Xây dựng các sản phẩm du lịch từ giá trị văn hóa vạn chài trên Vịnh Hạ Long
30/11/2021 | 08:35Chèo đò tham quan làng chài, hồ nước đẹp, đánh cá hay nghe chính ngư dân biểu diễn hát giao duyên, tái hiện không gian làng chài sinh động với bè nuôi cá, trường học... là những điều đang tạo nên một nét riêng có cho các chương trình tham quan Vịnh Hạ Long từ việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa vạn chài.
Từ lâu, những kết quả nghiên cứu khoa học, khảo cổ... đã khẳng định bề dày, giá trị văn hóa cộng đồng ngư dân trên Vịnh Hạ Long. Nơi đây là "ngôi nhà" chung của các cư dân nền văn hóa cổ hàng nghìn năm trước, tiếp nối nhau từ văn hóa Soi Nhụ, Cái Bèo, Hạ Long. Tiến trình dựng nước, giữ nước trong suốt hành trình lịch sử cũng khẳng định vị thế văn hóa của Vịnh Hạ Long qua những địa danh mà tên gọi gắn với điển tích còn lưu truyền đến nay, như núi Bài Thơ, hang Đầu Gỗ, Bãi Cháy...
Chị Lê Thị Thìn, Trưởng Phòng Nghiêp vụ - Nghiên cứu, Ban quản lý Vịnh Hạ Long, cho biết: Ngoài các giá trị ngoại hạng, Vịnh Hạ Long còn chứa đựng trong nó nhiều giá trị văn hóa vô giá. Các chất liệu này đã được quan tâm bảo tồn và phát huy thành các sản phẩm du lịch hoặc tăng sức hấp dẫn cho các điểm đến.
Ngược dòng lịch sử, các làng chài trên Vịnh Hạ Long đã xuất hiện sớm, từ đầu thế kỷ 19, tiền thân là các làng chài 2 bên bờ Vịnh Hạ Long là Giang Võng (Hà Khánh), Trúc Võng (khu vực Cái Lân) và vẫn giữ được nét đặc trưng theo thời gian, các biến động, chiến tranh... Nay hậu duệ của họ là những dân chài sống trên 7 làng chài lớn trên vịnh, tiêu biểu nhất là Cửa Vạn và Vung Viêng. Nay những nét văn hóa đặc trưng đó đã được phát huy phục vụ du lịch.
Gần nhất, năm 2014, sau khi di dân lên bờ, thấy được tầm quan trọng đó, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã làm Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng chài. Năm 2016, đơn vị đã lựa chọn và tiến hành duy trì 20 căn nhà tiêu biểu của ngư dân làng chài Cửa Vạn; tái hiện lại mô hình lớp học nổi, thư viện, nhà sách và dựng phim giới thiệu làng chài, tổ chức các lớp học đan lờ, sửa lưới, móc câu... Đơn vị cũng đặt thêm 2 thuyền nan, 6 thuyền ba vát để phục vụ hát giao duyên, trải nghiệm đánh cá...
Nhờ đó, đến nay đã tạo thành tổ hợp sản phẩm du lịch độc đáo, tái hiện sinh động không gian văn hóa làng chài xưa, mang đến trải nghiệm hấp dẫn, thú vị cho khách du lịch đến Vịnh Hạ Long. Chắc hẳn khi đến Cửa Vạn hay Vung Viêng, du khách sẽ được tham quan mô hình lớp học nổi; xem trình diễn hát giao duyên trên thực cảnh Vịnh Hạ Long; tham quan kết hợp trải nghiệm chế tác, sửa chữa ngư cụ truyền thống, nuôi cá lồng bè... Điều này đã làm sinh động, tạo nét mới, thu hút sự quan tâm của du khách.
Cũng trên nền tảng này, trước đó, một trong những sản phẩm du lịch tạo nét riêng, sự hấp dẫn chính là phục vụ khách du lịch tham quan các làng chài, cảnh quan trên Vịnh Hạ Long bằng thuyền nan. Sản phẩm được triển khai lần đầu từ năm 2010 tại làng chài Ba Hang, sử dụng thuyền và do chính ngư dân bản địa chèo. Đây là sản phẩm thú vị, sau đó được nhân rộng ra Vung Viêng, Cửa Vạn, tạo nét chấm phá khi tham quan khu vực Ba Hang (tuyến 1), hang Luồn (tuyến 2), Cửa Vạn (tuyến 3).
Không chỉ vậy, trong những năm qua, các giá trị văn hóa vật thể cũng được quan tâm bảo tồn, tạo sức hấp dẫn, độc đáo riêng có cho các điểm đến. Đó là việc Ban Quản lý Vịnh Hạ Long phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội tìm kiếm, khảo cổ, sưu tầm ở hang Tiên Ông từ năm 2007. Các hiện vật về cái nôi cư trú và sinh sống của người Việt cổ, thay vì đưa về bảo tàng được giữ lại và trưng bày tại chỗ lần đầu năm 2019. Đây có thể coi là giá trị độc đáo, duy nhất ở Việt Nam khi một di chỉ khảo cổ học được kết hợp với điểm du lịch, tạo ra điểm độc đáo trên tuyến tham quan số 3 Tuần Châu - Cửa Vạn - Tiên Ông...
Tương tự là một không gian trưng bày, như một "bảo tàng lịch sử thu nhỏ" công phu về đời sống ngư dân được tái hiện sinh động tại Cửa Vạn với khoảng 1.000 hiện vật được sưu tập, trưng bày về các nền văn hóa Soi Nhụ, Cái Bèo và Hạ Long; những hiện vật về tri thức văn hóa của ngư dân Cửa Vạn...
Ngoài ra, có không ít các giá trị văn hóa phi vật thể còn được quan tâm phục dựng trở thành dịch vụ, sản phẩm du lịch hấp dẫn như: phục dựng lại các phong tục tập quán, lễ hội lớn trên Vịnh (lễ hội đền Cậu Vàng (Cửa Vạn), lễ rước nước ở Cửa Vạn, lễ hội đền Bà Men), đưa những giá trị của nghệ thuật hát giao duyên phục vụ du khách...
Như vậy, ngoài các tuyến, điểm tham quan chính, truyền thống, các giá trị văn hóa đang tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, hút khách, hoặc tô điểm, tạo một bản sắc riêng có cho hành trình tham quan Vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, cũng có thể thấy, nhiều giá trị vật thể (hiện vật, nhà bè...) và phi vật thể cần được đầu tư nguồn lực bảo tồn, sưu tầm, bảo vệ kỹ lưỡng khi mà các nguồn lực dành cho công tác này còn khá hạn chế và những giá trị vô giá này có thể mất đi theo thời gian nếu không được quan tâm đúng mức.