện Đề án vào năm 2015 và tổng kết vào đầu năm 2021.
Mục tiêu cụ thể trong xây dựng đội ngũ trí thức ngành VHTTDL giai đoạn 2009 - 2015:
- Về trình độ tiễn sĩ: Phấn đấu mỗi năm ngành tự đào tạo thêm 30 tiến sĩ và giai đoạn 2016-2020 là 50 tiến sĩ/năm. - Về trình độ thạc sĩ, cử nhân: phấn đấu đến năm 2020, mỗi năm ngành tự đào tạo được 300 thạc sĩ, huấn luyện viên và bác sĩ chuyên khoa cấp I y học thể thao và 12.000 cử nhân, tăng tỷ trọng sinh viên tốt nghiệp cao đẳng nghề du lịch lên 15%. - Về trình độ ngoại ngữ và tin học: đến năm 2020 sẽ phổ cập trình độ ngoại ngữ và tin học tương đương bằng C cho toàn bộ đội ngũ trí thức của ngành, đảm bảo sử dụng ngoại ngữ và tin học phục vụ được yêu cầu công việc. |
Kinh phí triển khai Đề án từ nguồn ngân sách nhà nước, tài trợ quốc tế và huy động tài trợ, đóng góp của các đối tượng khác trong nước qua xã hội hóa. Ngân sách nhà nước được cấp hàng năm theo quy định hiện hành đảm bảo việc thực hiện Đề án với các nội dung được phê duyệt tại Quyết định này.
HCTC
(nguồn QĐ 958/QĐ-TTg và Vụ Đào tạo)