Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Xây dựng đô thị di sản Huế như thế nào?

09/01/2023 | 15:31

Thừa Thiên Huế đã và đang nỗ lực xây dựng và phát triển mô hình đô thị di sản, hướng đến thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng “bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế”.

Xây dựng đô thị di sản Huế như thế nào? - Ảnh 1.

Du khách tham quan Đại nội Huế

Tuy nhiên, vấn đề phát triển bền vững cũng đang đối diện với không ít thách thức giữa bảo tồn và phát triển, cũng như nguồn lực cho công tác bảo tồn di sản văn hóa còn hạn chế…

Xác định 5 nội dung đột phá để phát triển

Và tỉnh đang triển khai quy hoạch với kỳ vọng sẽ khắc phục tối đa các tồn tại, hạn chế đã được nhận diện và định hình cho từng không gian phát triển để khai thác tiềm năng, lợi thế của từng khu vực, từng vùng với một tầm nhìn mới để đón đầu các xu thế phát triển trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế… Định hướng quy hoạch của tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định 5 nội dung đột phá để phát triển. Trong đó, nhấn mạnh đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa - hiện đại hóa - đô thị hóa, phát triển hệ thống đô thị di sản kết hợp đô thị hiện đại, thông minh.

Đồng thời, chú trọng công tác bảo tồn phát huy các di sản lịch sử, văn hóa và thiên nhiên; xây dựng hệ sinh thái dân sinh hấp dẫn với cơ chế chính sách đặc thù về quy hoạch xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị di sản; chính sách khuyến khích và hỗ trợ vượt trội, môi trường sống tốt, các dịch vụ công có chất lượng cao để thu hút và giữ chân nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu lao động việc làm; đặc biệt là bồi đắp, phát huy giá trị vai trò và con người Huế làm nền tảng phát triển bền vững. Cũng trong quy hoạch này, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng tập trung vào mô hình đô thị di sản và phương án đơn vị hành chính khi tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Cụ thể, khu vực nội thành (đô thị lõi) sẽ gồm 3 quận với quy mô diện tích hơn 1.086 km2; khu vực ngoại thành với 14 đô thị, trong đó có 2 thị xã, 6 thị trấn huyện lỵ và 6 đô thị mới. Khu vực nội thành giữ vai trò đô thị hạt nhân, vùng động lực để phát triển của tỉnh khi là thành phố Trung ương. Thành phố Huế hiện tại sẽ được tách thành 2 quận, là vùng di sản và phát triển trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, đặc biệt là Quần thể Di tích Cố đô Huế, đảm bảo tôn trọng thiên nhiên và hướng biển. Quận Hương Thủy được “nâng cấp” từ thị xã Hương Thủy, được phát triển gắn với sân bay quốc tế, khu công nghiệp và công nghệ cao, cùng một số trung tâm chuyên ngành và các khu đô thị mới.

Theo ông Nguyễn Đại Viên, Giám đốc Sở Xây dựng, Thừa Thiên Huế được áp dụng các yếu tố đặc thù đối với phân loại đô thị theo Nghị quyết 26/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, khu vực dự kiến hình thành đô thị và các đô thị trực thuộc để bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc Cố đô và di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO công nhận thì không xem xét tiêu chí mật độ dân số; đồng thời, các tiêu chuẩn về kiến trúc, cảnh quan đô thị của tiêu chí trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị thực hiện theo quy định đối với loại đô thị tương ứng, và mức tối thiểu của các tiêu chuẩn khác bằng 50% mức quy định của loại đô thị tương ứng...

Xây dựng đô thị di sản Huế như thế nào? - Ảnh 2.

Bản đồ phương án tổ chức không gian và phân vùng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế Ảnh: SỞ KH&ĐT THỪA THIÊN HUẾ

Không được bỏ qua lịch sử và văn hóa truyền thống

Cũng theo ông Viên, nếu đối chiếu với quy định tại Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 về phân loại đô thị, mô hình đô thị nói trên sẽ có tổng điểm các tiêu chí dự kiến đạt khoảng 80,5/100 điểm. Hiện nay, một số tiêu chuẩn mà Thừa Thiên Huế chưa đạt, cần phấn đấu như: Thu nhập bình quân đầu người so với trung bình cả nước; mật độ đường giao thông; tỷ lệ đất giao thông so với đất xây dựng; mật độ cống thoát nước chính; tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng...

Góp ý cho vấn đề quy hoạch, phát triển đô thị khi Thừa Thiên Huế lên thành phố trực thuộc Trung ương, ông Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL) cho rằng: “Chúng ta quy hoạch để Huế luôn luôn mới, ngày càng giàu đẹp và văn minh hơn. Nhưng đây là mảnh đất lịch sử, nên việc quy hoạch không được bỏ qua lịch sử và các yếu tố văn hóa truyền thống. Quy hoạch cho Thừa Thiên Huế cần thực hiện 2 chiều, một mặt là tiến tới sự phát triển tốt đẹp cho tương lai, một mặt cần bảo vệ di sản, quá khứ tốt đẹp của mình. Chúng ta đã từng để thất truyền trên mảnh đất Huế này không biết bao nhiêu “của cải”, do đó phải nghiêm túc trong bảo vệ truyền thống các giá trị của lịch sử. Huế luôn luôn mới nhưng Huế phải là chính Huế”.

Trong khi đó, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cũng cho rằng, tỉnh định hướng quy hoạch đưa Huế thành một “trung tâm của đa trung tâm”, vừa văn hóa, giáo dục, thương mại dịch vụ, công nghệ... Nhưng phải chọn đặc thù của Huế, đó chính là văn hóa, là thế mạnh mà khó địa phương nào có được. Với hệ thống di sản đồ sộ, phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch về nguồn. Vấn đề này cần được làm rõ và có định hướng chi tiết hơn, nếu làm không khéo thì dễ có thể là cạnh tranh với Đà Nẵng, đó là điều không cần thiết mà mất đi sự phát triển của Huế.

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×