Vượt qua khó khăn năm 2021, ngành du lịch hướng tới thích ứng an toàn, linh hoạt, từng bước phục hồi hoạt động
24/12/2021 | 14:56Ngày 23/12/2021, Tổng cục Du lịch đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.
Báo cáo tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030 và các kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.
Năm 2021 vừa qua cũng là năm thứ 2 ngành du lịch nói riêng và các ngành nghề khác nói chung tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong bối cảnh hết sức khó khăn đó, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Lãnh đạo Bộ, ngành du lịch đã tập trung cùng cả nước ứng phó với đại dịch Covid-19, đồng thời chủ động thích ứng với tình hình mới và đạt được những thành quả đáng ghi nhận trong nỗ lực phục hồi ngành du lịch trên các mặt nổi bật như du lịch nội địa, triển khai thí điểm đón khách quốc tế theo lộ trình, từng bước chuẩn bị các điều kiện để khôi phục hoạt động của ngành du lịch và bước vào giai đoạn phát triển mới...
Cụ thể, Tổng cục Du lịch đã tham mưu, đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và lao động ngành du lịch. Đáng chú ý, nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù cho ngành du lịch đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và lao động du lịch như giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023, giảm thời gian hoàn trả ký quỹ cho doanh nghiệp lữ hành (từ 60 ngày xuống 30 ngày), giảm 50% phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh lữ hành, phí thẩm định cấp thẻ Hướng dẫn viên du lịch, hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch trong thời gian gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch...
Về việc triển khai hiệu quả các chính sách kích cầu và khôi phục du lịch nội địa, Tổng cục Du lịch đã tham mưu Lãnh đạo Bộ ban hành Kế hoạch số 3228 triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành; Hướng dẫn tạm thời số 3862 về thích ứng an toàn, linh hoạt trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Theo báo cáo từ các địa phương, hoạt động du lịch tại các địa phương đã bắt đầu có tín hiệu trở lại tích cực sau thời gian dài chịu ảnh hưởng như Hà Nội đón 4 triệu lượt khách nội địa, Đà Nẵng đón 1,1 triệu lượt, Lâm Đồng đón 2,2 triệu lượt, Quảng Ninh đón 4,3 triệu lượt, Ninh Bình đón 1,3 triệu lượt, Thanh Hóa đón 3,4 triệu lượt…
Đồng thời, Tổng cục Du lịch đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ nhất trí chủ trương, lộ trình thí điểm mở cửa đón khách du lịch quốc tế theo 3 giai đoạn. Sau gần 2 năm hoạt động du lịch quốc tế bị ngừng trệ, tháng 11 vừa qua những vị khách du lịch quốc tế đầu tiên đã đến Quảng Nam, Phú Quốc và Khánh Hòa. Dự kiến đến hết tháng 12/2021, du lịch Việt Nam sẽ đón được 3.000-3.500 khách du lịch quốc tế và sang tháng 1/2022 sẽ tiếp tục đón khách du lịch quốc tế đến từ thị trường Hàn Quốc, Liên bang Nga, Uzbekistan, Kazakstan, Thái Lan và Ấn Độ.
Công tác áp dụng chuyển đổi số, đẩy mạnh truyền thông quảng bá du lịch Việt Nam cũng được tích cực triển khai. Tổng cục Du lịch đã chủ động đẩy mạnh công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam trên các nền tảng số, hướng đến các thị trường du lịch quốc tế trọng điểm để duy trì cảm hứng du khách và thu hút du khách quay trở lại Việt Nam khi điều kiện cho phép.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, ngành du lịch Việt Nam đã nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế, vinh dự nhận được nhiều giải thưởng hàng đầu khu vực và thế giới như danh hiệu Điểm đến hàng đầu châu Á, Điểm đến du lịch bền vững hàng đầu châu Á, Điểm đến Golf tốt nhất thế giới và châu Á, Điểm đến du thuyền tốt nhất châu Á, cùng rất nhiều giải thưởng danh giá dành cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, điểm du lịch, nhà hàng, công ty du lịch, hãng hàng không của Việt Nam.
Tổng cục Du lịch Việt Nam vinh dự được tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards) trao tặng danh hiệu “Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á”.
Tham dư và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt đánh giá cao những nỗ lực, thành tích của Tổng cục Du lịch đã đạt được trong thời gian qua trong việc kịp thời tham mưu Lãnh đạo Bộ VHTTDL về những giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi hoạt động ngành du lịch, góp phần đưa ngành vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi hoạt động du lịch nội địa và quốc tế.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhận định, năm 2022 sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của biến chủng mới. Tuy nhiên, sự phục hồi của ngành du lịch là mong mỏi không chỉ của toàn ngành mà còn của các cấp, ngành và toàn xã hội.
Thứ trưởng đề nghị, trong năm tới đây, Tổng cục Du lịch cân tập trung, thực hiện một số nhiệm vụ chính gồm: tập trung xây dựng, triển khai các đề án lớn như: sơ kết, đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; rà soát, đề xuất chỉnh sửa Luật Du lịch phù hợp với tình hình mới; quy hoạch mở rộng không gian du lịch…
"Tổng cục Du lịch cần tập trung triển khai các chương trình, đề án về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh và nâng tầm công tác xúc tiến quảng bá du lịch quốc gia, tăng cường huy động sự tham gia của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp. đồng thời, hỗ trợ các địa phương phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, độc đáo. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành, phục hồi nguồn nhân lực du lịch sau những ảnh hưởng của dịch bệnh" - Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh./.