Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Xác định rõ trách nhiệm và sự phối hợp trong quản lý quảng cáo

13/01/2012 | 01:12

Chiều 10/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quảng cáo.

Điều 6 của dự Luật này quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về  quảng cáo và giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về quảng cáo.

Tại các phiên thảo luận tại tổ và  hội trường tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII vừa qua, nhiều ý kiến đồng ý với quy định của dự thảo Luật, nhưng cũng không ít ý kiến (19 ý kiến/139 phát biểu về dự Luật này) đề nghị giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý quảng cáo. Có ý kiến đề nghị Bộ Công Thương làm nhiệm vụ này.

Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng vẫn quyết định bảo lưu ý kiến thẩm tra trước đây, đồng ý cơ quan quản lý quảng cáo là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tuy nhiên, có những nội dung quảng cáo mà một mình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không quản lý hết được nên Ủy ban đề ra hai phương án bổ sung là Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ quy định trách nhiệm của từng Bộ; hoặc dự thảo Luật bổ sung một số quy định về trách nhiệm của các Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, UBND cấp tỉnh trong quản lý quảng cáo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đều nghiêng về phương án 2 là dự Luật quy định thêm trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương liên quan đến quảng cáo.

Cũng theo ông Ksor Phước, thực tiễn cho thấy có nội dung quảng cáo thuộc quản lý của các Bộ, ngành khác nhau. Ví dụ, xăng dầu, xe máy thì Bộ Công Thương quản lý, thuốc chữa bệnh do Bộ Y tế,… nếu xảy ra sai phạm trong quảng cáo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không thể trực tiếp giải quyết được xăng hay thuốc kém chất lượng ra sao mà cần sự phối hợp của các Bộ, ngành khác.

Tuy nhiên, ông Ksor Phước cho rằng các cơ quan soạn thảo và thẩm tra cần làm rõ sự phối hợp trong quản lý nội dung quảng cáo và hình thức truyền tải quảng cáo, vì dự Luật chưa làm rõ ai sẽ chịu trách nhiệm nếu có sai phạm.

Đối với vấn đề quảng cáo rượu, vẫn có nhiều ý kiến chưa thống nhất. Dự thảo Luật quy định cấm quảng cáo rượu có nồng độ cồn từ 30 độ trở lên. Một số ý kiến đề nghị cấm quảng cáo rượu có nồng độ cồn trên 15 độ, trên 25 độ và có ý kiến cấm hoàn toàn quảng cáo rượu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các cơ quan soạn thảo cần lưu ý quy định về quảng cáo rượu cho phù hợp với thực tiễn và các điều ước quốc tế. Còn Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Bộ Công Thương tiếp tục cung cấp căn cứ để đưa ra quy định hợp lý.

UBTVQH ủng hộ xã hội hóa giám định tư pháp


Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật giám định tư pháp. Nội dung nổi bật của phiên thảo luận là phạm vi xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp.

Theo Ủy ban Pháp luật, một loại ý kiến không đồng tình với việc xã hội hóa giám định tư pháp. Một loại ý kiến khác đồng tình nhưng một số ý kiến đề nghị chỉ nên giới hạn ở một số lĩnh vực nhất định, có nhu cầu giám định tư pháp tương đối phổ biến như xây dựng, tài chính- kế toán, am thanh, cổ vật, thổ nhưỡng- nông nghiệp, an toàn thực phẩm. Đồng thời, có lộ trình hợp lý, thực hiện thí điểm tổng kết, rút kinh nghiệm, sau đó mới áp dụng phổ biến.

Nhiều ý kiến từ các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng xã hội hóa giám định tư pháp là cần thiết, nhằm cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp. Một số cơ quan nhà nước sẽ chỉ giám định ở các lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự, các trường hợp có nhu cầu phổ biến như trên sẽ được xã hội hóa.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ việc xã hội hóa giám định tư pháp theo quy định của dự thảo Luật.

Theo Chinhphu.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×